Ngày 20/9/1977, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Quy định phương thức thu nợ hợp lý (Fair Debt Collection Practices Act) với mục đích xóa bỏ tình trạng bên đòi nợ sử dụng biện pháp đòi nợ tàn độc và khuyến khích cách đòi nợ hợp lý hơn. Đây là cơ sở pháp lý để người vay tiền có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, thông qua quyền được tiếp cận thông tin để xác minh thực hư của khoản vay, khởi kiện người thu nợ khi có vi phạm xảy ra...
Theo Consumerfinance, đạo luật trên nghiêm cấm một số hành vi đòi nợ có dấu hiệu nhũng nhiễu và lừa đảo, bao gồm:
- Người đòi nợ chỉ được phép liên lạc với khách hàng vay tiền trong khung giờ từ 8h sáng đến 9h tối. Nếu người vay tiền bận rộn trong những khung giờ khác (người làm đêm và ngủ ngày), người đòi nợ cũng không được phép liên lạc trong thời điểm đó.
- Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của khách hàng nói rõ rằng không muốn nhận thêm cuộc gọi hoặc từ chối trả nợ, bên đòi nợ không được phép liên lạc dưới bất cứ hình thức nào, ngoại trừ để cảnh báo rằng sẽ ngưng đòi nợ hoặc sẽ đâm đơn khởi kiện hoặc thực hiện các biện pháp thu nợ khác mà pháp luật cho phép.
- Bên đòi nợ cũng không được phép khủng bố điện thoại khách hàng như nhắn tin hoặc nháy số khiến điện thoại đổ chuông liên tục với ý định quấy rầy, nhũng nhiễu hoặc làm phiền chủ nhân số điện thoại bị gọi.
- Công ty đòi nợ không được tiếp cận khách hàng ở nơi họ làm việc sau khi đã được khách hàng cho biết hành vi đó là không được người chủ lao động cho phép hoặc chấp nhận. Bên cạnh đó, hành vi liên lạc với khách hàng trong khi biết rõ rằng họ có luật sư đại diện cũng bị nghiêm cấm. Nếu khách hàng đã nói rõ có thuê luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi của mình, bên đòi nợ buộc phải liên hệ với luật sư để giải quyết.
- Không được phép đưa tên tuổi, địa chỉ, thông tin cá nhân của khách hàng vào danh sách quỵt tiền và công khai danh sách đó. Một số công ty đòi nợ thậm chí còn liên lạc với hàng xóm hoặc đồng nghiệp của con nợ để tiết lộ về khoản nợ của khách hàng. Hành vi này hoàn toàn bị nghiêm cấm.
Bên đòi nợ chỉ được phép gọi điện cho hàng xóm để xác minh địa chỉ chính xác của con nợ, và không được tiết lộ với bên thứ ba về khoản nợ, trừ vợ/chồng hoặc luật sư.
Ngoài ra, còn một số hành vi bị cấm nữa như: đe dọa bắt giữ hoặc khởi kiện con nợ trên căn cứ không được pháp luật cho phép, có lời nói lăng mạ hoặc tục tĩu với con nợ trong quá trình liên lạc để giải quyết khoản nợ, lừa dối để thu nợ (ví dụ giả làm luật sư hoặc cảnh sát để gây sức ép tinh thần).
Hình phạt và đảm bảo thực hiện
Ban đầu, Ủy ban Thương mại Liên bang là cơ quan được trao thẩm quyền đảm bảo thực thi đạo luật này. Tuy nhiên, tới năm 2010, thẩm quyền này được chuyển cho Cục bảo vệ Tài chính người tiêu dùng.
Đạo luật trên trao quyền cho khách hàng bị quấy rối quyền được khởi kiện lên tòa án bang hoặc liên bang để được bồi thường từ thiệt hại gây ra từ hoạt động thu nợ của bên đòi nợ thuê (bao gồm thiệt hại thực tế, thiệt hại theo luật, phí thuê luật sư và phí thụ lý vụ việc).
Để được nhận bồi thường, người bị làm phiền không nhất thiết phải chứng minh được có thiệt hại thực tế xảy ra mà vẫn có thể được nhận khoản bồi thường theo luật có giá trị tối đa là 1.000 USD. Bên đòi nợ thuê cũng có thể không bị phạt nếu họ chứng minh được hành động vi phạm của mình là không cố ý và vi phạm vẫn xảy ra mặc dù họ đã thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn hành động vi phạm ấy.
Luật cũng bảo vệ công ty đòi nợ, cụ thể nếu khách hàng thua kiện và tòa án nhận thấy hành vi khởi kiện của khách hàng là thiếu thiện chí và chủ yếu có mục đích nhũng nhiễu công ty đòi nợ, khách hàng sẽ bị yêu cầu trả phí thuê luật sư cho bị đơn.
Ví dụ: trong vụ Juras kiện Công ty đòi nợ Aman, phía công ty bị con nợ khởi kiện vì đã gọi điện thoại ngoài khung giờ cho phép. Nhưng công ty đưa ra được bằng chứng cho thấy nội dung cuộc gọi không hề có chứa thông tin hoặc lời lẽ vi phạm pháp luật, nguyên nhân sai lệch thời gian gọi là do chênh lệch múi giờ. Nhân viên công ty thực hiện cuộc gọi chỉ để thực hiện yêu cầu trước đó của con nợ đòi xác minh giấy ghi nợ. Sau khi giải thích, công ty đã không bị phạt tiền.
Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được phép làm những việc sau:
a) Có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan;
b) Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền.
Nếu vi phạm, mức phạt từ 15 đến 70 triệu đồng.