Ngay trong tháng 3 này, Apple và Samsung sẽ bước vào phiên tòa thứ hai liên quan đến bản quyền thiết kế và công nghệ trong các sản phẩm đời mới hơn như Galaxy S III. Ở phiên tòa đầu tiên diễn ra tháng 8/2012, Apple cáo buộc Samsung sao chép thiết kế iPhone để đưa vào nhiều mẫu điện thoại và máy tính bảng như Galaxy S hay Galaxy S II.
Dưới đây là điểm lại những lý lẽ mà Apple và Samsung nêu ra trong phiên tòa đầu tiên vì các quan điểm này vẫn có ảnh hưởng lớn đến phiên tòa thứ hai.
Apple cáo buộc Samsung là kẻ sao chép
"Steve Jobs đã gây bất ngờ toàn thế giới với iPhone, thay đổi hướng đi của ngành công nghiệp di động. Giải pháp của Samsung là gì? Hối hả thiết kế Galaxy S trong 3 tháng. Trong 3 tháng đó, Samsung chỉ biết sao chép và mô phỏng theo smartphone thành công nhất thế giới. Không nhân chứng nào của Samsung từng ngồi trên chiếc ghế đó (ghế dành cho người làm chứng) khẳng định rằng những thiết kế này không giống nhau", luật sư Harold McElhinny của Apple cho hay. Thay vào đó, các luật sư của Samsung mô tả những khác biệt nhỏ bé giữa thiết kế của hãng công nghệ Mỹ và của hãng điện tử Hàn Quốc. "Chúng ta nên nhìn vào kiểu dáng tổng thể chứ không phải những điểm khác nhau tủn mủn".
Luật sư William Lee của Apple cũng tuyên bố: "Chúng tôi mất 5 năm để tạo nên một cuộc cách mạng. Còn Samsung mất 3 tháng để sao chép nó. Đó là thực tế đơn giản, rõ ràng và không thể phủ nhận".
Samsung tố Apple cạnh tranh không lành mạnh
Luật sư Charles Verhoeven của Samsung tin rằng Apple "đang cố ngăn đối thủ mạnh nhất của họ tham gia vào cuộc chơi. Sự cạnh tranh chính là thứ đã làm nên nước Mỹ và quyết định của tòa có thể thay đổi quan niệm về cạnh tranh tại quốc gia này".
"Thực tế, khách hàng luôn có sự lựa chọn và Apple không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy người tiêu dùng nhầm lẫn giữa các sản phẩm. Apple chỉ đang muốn độc quyền về thiết kế chữ nhật bo góc với màn hình cảm ứng. Hãy hình dung bạn bước vào gian hàng TV của Best Buy. Tất cả TV trông đều giống nhau. Chúng có viền bao quanh. Chúng có màn hình phẳng. Chúng có thiết kế tối giản", Verhoeven nhấn mạnh. "Hãy để Samsung cạnh tranh tự do trên thị trường thay vì để Apple cố ngăn chặn họ tại tòa".
Quan điểm của các chuyên gia
"Tôi thấy sự đa dạng trong thiết kế trên thị trường nếu Apple thắng", luật sư của công ty sở hữu trí tuệ Christopher V. Carani, McAndrews, Held & Malloy tại Chicago (Mỹ), chia sẻ trên báo The New York Times. Ông cho rằng nếu bồi thẩm đoàn ủng hộ Samsung, nhiều công ty đang sản xuất smartphone sẽ tránh được nỗi lo bị Apple lôi ra tòa cũng như thấy không cần phải sáng tạo nữa vì: "Với một cái máy có hình chữ nhật thì còn biến tấu thêm kiểu gì được nữa".
"Chúng ta sẽ thấy các hãng cho ra đời hàng loạt sản phẩm gần giống của Apple trong vài năm nữa mà không lo gặp rắc rối", Michael Gartenberg, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Gartner, cũng khẳng định.
Quan tòa cũng lúng túng trước núi tài liệu
Sức nóng của phiên tòa giữa hai "đại gia" công nghệ liên tục tăng lên. Thẩm phán Lucy Koh từng nổi điên vì Apple muốn triệu tập toàn bộ những người có trong danh sách nhân chứng dài 75 trang chỉ trong vài giờ.
"Tôi không định đọc hết 75 trang (mà Apple trình lên) để xem ai không được ra làm chứng", Lucy Koh nhắc đi nhắc lại với luật sư Apple. "75 trang! 75 trang! Trừ khi ông phê thuốc, ông thừa hiểu không thể gọi ngần này nhân chứng trong vài tiếng".
Lucy Koh cũng đã vài lần mất bình tĩnh trước những thông tin mà Samsung và Apple đưa ra. Bà tuyên bố không tin bất cứ điều gì mà luật sư trình bày và đề nghị xem xét bằng văn bản. Nhưng sau đó, bà lại nói hai công ty nộp quá nhiều tài liệu và bồi thẩm đoàn bị ngập trong đống giấy tờ.
Apple sẵn sàng tiết lộ nhiều bí mật để chiến thắng
Nhờ vụ kiện giữa Apple và Samsung, nhiều bí mật của hãng công nghệ Mỹ đã được tiết lộ. Philip Schiller, Phó chủ tịch Apple, thừa nhận họ chi khoản tiền khổng lồ để quảng cáo iPhone mỗi năm. Cụ thể, tính riêng ở Mỹ, Apple bỏ ra 97,5 triệu USD để quảng cáo iPhone năm 2008. Con số này tăng lên 149,6 triệu USD năm 2009 và 173,3 triệu USD năm 2010 (số tiền dành cho iPad năm này là 149,5 triệu USD). Trước đó, không ít người tin Apple tiết kiệm được khoản tiền lớn nhờ sản phẩm "hot" của họ được quảng cáo không công.
Apple cũng đã bắt tay phát triển iPhone từ năm 2004 khi mà iPod còn đang rất thành công. Các thành viên trong nhóm phát triển đã trình lên mọi ý tưởng từ camera cho đến xe hơi cùng nhiều thứ điên rồ khác và Apple bắt đầu bằng dự án máy tính bảng (sau trở thành iPad), nhưng sau đó họ chuyển trọng tâm sang smartphone trước. Dự án ban đầu mang tên Purple và mục tiêu của Apple là tạo một chiếc smartphone mà chính nhân viên Apple mong muốn sở hữu, chứ không phải họ dùng vì đây là "của nhà trồng được".
Steve Jobs chọn Scott Forstall chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm cho điện thoại, nhưng yêu cầu không được thuê người ngoài và không được giải thích về dự án mà họ sẽ tham gia. Đây là mệnh lệnh khá oái oăm vì Apple vốn không phải một công ty điện thoại nên nhân viên không có nhiều kinh nghiệm. Do đó, thay vì thuyết phục, Forstall lại nói với những người ông lựa chọn là họ có thể sẽ có sự nghiệp tươi sáng hơn nếu từ chối, và nếu tham gia, họ sẽ phải giã từ những buổi tối và những ngày cuối tuần bên gia đình trong khoảng 1-2 năm. Nhưng nhờ thế, ông đã có được một số tên tuổi tài năng và tâm huyết. Cả nhóm làm việc trong một tòa nhà treo biển đề Fight Club với camera an ninh ở khắp nơi.
Từ mùa hè 2004 đến đầu năm 2007, Apple đã thiết kế tới gần 40 mẫu thử mới chọn ra được vài mẫu ưng ý và những bản vẽ đó tưởng chừng không bao giờ được tiết lộ. Apple nổi tiếng về những thiết kế đẹp nên việc phơi bày các mẫu prototype ra công chúng là điều khó khăn. Chuyên gia công nghệ Rene Ritchie chia sẻ trên Twitter rằng việc Apple sẵn sàng trình lên tòa những thiết kế đó cho thấy họ thực sự mong muốn sự công bằng trong vụ kiện với Samsung.
Phản ứng của Apple và Samsung trước phán quyết của tòa
Ngày 24/8/2012, tòa án San Jose (Mỹ) khẳng định Samsung đã sao chép bản quyền của Apple và phải bồi thường thiệt hại 1,05 tỷ USD.
Ngay sau phán quyết, Samsung tuyên bố: "Hôm nay là ngày chiến thắng của Apple, nhưng là sự thua thiệt với người sử dụng Mỹ. Họ sẽ có ít lựa chọn hơn và nhất là giá bán sản phẩm có thể cao hơn. Đáng tiếc, luật bản quyền có thể khiến một công ty độc quyền thiết kế chữ nhật bo góc, hay độc quyền công nghệ đã được cải tiến, hoàn thiện hơn mỗi ngày nhờ Samsung và các công ty khác. Khách hàng có quyền lựa chọn và họ hiểu rõ những gì họ mua. Đây chưa phải lời cuối cùng và cuộc chiến đã, đang và sẽ còn diễn ra trên khắp thế giới. Đã có những nơi phủ nhận tuyên bố của Apple. Samsung sẽ tiếp tục đổi mới để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Trong khi đó, Apple cho biết: "Chúng tôi hài lòng vì tòa án đã lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Cả núi bằng chứng được đưa ra cho thấy việc sao chép của Samsung đã vượt xa những gì chúng ta từng biết. Phiên tòa không chỉ là về bản quyền hay tiền bạc. Nó là về những giá trị - giá trị của phát minh và việc làm ra những sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi tạo sản phẩm để phục vụ khách hàng chứ không phải để cho các đối thủ sao chép. Đây sẽ là thông điệp rõ ràng cho các hành vi copy".
Tuy nhiên, Apple không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục tìm kiếm lệnh cấm bán các sản phẩm của Samsung tại Mỹ vì "khoản tiền bồi thường là không đủ để bù đắp thiệt hại". Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ tỏ rõ quan điểm họ không tán đồng với ý tưởng cấm bán sản phẩm vì vi phạm bản quyền. Còn Samsung cũng tiếp tục kháng cáo.
Kết quả là, trước khi phiên tòa thứ hai (bổ sung một số sản phẩm mới như Galaxy S III mà trong phiên tòa đầu tiên chưa kịp xét đến) diễn ra trong tháng 3 này, Samsung đã được giảm số tiền bồi thường xuống còn 930 triệu USD và cũng không có bất cứ sản phẩm nào bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.
Châu An