Bệnh nhân thường tê nhiều ở ba ngón giữa, có lúc tê cả ngón út. Chứng tê này thường xuất hiện về đêm và giảm đi khi nâng tay cao. Trong ngày, khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều (như lái xe máy, xách giỏ đi chợ, làm việc bàn giấy)... cảm giác tê lại xuất hiện. Lúc đầu, tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó, cơn tê ngày càng kéo dài. Sau một thời gian, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy khó cầm nắm hoặc bị run tay, dễ làm rớt đồ vật.
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng trên là tình trạng dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép. Các nguyên nhân khác bao gồm chấn thương, thấp khớp, suy tuần hoàn tĩnh mạch hay động mạch (do giảm lượng máu đi và đến các động mạch nhỏ ở ngón tay), có sự chèn ép rễ thần kinh từ trên cột sống cổ, tạo các cơn tê chạy từ cổ hay từ vai xuống bàn tay. Ngoài ra, các chứng bệnh viêm thần kinh ngoại biên, thiếu vitamin B1, B6, B12, tiểu đường, di chứng tai biến mạch máu não... cũng có thể gây tê và yếu bàn tay, nhưng thường sẽ kèm thêm nhiều dấu hiệu khác nữa.
Để xác định chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ còn phải thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-quang cắt lớp cột sống cổ hoặc đo điện thế trong các bắp cơ.
Về điều trị, có thể dùng thuốc kháng viêm không steroide, dùng nẹp cổ tay và uống thuốc bổ thần kinh (như vitamin nhóm B hoặc các chế xuất từ B12). Bệnh nhân nhất thiết phải phẫu thuật giải ép dây thần kinh giữa nếu có tình trạng yếu liệt cơ gò cái. Phẫu thuật giúp phục hồi phần nào chức năng vận động và tránh làm tổn thương thêm dây thần kinh giữa.
BS Huỳnh Bá Lĩnh, Sức Khỏe & Đời Sống