Bạn có thể đến nghỉ dưỡng và tham quan Phan Thiết vào bất cứ thời điểm nào trong năm bởi khí hậu nhiệt đới thuận lợi.
Dinh Vạn Thủy Tú
Vào buổi sáng khi đặt chân đến trung tâm thành phố, địa điểm đầu tiên bạn nên tới là Dinh Vạn Thủy Tú – nằm trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng. Đây là nơi trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất cả nước cũng như Đông Nam Á. Được xây dựng cách đây hơn 200 năm (vào năm 1762), Dinh Vạn Thủy Tú xưa kia nằm sát biển, mặt quay về phía Đông và là nơi cá Ông thường trôi dạt vào.
Qua khỏi cổng tam quan, bạn sẽ được thuyết minh viên chào đón và đưa đi tham quan dinh. Trong nhà trưng bày bộ xương cá Ông (hay còn gọi là cá voi lưng xám) khổng lồ với chiều dài 22 m, nặng 65 tấn, được phục dựng gần như nguyên vẹn.
Du khách được nghe kể về truyền thuyết cá Ông, cũng như hiểu thêm về tín ngưỡng thờ thần Nam Hải của ngư dân nơi đây và xem thử ống ghè – vốn là lọ gốm cổ – cao 20 cm, miệng rộng 12 cm. Thuở xưa, cha ông ta thường dùng lọ gốm thay cho gạch để xây vách tường bởi chúng có tác dụng cách nhiệt, cách âm rất tốt.
Trường Dục Thanh
Trường được xây dựng vào năm 1907 trong khu đất nhà tự (nay thuộc phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết) của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông. Vào năm 1910, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh, nay đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và là niềm tự hào của người dân Bình Thuận.
Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Trường dạy chữ quốc ngữ là chính, bên cạnh đó còn dạy Hán văn, Pháp văn. Ðây là trường tư thục có nội dung giảng dạy vào loại tiến bộ nhất ở miền Trung lúc bấy giờ.
Khu di tích trường Dục Thanh có các công trình chính như một gian nhà lớn với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp, vốn là nơi dạy học. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư – nơi nội trú của học sinh. Phía sau có một lầu nhỏ mang tên Ngọa Du Sào – nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ của các thầy trò xa nhà.
Cụm đền tháp Po Sah Inư
Vào buổi chiều, địa điểm tham quan lý tưởng là cụm đền tháp Po Sah Inư - nhóm di tích còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa và còn tương đối nguyên vẹn. Cụm đền tọa lạc tại đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7 km về hướng đông bắc.
Nhóm đền tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, có phong cách kiến trúc Hòa Lai, nghĩa là chỉ làm bằng gạch, tháp hình vuông, ba tầng, càng lên phía trên càng nhỏ lại, các trụ áp tường đều là hình trụ. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ nhưng từng chi tiết đều thể hiện những tinh hoa trong kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa.
Tháp chính thờ thần Shiva với bệ đá thờ Linga và Yoni (sinh thực khí nam và nữ) – vật linh thiêng nhất của người Chăm theo tín ngưỡng phồn thực, thể hiện khát vọng sinh sôi và phát triển dân tộc. Kế bên là tháp thờ Thần Lửa. Tháp phụ thờ bò Nandin – vật cưỡi của thần Shiva. Tất cả các cửa chính của cụm đền tháp quay về hướng đông bởi theo quan niệm của người Chăm là hướng của thần linh.
Đồi cát Mũi Né
Đồi cát Mũi Né hay Đồi Cát Bay là một trong những bãi cát trải dài trên một diện rộng. Được hình thành từ rất lâu đời, cát ở đây có nhiều màu, chủ yếu là vàng, trắng ngà, đỏ sậm, đỏ nhạt… trộn lẫn vào nhau trông rất đẹp mắt.
Nét độc đáo là sau mỗi đợt gió lớn hoặc qua một đêm thì đồi cát lại có hình dáng mới. Gió tạo đồi cát thành vô số hình thù: con thú nằm phủ phục, thiếu nữ khoả thân nằm sấp, dốc đứng như đụn rơm…
Thời gian tham quan thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Bạn có thể thuê tấm trượt cát với giá 10.000 đồng và trải nghiệm trượt xuống dốc cát.
Phan Ngọc Hạnh