Trở về Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên sau hơn một tháng nằm viện với cánh tay còn băng bó sau ba lần phẫu thuật, tinh thần chị Nguyễn Thị Kim tốt hơn khi ở bên người thân, gặp xóm làng nơi tạm cư. Thiếu phụ 27 tuổi cảm giác "sống lại" sau những ngày suy sụp vì biến cố. Chồng Kim, thầy giáo dạy nhạc Hà Xuân Giang trở lại trường sau những ngày chăm nuôi vợ nằm viện.
Trong thảm họa lũ quét sáng 10/9, Kim bị vỡ xương tay, thủng màng nhĩ, gãy xương sườn. Gia đình ba người sống sót, nhưng chị mất 11 người thân, trong đó người anh họ đến nay vẫn mất tích. Vợ chồng ở nhờ gian tạm cư của người làng vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
Khu tạm cư cách làng cũ gần hai cây số. Bốn dãy nhà 23 căn nằm trên bãi đất rộng hơn 2.000 m2 là nơi ở tạm ba tháng của các gia đình bị vùi lấp và thuộc diện nguy cơ sạt lở cao. Phòng nằm cạnh nhau, chung khoảnh sân, đầu hồi trồng hoa giấy. Trước cửa mỗi nhà đều gắn tên chủ hộ.
Người Làng Nủ trên đầu vẫn quấn vành tang trắng, nhưng sum vầy chờ đón những em bé sắp chào đời, đợi cuối tháng 12 dọn về nhà mới. Lúa mới đã gặt xong, họ lên đồi thăm quế sắp bóc vỏ, trở lại buôn bán.
Kim vẫn khóc khi nhắc về làng cũ - nơi quần tụ nhiều đời của gần bốn mươi nóc nhà người Tày giờ là bãi bùn. Chị muốn trở về thắp hương cho người thân, xem lại nhà mình, nhưng bố mẹ khuyên ngăn vì cánh tay bị thương chưa lên da non. Nhớ làng, Kim đành nhờ bạn chở ra đầu con dốc rồi đứng đó nhìn về. Khu dân cư chỉ sót lại ngôi nhà lợp mái tôn màu đỏ của ông Nguyễn Văn Cai, cha đẻ Kim.
Bé Bối, con gái 3 tuổi của Kim, đôi lúc hỏi mẹ sao không về "căn nhà màu đỏ và nhà màu trắng". Nhà sàn lợp ngói đỏ của ông ngoại, còn ngôi nhà sơn màu trắng từng là nơi an cư của gia đình Kim. Nhà ba gian hoàn thành cuối năm 2022 sau gần bốn năm họ kết hôn. Chồng Kim khéo tay, thiết kế cái kệ gỗ giữa phòng khách với nhà bếp cho vợ bày biện mấy bình hoa. Họ vẫn còn một khoản nợ chưa trả xong thì nhà bị san phẳng.
Khu tái định cư đang được cấp tốc xây trên đồi, dự kiến hoàn thành trước 31/12, phần nào giúp người Làng Nủ vơi đi nỗi lo về nhà cửa. "Giờ em chỉ muốn được đi làm, chiều về cơm nước, đưa đón con bình thường như ngày trước. Cứ bình bình mà sống, đủ ăn là được", Kim xoa cánh tay còn quấn gạc trắng ao ước.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều người mệt mỏi, nhưng với người vừa trải qua biến cố như Kim lại là niềm mơ ước. Vết thương hở trên cánh tay sẽ sớm kéo da non, dù để lại sẹo. Cũng như Làng Nủ "trở về như ngày xưa rất khó", nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Kim chỉ mong "xóm làng bình an, ai nấy mạnh khỏe".
Trước biến cố, Kim làm thu ngân siêu thị ở thị trấn Phố Ràng. Vợ chồng thu nhập "không cao không thấp, đủ sống" và tích cóp một khoản trả nợ nhà. Cánh tay vỡ xương nâng lên khó nhọc khiến chị nghĩ nhiều về công việc giáo viên cấp một - ước mơ từng gác lại sau lần thi biên chế không được, đi dạy hợp đồng rồi nghỉ đi làm ngoài. Chờ sức khỏe ổn hơn, Kim sẽ phấn đấu trở lại với nghề dạy học.
Công trường tái định cư cạnh đó ầm ì tiếng máy múc đất, xe tải chạy dọc ngang. Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) đã lắp dựng xong những khung nhà sàn đầu tiên. Toàn bộ công trình dự kiến xong trước ngày 31/12.
Anh Sầm Văn Bóng, người đàn ông đã mất vợ, con trai, con dâu, cháu nội với con gái út, thi thoảng lên công trường xem tiến độ xây dựng. Anh mong chóng tới cuối tháng 12 để đưa di ảnh người thân về nhà, một năm sau sẽ lập bàn thờ mới. Anh giải thích phong tục người Tày qua một mùa hoa mận, hoa đào, tức qua năm mới, sau giỗ đầu mới được lập bàn thờ cho người quá cố.
Người thân mất gần hết, giờ anh chỉ còn con trai thứ. Chàng trai 21 tuổi nghỉ lái máy xúc ở Bắc Ninh, trở về lo hương khói cho mẹ, san sẻ việc đồi nương với bố. Đồi quế, nương ngô vẫn ở trong làng cũ, cha con anh Bóng vừa thu hoạch xong lúa vụ mùa. Anh nói lúa ấy vợ trồng, phải thu đủ về để không phụ công.
Chỗ ở đã được nhà nước lo, anh Bóng tính chuyển về nhà mới sẽ chạy chợ buôn bán tiếp. Dân làng có nông sản anh mang đi bán giúp, thiếu gì lại mua về phân phối. Ngày trước gia đình còn sum vầy, anh Bóng mong "người ta có thứ gì mình cũng có thứ đó". Hơn 20 năm phấn đấu, anh đã sắm xe máy, máy xúc. Giờ chỉ còn hai cha con nương tựa nhau, anh chỉ cần con khỏe mạnh, sớm lập gia đình, đủ ăn như anh em là được.
Cuối dãy tạm cư, bốn anh em Hoàng Văn Tình quây quần bên mâm cơm trưa có cá rán, giò, rau cải luộc. Các thành viên vốn mỗi người làm thuê một nơi nay về ở chung lo hương khói cho người mẹ đã khuất sau trận sạt lở. Bàn thờ tổ tiên với bát hương, mấy chén nước đặt trên chiếc bàn gỗ kê tạm, chờ về nhà mới.
Anh Tình nói nhà nước xây nhà mới cho "là hạnh phúc, còn đâu mình tự túc". Ba tháng nữa hết năm, họ chờ nhận nhà, lập bàn thờ tổ tiên, đón Tết xong rồi quay xuống Hà Nội hoặc trở lại Sa Pa làm thuê. Nhà không còn ruộng, không ao chum thả cá, chỉ còn đồi trồng cây nên anh em lại tứ tán.
Phía trong hiện trường sạt lở cách nơi tái định cư gần 3 km vắng lặng khi công cuộc tìm kiếm người mất tích đã dừng lại từ ngày 10/10. Vẫn còn bảy nạn nhân mất tích chưa tìm thấy. Dòng suối vắt ngang làng sau những ngày hanh khô đã không còn cuốn theo bùn đất đục ngầu như trước mà trong xanh trở lại. Trên lòng suối đặt những đóa cúc vàng lẫn chân hương tưởng niệm người xấu số.
Rạng sáng 10/9, thảm họa lũ quét Làng Nủ khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích. Kết quả khảo sát hiện trường cho thấy sạt trượt phát sinh từ cao độ 744 m gần đỉnh núi Voi tạo thành dòng lũ bùn, gặp khúc co hẹp 100 m tạo thành "đập dâng" tạm thời, vỡ tràn rồi ụp xuống khu dân cư.
Khoảng 1,6 triệu m3 bùn đá ập xuống làng chỉ trong 5 phút. Dòng lũ bùn đá dài khoảng 3,6 km với diện tích ảnh hưởng 38 ha, chiều sâu tích tụ dòng bùn 8-15 m, sâu nhất khoảng 18 m.
Hoàng Phương - Gia Chính