![]() |
Ecstasy gây rối loạn tâm thần tương tự như tác hại của cocain liều cao. |
Ecstasy (một amphetamin tổng hợp, chất kích thích hệ thần kinh trung ương) được Công ty Dược phẩm Merck (Đức) đăng ký bản quyền năm 1914. Lúc đầu, thuốc chỉ được dùng trong quân đội Đức nhằm chống mệt mỏi. Đến năm 1950, quân đội Mỹ đã thử nghiệm nó trên súc vật và người để phục vụ cho sản xuất vũ khí hóa học. Năm 1960, Alexander Schulgin và vợ tập trung nghiên cứu các chất gây ảo giác và đã tổng hợp được Ecstasy. Sau đó, chất này được một số bác sĩ tâm thần sử dụng. Đến 1980, Ecstasy trở thành chất kích thích được nhiều thanh niên dùng trong các buổi họp mặt sinh nhật hay liên hoan.
Theo điều tra, người dùng Ecstasy và các chất kích thích tương tự phần lớn là những thanh niên trong độ tuổi 18-30 (nam nhiều hơn nữ) thuộc mọi tầng lớp xã hội, có thu nhập ổn định. Lúc đầu, nhóm trẻ sử dụng Ecstasy để tìm cảm giác lạ, tăng hoạt động, giảm sự ngon miệng, giảm nhu cầu ăn ngủ mà không cảm thấy mệt mỏi gì cả.
Ecstasy kích thích não, gia tăng nhạy cảm ở các cơ quan, làm biến đổi tư tưởng, rối loạn xúc cảm, tạo cảm giác mình có khả năng hiểu mình và hiểu người khác (vì thế, trước đây nó được dùng trong tâm lý trị liệu). Tùy theo liều lượng, tác dụng của thuốc sẽ khác nhau:
- Liều cao: Tạo trạng thái nửa tỉnh nửa mơ.
- Liều không quá cao: Người sử dụng thấy trí óc được kích thích, vui vẻ hẳn lên, nói nhiều. Tình trạng này có thể kéo dài từ 2 đến 4 giờ, tùy theo liều lượng và độ nhạy cảm cá nhân. Sau đó là giai đoạn mệt lả với các hội chứng trầm cảm. Để ức chế sự mệt mỏi này, người dùng Ecstasy phải dùng thêm chất kích thích khác như rượu, cần sa hay chất chống trầm cảm.
Ngoài ra, Ecstasy cũng có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu như:
+ Co cơ, nhất là cứng hàm.
+ Tăng nhịp tim và huyết áp.
+ Mất điều hòa vận động do tổn thương ở hệ thần kinh trung ương.
+ Tính tình trở nên hung hãn, hiếu động, dễ bị kích thích, cáu giận, tâm thần bất ổn.
+ Mất ngủ hay khó ngủ, có khi mắc chứng hoảng sợ hoặc xuất hiện triệu chứng run rẩy và gia tăng phản xạ.
Ecstasy có thể gây ngộ độc bất ngờ. Liều lượng gây ngộ độc khó xác định vì phụ thuộc vào thể trạng người sử dụng, điều kiện môi trường và nhất là tác dụng của các chất phối hợp trong viên thuốc. Ecstasy liều thấp (20-30 mg) đã gây tử vong cho nhiều người có tiền sử bệnh tim. Với liều 100 mg hoặc hơn, Ecstasy gây rối loạn thân nhiệt (có khi lên đến 43 độ C), có thể làm mất nước và tử vong.
Phân tích các mẫu thuốc thu được trên hiện trường cho thấy: chỉ 1/4 có chứa 100% Ecstasy, phần còn lại được trộn với các amphetamin khác, có khi với thuốc an thần hay cafein. Sự pha trộn này nhằm tạo lệ thuộc hoặc tăng độ hưng phấn, kích thích.
TS Phạm Văn Tất, Thuốc & Sức Khỏe