Khối Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Phúc kế nhiệm cương vị Chủ tịch nước từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên được đề cử và bầu làm người đứng đầu Nhà nước.
Trong 3 khóa gần đây, các Chủ tịch nước được đề cử và bầu từ một số vị trí khác, như: Phó thủ tướng (ông Trần Đức Lương, nhiệm kỳ 1997 - 2006); Bí thư Thành ủy TP HCM (ông Nguyễn Minh Triết, 2006 - 2011); Thường trực Ban bí thư (ông Trương Tấn Sang, 2011 - 2016).
Bà Nguyễn Thị Ánh Xuân là Bí thư Tỉnh ủy (An Giang) đầu tiên được bầu làm Phó chủ tịch nước và là người giữ cương vị này trẻ nhất trong lịch sử (51 tuổi). Người tiền nhiệm của bà Xuân, nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng từng là Bí thư Tỉnh ủy (Vĩnh Long), song bà Thịnh giữ chức Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng hơn một năm, rồi mới được đề cử để Quốc hội bầu.
Giai đoạn 2002-2007, Phó chủ tịch nước là bà Trương Mỹ Hoa. Bà Hoa từng giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội trước khi trở thành Phó chủ tịch nước. Kế nhiệm bà Hoa là bà Nguyễn Thị Doan (nhiệm kỳ 2007-2016), người từng giữ chức Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Khối Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầu tiên được bầu làm người đứng đầu Chính phủ kể từ năm 1945. Sau nhiều nhiệm kỳ, ông cũng là lãnh đạo cơ quan hành chính cao nhất đầu tiên chưa tham gia thành viên Chính phủ trước khi được bầu. Các Thủ tướng trước đó như Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc... đều từng giữ vị trí Phó thủ tướng và một số chức danh khác trong Chính phủ.
Ông Lê Văn Thành là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đầu tiên được phê chuẩn vào vị trí Phó thủ tướng. Ông cũng là nhân sự duy nhất trong số 5 Phó thủ tướng hiện nay được bổ nhiệm từ vị trí lãnh đạo địa phương. Trong 4 Phó thủ tướng còn lại, hai vị Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam từng giữ vị trí lãnh đạo địa phương, song chỉ trong thời gian luân chuyển và đều đã kinh qua bộ trưởng, trưởng ngành trước khi giữ cương vị hiện nay.
Các nhiệm kỳ gần đây, vị trí Phó thủ tướng thường là các nhân sự từng giữ chức vụ ở cơ quan Trung ương, như Bộ trưởng, lãnh đạo Ban Đảng Trung ương, Chánh án TANDTC.
Trong số 12 Bộ trưởng, trưởng ngành vừa được phê chuẩn, 8 vị đã kinh qua chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, trong đó hai người từng là Thứ trưởng Xây dựng rồi luân chuyển về địa phương là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn (nguyên Bí thư Điện Biên), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (nguyên Bí thư Kiên Giang).
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng giữ chức Bí thư Nghệ An, song trước khi được phê chuẩn vào vị trí hiện nay, ông Phớc đã có một nhiệm kỳ làm Tổng kiểm toán Nhà nước.
3 Bộ trưởng khác từ địa phương đi lên và đã có thời gian làm quen với công việc - giữ chức Thứ trưởng trước khi được phê chuẩn, là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong được phê chuẩn khi đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Nam Định.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên được phê chuẩn từ vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Khác với nhiều lãnh đạo Bộ trước đó, ông Diên chưa từng kinh qua vị trí nào ở ngành Công Thương. Được đào tạo các chuyên ngành như cao cấp Thanh vận, cử nhân Lịch sử - Giáo dục, cử nhân Kinh tế, tiến sĩ Quản lý hành chính công, ông Nguyễn Hồng Diên trưởng thành từ công tác Đoàn và là lãnh đạo tỉnh Thái Bình trong nhiều năm.
Khối Quốc hội, kết quả kiện toàn nhân sự ghi nhận lần đầu tiên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn - được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội
Ông Mẫn thay thế vị trí của bà Tòng Thị Phóng, làm Phó chủ tịch thường trực Quốc hội.
Đa số lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội là những người đã công tác lâu năm trong các Ủy ban. Một số vị bắt đầu làm quen với công việc là Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Bí thư Đăk Lăk), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh (Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng)...
Là một trong những đại biểu tham gia kiện toàn lãnh đạo bộ máy Nhà nước, ông Dương Trung Quốc nói lần này Quốc hội bầu, phê chuẩn nhiều đề cử "chưa có tiền lệ", nhưng đây đều là những nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.
Ông Quốc đơn cử, với kinh nghiệm 10 năm làm Phó thủ tướng và Thủ tướng, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ "thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".
Ở vị trí Phó chủ tịch nước, bà Ánh Xuân được đánh giá "đã thể hiện được năng lực qua nhiều vị trí công tác ở địa phương", theo nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
"Chị Ánh Xuân hội tụ đủ 5 chữ T là trí tuệ, tự tin, trẻ đẹp, tiến bộ và thành công. Tôi tin rằng tân Phó chủ tịch nước sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, cùng với Chủ tịch nước phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc", bà Thịnh nhận định.
Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, nhắc lại trước đây từng có Trưởng ban Tổ chức Trung ương giữ một trong bốn chức danh chủ chốt, đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (nhiệm kỳ 2001-2006). "Ông Phạm Minh Chính là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầu tiên trở thành Thủ tướng. Song nếu nhìn ở góc độ bốn chức danh chủ chốt, thì Trưởng ban đầu tiên tham gia "tứ trụ" là ông Nguyễn Văn An", ông Vân phân tích.
Từ cách tiếp cận này, ông Vân nói điểm mới trong kiện toàn nhân sự lần này không nên chỉ nhìn ở những chức danh "lần đầu tiên được đề cử", quan trọng hơn là cách làm nhân sự không "tuần tự nhi tiến" mà căn cứ vào năng lực, dấu ấn... "Nhìn vào nhiều vị trí lãnh đạo mới được bầu, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điểm chung rằng đó là những vị đã làm được nhiều việc ở địa phương hoặc ở vị trí công tác trước đây, như Thủ tướng Phạm Minh Chính trong thời gian công tác tại Quảng Ninh, hay Phó thủ tướng Lê Văn Thành với sự phát triển của Hải Phòng những năm gần đây...", ông Vân nói và cho rằng đó là cơ sở để kỳ vọng vào những đột phá phát triển thời gian tới.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Trần Đình Thiên nhìn nhận "những quyết định bổ nhiệm dựa vào thành tích hay nói cách khác đánh giá cán bộ thông qua hiệu quả công việc, là rất đáng được khuyến khích".
Tuy nhiên, ông Thiên cũng chỉ ra những thách thức với vị trí lãnh đạo ở Trung ương. "Việc điều hành địa phương dù gặp rào cản về thể chế, chính sách nhưng chủ yếu là thừa hành, thực thi. Còn điều hành ở Trung ương là định hướng chiến lược và đề ra chính sách, tạo cơ chế, đồng thời phải giám sát thực thi để thúc đẩy cơ chế ấy", ông Thiên nói.
Ngoài ra, theo ông Thiên, nhiều lãnh đạo lần này đi lên từ địa phương và "khi đảm nhiệm cương vị mới thì thách thức với các vị này không phải là thúc đẩy phát triển một tỉnh, thành cụ thể, mà phải đề ra được các chính sách, cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho tất cả các địa phương trên toàn quốc". Hơn nữa, làm lãnh đạo ở Trung ương là quản trị quốc gia, "nên sẽ phải giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu".
"Với những gương mặt đã để lại nhiều dấu ấn ở địa phương, tôi hy vọng các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy năng lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy đất nước phát triển", ông Thiên nói.