Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Vợ chồng còn có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc...
Theo khoản 1 điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, cưỡng ép quan hệ tình dục là một trong những hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm cùng với lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng...
Quy định trên càng được chứng minh cụ thể hơn khi giữa tháng 2, Lý Văn Quang (35 tuổi) bị Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) khởi tố, tạm giam để điều tra tội Hiếp dâm (theo điều 141 Bộ luật hình sự 2015).
Kết quả điều tra cho thấy, do mâu thuẫn, vợ chồng Quang ly thân từ tháng 8/2019. Quang nhiều lần níu kéo tình cảm song bất thành. Khoảng 18h ngày 5/2, anh ta đến nhà bố mẹ vợ, giơ dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế ép vợ quan hệ tình dục. Người phụ nữ sau đó trình báo cảnh sát.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết hành vi ép "quan hệ" bị nghiêm cấm song nhiều người vợ không nhận thức được mình đang bị bạo hành. Một số trường hợp còn cho rằng việc bị chồng cưỡng ép cũng là "bình thường", vợ có nghĩa vụ đáp ứng.
Trong khi đó, luật pháp quy định hành vi giao cấu hay quan hệ tình dục khác phải có sự tự nguyện từ hai phía, kể cả là vợ chồng. Người nào đe dọa, ép buộc người khác quan hệ đều có thể phạm tội.
Nếu hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục của người chồng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, anh ta cũng bị xử phạt hành chính theo khoản 1 điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về lỗi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình" với mức phạt từ 500.000 đến một triệu đồng.