Jimmy và Ngọc Thy hiện định cư tại Canada. Những ngày đầu về chung nhà, cả hai có một số điểm khác biệt trong cách sinh hoạt, ăn uống. Ví như Jimmy ăn sáng chủ yếu là ngũ cốc và sữa. Trong khi Thy quen kiểu ăn mỳ hoặc phở.
Khi nhìn thấy vợ pha một gói mỳ, bỏ thịt, hành... vào một tô to, Jimmy hỏi ngay "trời đã tối đâu mà em ăn tối", khiến cô gái 25 tuổi phải giải thích rằng đó là thói quen ăn sáng của nhiều người Việt.
Jimmy còn cảm thấy rất sợ khi nhìn thấy vợ "chén" trứng vịt lộn ngon lành, hay ăn bún đậu mắm tôm tì tì. Anh nói bị ám ảnh bởi cái mùi cực kỳ khó chịu này, anh mô tả nó như mùi tất bị bỏ lâu ở gầm giường.
Mỗi lần về Việt Nam, chàng kỹ sư Canada sợ hãi mỗi khi phải qua đường vì nhiều xe cộ quá. Khi được Thy dạy là giơ tay ra để xin đường, anh chàng quơ quơ tới tấp rồi ba chân bốn cẳng chạy vèo sang. Lần nào vẻ căng thẳng cũng lộ rõ trên khuôn mặt. Mỗi lần đi qua, chàng trai Canada đều nói đùa với vợ 'Ready to be die?' (Sẵn sàng chết chưa?).
Cũng giống như Jimmy, chồng của Hoàng Mai, anh Jeffrey, người Australia, cực kỳ sợ các loại mắm. Có lần từ sân bay về, Mai dẫn anh một mạch tới quán bún mắm quen thuộc, nhưng ngay khi bước vào quán, anh chỉ đứng ở ngoài chờ cô ăn xong, mặc dù rất đói.
Cô gái Đắk Lắk cho hay cô vốn là người thích gặm xương gà, xương lợn nhưng trong mắt chồng cô đó là chuyện lạ lùng, vì ở bên này người ta thường bỏ hết phần xương đi. "Mỗi lần ăn món gì có xương là anh lại gạt sang đĩa của tôi, rồi trêu 'cho bà xã vì hôm nay ngoan'", bà mẹ một con kể lại.
Sinh sống và làm việc 4 năm ở Việt Nam, anh Noel sợ nhất việc chúc tụng ngày Tết, nhất là đi đâu cũng bị mời ăn bánh chưng. "Cả một cái Tết, đi khắp họ hàng nhà vợ, ai cũng mời bánh chưng, tôi không thể chối từ vì mất lịch sự, nên phải cố ăn. Từ đó đến nay tôi không dám đụng vào món này nữa", anh Noel nói.
Anh cũng đặc biệt sợ rượu gạo, và màn làm quen từ những bàn bên cạnh trong quán nhậu. Có lúc anh phải giả vờ là người ăn chay, không biết uống rượu để trốn.
Ở Việt Nam một thời gian nên anh Noel biết đến việc Tây hay bị nói thách giá. Anh đã nghĩ ra một cách rất hay để mua đồ không bị hớ, thậm chí còn mua rẻ hơn cả vợ. "Cuối tuần nào chồng tôi cũng ra chợ Hôm tự mặc cả mua vải may quần áo, cùng cả hội bạn. Cũng biết giá sơ sơ rồi nên khi người ta nói thách quá anh giả vờ 'Ối ối đắt quá' rồi ngất ra đấy. Cậu bạn đi cùng vội vàng quạt quạt cho bạn đỡ tăng xông. Mấy người bán hàng ở chợ Hôm ai cũng biết mặt", chị Trà My, vợ anh Noel hài hước kể lại.
Bài hát anh Noel cùng các đồng nghiệp nước ngoài sáng tác về Hà Nội
Chị Thu Trang và anh chồng Michael đã tổ chức đám cưới ở Đức từ cuối năm ngoái. Hai người mới về Hà Nội làm hôn lễ hồi tháng 2 vừa qua. Phải sát đến ngày về, anh chị mới đặt vé và tất bật thu xếp công việc, xin nghỉ phép. Không phải vì không có vé, mà vì gia đình chị Trang liên tục thay đổi ngày cưới do đi xem ở 3 thầy khác nhau.
"Chồng tôi tỏ ra khá ngạc nhiên vì sao có ngày cưới thôi lại phải xem kỹ thế, trong khi ở bên này đám cưới người ta thường chỉ chọn vào cuối tuần để mọi người tiện tới chúc mừng, chứ không câu nệ ngày giờ gì cả", chị Trang kể.
Chị cũng cảm thấy rất ngại khi trong ngày cưới, nhiều người chúc vợ chồng chị sinh con trai, rồi "cố sinh năm sau nhé, năm chó vàng đấy, hợp tuổi, hợp mệnh". Khi nghe chị giải thích là ở Việt Nam mình nhiều người vẫn còn coi trọng việc sinh con trai, rồi lấy vợ phải hợp mọi thứ, chồng chị lắc đầu. Ở nước ngoài, người ta không hề để ý chuyện này, chỉ cần yêu nhau, muốn đến với nhau là đủ, con cái giới tính gì cũng không quan trọng.
Sống ở hai nền văn hóa phương Đông - phương Tây, nên có những điểm khác biệt trong cuộc sống, trong cách sinh hoạt, suy nghĩ của chồng Tây - vợ Việt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều chàng rể Tây thừa nhận họ thấy những điểm rất đáng quý của con gái Việt Nam, những tính cách họ không thể tìm thấy ở những cô gái nước ngoài khác như sự giản dị, không ngại khó, ngại khổ, lúc nào cũng mạnh mẽ, hy sinh hết mình vì chồng, vì con...
Mộc Miên