UBND TP Hà Nội đang rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch 1259). Bản đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, sau 10 năm triển khai, quy hoạch này có một số điểm không còn phù hợp, đòi hỏi điều chỉnh sớm để phục vụ các mục tiêu phát triển lâu dài.
Đơn cử, quy hoạch 1259 dự báo dân số toàn thành phố đến năm 2020 khoảng 7,3 đến 7,9 triệu người, tuy nhiên cách đây hơn một năm dân số của Hà Nội đã hơn 8,2 triệu. Mật độ dân số khu vực trung tâm chạm ngưỡng 9.570 người/km2, gần gấp đôi dự báo.
"Mật độ dân cư của thành phố trên thực tiễn đã vượt khỏi tầm kiểm soát của quy hoạch 1259", Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu và cho rằng các đô thị vệ tinh của Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu giảm tải cho nội đô do kết nối hạ tầng yếu, không đồng bộ. Vành đai xanh chưa được chú trọng, các khu đô thị rời rạc, thiếu liên kết...
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, việc điều chỉnh quy hoạch chung lần này cần hướng đến "giảm quy mô, mật độ dân số trong nội đô; giải phóng quỹ đất để đẩy mạnh các dự án hạ tầng xã hội; định hướng không gian đô thị theo mô hình TOD – lấy giao thông công cộng làm cơ sở phát triển".
Hệ thống giao thông công cộng sẽ tiếp tục được chú trọng với 2 thành phần chính là buýt nhanh (BRT) và đường sắt đô thị. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng xây dựng thêm một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.
Hiện vùng thủ đô Hà Nội với diện tích hơn 24.000 km2, dân số khoảng 20 triệu người, lớn hơn vùng thủ đô Tokyo (khoảng 14.000 km2, dân số 38 triệu người) và lớn hơn vùng thủ đô Bangkok cả về diện tích và dân số, nhưng mới chỉ có một cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất... Vì vậy, trong dự kiến điều chỉnh quy hoạch chung, Hà Nội sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng thủ đô tại khu vực phía Nam thành phố.
"Chúng tôi kiến nghị đặt sân bay thứ hai vùng thủ đô tại Hà Nội thay vì địa phương lân cận do thuận lợi về vị trí, hệ thống giao thông kết nối", ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho hay.
Về tổng quan, quy hoạch chung vẫn tuân theo cấu trúc đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn). Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu một số định hướng chính như nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số "thị xã mới trong thành phố". Đây sẽ là khu vực đô thị nén, cao tầng gồm các khu thương mại dịch vụ, công viên, du lịch, khách sạn, cảnh quan...
Các cơ quan cũng sẽ nghiên cứu cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển cân đối không gian hai bên sông; phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.
"Định hướng cơ bản khu vực hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống là trục
không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục hồ Tây - Cổ Loa, tạo trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội", Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu.
Đối với chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 (quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, huyện Hoài Đức và huyện Thanh Oai), Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận định khu vực này có dư địa để trở thành trung tâm hành chính, thương mại của quốc gia và Hà Nội, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm...
Ông Lưu Quang Huy cho biết hiện các cơ quan vẫn trong giai đoạn nghiên cứu. Qua báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thành phố sẽ đánh giá những vấn đề liên quan để trình cấp có thẩm quyền.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô lần này, thành phố cần chú ý đến tính khả thi, khoa học của quy hoạch thay vì ý chí chủ quan như trước. Quy hoạch 1259 đã đưa ra một bức tranh tổng thể quy hoạch thủ đô với tầm nhìn đến năm 2050, song lại chưa có tính toán một cách cẩn trọng về nguồn lực. Điều này dẫn đến công tác đầu tư bị dàn trải, hiệu quả nguồn vốn thấp.
"Các khu đô thị mới đóng vai trò quan trọng đối với diện mạo thủ đô trong quy hoạch, song đây mới chỉ là ốc đảo cô độc khi kết nối giao thông quá nghèo nàn. Người dân khó bị thu hút khi không đảm bảo được việc làm, xa trường học, bệnh viện, hạ tầng xã hội không đồng bộ", ông Tùng phân tích và kiến nghị Hà Nội cần dành nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh đô thị vệ tinh, xác định đây là hướng đi chủ yếu đối với quá trình phát triển.
Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung cũng là thời điểm thích hợp để thành phố rà soát toàn diện những vấn đề yếu kém trong quản lý đô thị như ô nhiễm sông ngòi, không khí, xử lý chất thải rắn, thoát nước cũng như dự án chậm triển khai. "Đã đến lúc soi chiếu kỹ toàn bộ dự án bất động sản trên địa bàn, không để lãng phí nguồn lực về đất đai như giai đoạn vừa qua", ông Tùng nói.
Sơn Hà