Oscar được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 1929 tại Hollywood để tôn vinh những cống hiến điện ảnh xuất sắc trong năm. Bức tượng vàng có hình một chàng hiệp sĩ cầm thanh kiếm, cao khoảng 34 cm và nặng gần 4 kg, được làm bằng kim loại đồng mạ vàng 14 cara do nhà điêu khắc nổi tiếng Cedric Gobbons thiết kế vào năm 1928.
Tượng vàng Oscar là niềm mơ ước của bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bẩy. |
Nguồn gốc cái tên Oscar đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Một trong các giai thoại là thư ký của Viện Hàn lâm - Margaret Herrick - lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng này vào năm 1931 đã cho rằng nó giống y như ông chú có tên Oscar của bà. Một nhà báo có mặt vào lúc đó đã lấy ngay cái tên này làm tiêu đề cho một bài báo.
Nữ diễn viên Bette Davis lại cho rằng cái tên này bắt nguồn từ người chồng đầu tiên của bà, người chỉ huy dàn nhạc Harmon - Oscar Nelson. Dù thế nào đi nữa, Oscar vẫn là cái tên phổ biến và quen thuộc nhất mỗi khi nhắc đến giải thưởng điện ảnh danh giá của Viện Hàn lâm.
Giải thưởng Oscar được trao vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm và được truyền hình trực tiếp. Theo quy định, một bộ phim muốn tranh giải Oscar phải được trình chiếu trong thời gian từ 1/1 đến 31/12 của năm trước đó tại Los Angeles, Hollywood và có độ dài ít nhất là 40 phút, trừ phim ngắn.
Nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ), nơi diễn ra đêm trao giải Oscar thường niên từ năm 2002. |
Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, các thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh (AMPAS) được chọn ra từ Hội đồng quản trị (Board of Governors) sẽ bỏ phiếu cho các nội dung thuộc ngành của họ (những thành viên làm diễn viên sẽ bỏ phiếu cho các giải diễn viên, đạo diễn sẽ bỏ phiếu cho giải đạo diễn). Ở vòng 2 sẽ xác định được người thắng cuộc.
Những nhân vật từng giành Oscar ở các năm trước thường được mời tham gia bầu chọn vào các năm sau, nhưng điều này không nằm trong quy định của Viện Hàn lâm. Việc đề cử các thành viên mới được tiến hành hàng năm. Hoa đán Chương Tử Di từng vinh dự được Viện Hàn lâm mời tham gia bầu chọn Oscar hai lần, vào năm 2005 và năm nay.
Thông thường, Viện Hàn lâm không công bố danh tính các thành viên của từng năm, nhưng giới truyền thông vẫn đưa ra tên tuổi của họ và trung bình mỗi năm có trên dưới 6.000 thành viên tham gia quá trình chấm giải.
Poster quảng bá cho giải thưởng Oscar lần thứ 84 sắp diễn ra vào tối 26/2. |
Lễ trao giải đầu tiên diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood, Mỹ vào cuối thập niên 1920. Những năm 1990, Oscar được trao tại Trung tâm âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium. Từ năm 2002, Nhà hát Kodak trở thành nơi tổ chức của giải thưởng này. Lần đầu tiên đêm trao giải được ghi hình là vào năm 1953 bởi hãng NBC, nhưng đến năm 1960 thì quyền truyền hình lại lọt vào tay hãng ABC.
Hai hãng NBC và ABC tiếp tục tranh giành nhau bản quyền này trong suốt thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng từ năm 1976 đến nay, ABC đã trở thành đơn vị được phép phát sóng trực tiếp lễ trao giải. Bản hợp đồng giữa ABC với AMPAS kéo dài cho đến năm 2014.
Thảm đỏ Oscar là nơi để các minh tinh khoe sắc trong những bộ váy hàng hiệu rực rỡ. |
Cũng giống như các lễ trao giải Quả cầu vàng hay Bafta, Oscar cũng là dịp các ngôi sao nổi tiếng gặp gỡ nhau và khoe sắc trong những bộ cánh đẹp và đắt tiền nhất. Đây cũng là nơi thể hiện đẳng cấp và vinh danh những tài năng điện ảnh thực thụ. Đêm trao giải Oscar lần thứ 84 sẽ diễn ra vào tối 26/2 tại nhà hát Kodak, Los Angeles, với sự tham gia hàng trăm minh tinh, tài tử và các nhà làm phim.
Năm nay, danh hài Billy Crystal tiếp tục là người dẫn chương trình chính của đêm trao giải. Đây là lần thứ tám ông nắm giữ vị trí được nhiều người mơ ước này. Christian Bale, Halle Berry, Natalie Portman, Tom Cruise, Tom Hanks, Angelina Jolie... sẽ là những minh tinh - tài tử lên trao các giải năm nay.
* Trailer "Oscar 2012" |
Một số kỷ lục trong lịch sử Oscar - 3 bộ phim từng giành nhiều giải Oscar nhất trong lịch sử (11 giải) là Ben Hur (1959), Titanic (1997) và The Lord of The Rings : The Return of The King (2003). - Katherine Hepburn là diễn viên giành nhiều giải Oscar nhất ở hạng mục diễn xuất. Bà đã sở hữu 4 tượng vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc. - Bộ phim châu Á đầu tiên được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất là Ngọa Hổ Tàng Long (2000). - Người sở hữu nhiều tượng Oscar nhất là Walt Disney với 59 đề cử và 22 lần giành giải chính thức ở nhiều hạng mục khác nhau. - Diễn viên già nhất từng giành giải Oscar là Jessica Tandy. Bà đoạt giải khi đã 80 tuổi với vai diễn trong phim Driving Miss Daisy vào năm 1989. Nữ diễn viên Tatum O’Neal hiện vẫn nắm giữ kỷ lục người trẻ nhất giành giải Oscar về diễn xuất khi mới 10 tuổi. - Beauty And The Beast, Up và Toy Story 3 là ba bộ phim hoạt hình từng được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất. - Tàu tử yểu mệnh Heath Ledger là diễn viên quá cố đầu tiên giành giải Oscar. Hơn một năm sau khi qua đời, anh được xướng tên nhận danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2009 với vai Joker trong The Dark Knight. - Meryl Streep là diễn viên từng được đề cử nhiều nhất với 16 lần nhưng mới 2 lần được vinh danh. Năm nay, bà tiếp tục có tên trong hạng mục tranh giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với vai cựu thủ tướng Anh, Margaret Thatcher trong phim The Iron Lady. - Năm 2000, 55 bức tượng vàng bị đánh cắp khi đang trên đường vận chuyển tới buổi lễ. Sau đó, 53 bức đã được tìm thấy. - Mỗi năm, khoảng 50 - 60 bức tượng Oscar được sản xuất. - Jennifer Hudson là nghệ sĩ đầu tiên giành cả giải Grammy lẫn Oscar với album và bộ phim đầu tiên của mình. Năm 2007, vai diễn đầu tay - Effie White - trong phim ca nhạc Dreamgirls đã đem lại cho Jennifer danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Hai năm sau đó, cô giành giải Grammy với album đầu tay mang chính tên mình. - Tính đến giải Oscar lần thứ 83 vào năm ngoái, đã có khoảng gần 3.000 giải Oscar được trao và hơn 300 diễn viên được trao giải về diễn xuất. - Người phụ nữ đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc là Kathryn Bigelow vào năm 2010 với bộ phim The Hurt Locker. Bà đã đánh bại chồng cũ là đạo diễn James Cameron để ghi dấu ấn nữ quyền trong lịch sử giải đạo diễn của Oscar. - Từ năm 2010, số lượng đề cử hạng mục Phim hay nhất tăng lên con số 10. Tới năm nay, Viện Hàn lâm tiếp tục đổi luật thành số lượng các phim tranh giải ở hạng mục quan trọng nhất này có thể dao động từ 5 đến 10, tùy theo chất lượng phim từng năm. 2012 có 9 phim cạnh tranh tượng vàng. |
Nguyên Minh