Lò vi sóng ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, việc chọn lò vi sóng như thế nào cho phù hợp hay sử dụng sao để an toàn, có lợi cho sức khỏe là điều không phải ai cũng biết.
Nguyên tắc nấu chín thức ăn của lò vi sóng
Trước khi lò vi sóng (hay còn gọi là lò vi ba) được phát minh vào đầu thế kỷ 20, việc làm nóng thức ăn đều trên nguyên tắc dùng nhiệt từ ngoài. Bếp gas, củi, than, điện, rơm… đều thực hiện việc truyền nhiệt bằng lửa hay điện thông qua bếp, lò hoặc sợi đốt làm chín thức ăn.
Tuy vậy, lò vi sóng lại thực hiện việc đun nóng thức ăn theo một cách khác hẳn: đun nóng từ bên trong.
Lò vi sóng sử dụng các sóng có bước sóng cực nhỏ (do vậy gọi là vi sóng) để tương tác với các phân tử nước ở bên trong thức ăn. Cấu tạo bên trong của lò vi sóng đảm bảo các sóng này nếu đập vào thành của lò sẽ phản xạ ngược trở lại để tiết kiệm năng lượng, do vậy bạn không nên bật lò vi sóng khi không có bất cứ thứ gì ở bên trong đó vì việc phản xạ sóng qua lại có thể gây nổ lò. Khi các sóng này đảo chiều và đập vào thức ăn với tần số 2,45 tỷ lần mỗi giây, nó làm cho các phân tử nước bên trong thức ăn quay liên tục và bắt đầu nóng lên. Nhiệt lượng từ các phân tử nước này sau đó sẽ làm thức ăn được hâm nóng cho tới chín.
Vì sao lò vi sóng có khả năng kỳ diệu này? Đó là dựa vào cấu tạo và chức năng đặc biệt. Lò vi sóng thường có các bộ phận sau: nguồn phát sóng, mạch điện tử điều khiển, ống dẫn sóng, ngăn nấu.
Các phân tử thủy tinh, gốm, một số loại nhựa hay giấy cũng khó bị hâm nóng bởi vi sóng ở tần số 2,450 MHz. Nhờ đó, thức ăn có thể được đựng trong vật dụng bằng các vật liệu chuyên biệt trên trong lò vi sóng. Khi đó, chỉ có thức ăn bị nấu chín, còn vật chứa không bị ảnh hưởng gì.
Ưu và nhược điểm của lò vi sóng so với các phương pháp đun nấu khác
- Ưu điểm: Tiết kiệm điện, thời gian đun nấu nhanh, điều khiển đơn giản. Điều kỳ diệu nhất của lò vi sóng là khả năng nấu chín trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm nữa, hiệu năng sử dụng điện của lò cực cao do chúng chỉ hâm nóng trực tiếp thức ăn chứ không phải qua những vật trung gian theo cách nấu truyền thống như xong, nồi cũng như lượng nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh.
- Nhược điểm: Thiết bị phức tạp, tần số cao nên khi sử dụng tránh đến quá gần. Ngoài ra, phải sử dụng dụng cụ riêng để nấu, không được dùng dụng cụ bằng kim loại hay túi nilon để chứa thực phẩm khi nấu trong lò vi sóng vì sẽ không an toàn.
Nên lựa chọn lò vi sóng thế nào?
Có mấy tiêu chí để chọn:
- Chọn dung tích và công suất phù hợp với gia đình. Các loại lò vi sóng thường có dung tích 17 - 30 lít, công suất 600-1300 W. Một gia đình có 4 người nên chọn loại 20-22 lít là vừa.
- Chọn cách thức điều khiển:
+ Lò vi sóng cơ (điều chỉnh bằng núm xoay) thao tác đơn giản, bền hơn, ít thao tác nên dễ sử dụng hơn, ít tùy chọn hơn, nó phù hợp với đa số người dùng (phổ thông). Dung tích loại lò này 20-22 lít. Đối với gia đình có người lớn tuổi và trẻ em, nên chọn loại lò vi sóng này.
+ Lò vi sóng điện tử (điều khiển bằng nút nhấn) có các chế độ điều khiển thông minh như: cài đặt nhiều chế độ nấu, nướng, xả đông tự động. Các loại lò này có dung tích 19-22 lít, 23-29 lít và 30 lít trở lên.
- Chọn theo công dụng của lò vi sóng: hâm nóng, nấu, rã đông, nướng và tùy theo đối tượng thường xuyên phải sử dụng.
- Chọn hãng: Mua sản phẩm với nhãn hiệu uy tín.
Sử dụng lò vi sóng thế nào là an toàn
- Không dùng vật dụng bằng kim loại hoặc bát đĩa nhựa, sứ có trang trí hoa văn kim loại cho lò vi sóng để tránh nguy cơ cháy nổ do phóng tia lửa điện. Việc gói giấy bạc thực phẩm cũng chỉ áp dụng khi dùng chức năng nướng của lò vi sóng.
- Dùng các dụng cụ đựng thức ăn chuyên dụng cho lò vi sóng; không dùng các đĩa chất dẻo thông thường vì chúng chịu nhiệt không tốt nên dễ bị biến dạng thậm chí tan chảy.
- Khi nấu những thức ăn có vỏ hoặc màng mỏng (trứng, khoai lang, xúc xích, đồ đựng trong hộp), cần phải xăm lỗ, bóc vỏ, mở nắp để tránh hiện tượng phát nổ do thực phẩm bên trong tăng thể tích khi tăng nhiệt độ.
- Phải bảo đảm cửa lò không bị hở để sóng không lọt ra ngoài có thể làm hại cho sức khỏe con người. Hiện nay, các lò vi sóng đều có chức năng tự dừng hoạt động khi cửa lò bị hở.
- Một số chất độc có thể gây bệnh nguy hiểm như ung thư, từ bao gói chất dẻo và mực in nhãn bao như adipate, phtalate, benzophenone có thể loang ra thức ăn đun nấu bằng lò vi sóng.
- Không dùng lò vi sóng để nấu thịt lợn ướp hoặc thăn lợn hun khói. Những thực phẩm này chứa nhiều nitric. Nếu được đun bằng lò vi sóng, nitric sẽ trở thành các nitrosamin - những phân tử có thể gây ung thư rất mạnh.
- Tránh thao tác lâu và đứng quá gần trước lò vi sóng.
- Không nên quay, rán trong lò vi sóng vì dầu mỡ bắn ra có thể sinh lửa, gây nổ.
- Thời gian gia nhiệt không quá lâu. Thực phẩm đưa vào gia nhiệt hoặc rã đông quá lâu không lấy ra thì không nên ăn vì có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ Trần Văn Thịnh
Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội