Thảo luận về kỳ vọng trước khi bạn đến
Hãy để con biết đang đi đâu và tại sao. Ví dụ, bạn chỉ cần nói đơn giản "Hôm nay chúng ta sẽ đến nhà dì Minh chơi và con sẽ chơi với em Tít trong khi mẹ nói chuyện". Điều này giúp trẻ chuẩn bị và có thứ gì đó để mong chờ. Nó cũng làm giảm sự thất vọng nếu trẻ đợi điều gì khác xảy ra, ví dụ điểm đến hay bạn chơi khác.
Giải thích những quy tắc khác biệt
Bài học quan trọng cho con bạn là không phải tất cả các gia đình đều có quy tắc giống nhau. Bạn có thể cho phép con mang thức ăn vào phòng khách nhưng chủ nhà thì không. Tìm hiểu những khác biệt này khi đưa con đến và đảm bảo con tuân thủ để bạn và người kia không khó xử.
Ví dụ, nếu người bạn yêu cầu mọi người cởi giày trước khi vào nhà, hãy dừng lại ở cửa và nói với con: "Ở nhà cô (chú), giày dép phải để bên ngoài". Sau đó, bạn cởi giày của mình và giúp con cởi giày. Hãy nói để con hiểu rằng quy tắc của các gia đình khác nhau, không phải quy tắc bạn đặt ra với con thay đổi.
Bạn cũng không cho phép con ném đồ đạc, cắn hoặc thực hiện các hành vi không lành mạnh khác ngay cả khi chủ nhà cho phép làm vậy.
Tôn trọng ranh giới
Điều này rất quan trọng vì nếu bạn làm chủ nhà thấy không được tôn trọng sẽ kéo theo nhiều cảm giác khó chịu khác.
Con bạn cần biết mỗi gia đình đều có những quy định và truyền thống riêng. Hãy yêu cầu con tôn trọng điều đó. Đừng chế giễu các nguyên tắc, ngay cả khi bạn nghĩ điều đó ngớ ngẩn để tránh làm gương xấu cho con, làm trẻ không tôn trọng quy tắc trong nhà người khác, thậm chí là của chính bạn.
Hãy để mắt đến con và nhanh hơn con
Đôi khi chúng ta đưa những đứa trẻ mới chập chững biết đi đến nhà những người không có con nhỏ. Trong những gia đình này sẽ có rất nhiều đồ vật và rủi ro chưa được kiểm soát. Bạn phải đảm bảo con mình tránh xa những khu vực như vậy. Tai nạn vẫn có thể xảy ra, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn chú ý.
Đánh lạc hướng
Trẻ mới biết đi cần rất nhiều mẹo để thay đổi sự quan tâm của chúng vào thứ gì đó bạn không mong muốn. Việc này sẽ dễ dàng hơn nếu bạn mang theo một số đồ chơi riêng của trẻ. Ví dụ "Cuốn sách đó không dành cho con, nhưng cuốn này thì có. Con có muốn đọc cho bạn nghe không?".
Nói lời cảm ơn
Hãy chắc chắn rằng bạn cảm ơn chủ nhà và con bạn cũng cảm ơn họ. Nhiều cha mẹ sai lầm khi nghĩ rằng con còn quá nhỏ để có những cử chỉ như vậy, nhưng lòng biết ơn bắt đầu được hình thành từ thời thơ ấu.
Nhật Minh (Theo celebrating-family)