Năm 2022, đa số smartphone thế hệ mới chỉ là bản nâng cấp cấu hình so với thế hệ cũ, như Galaxy Z Fold4 của Samsung hay Pixel 7 của Google. iPhone 14 Pro tạo khác biệt hơn một chút ở màn hình Dynamic Island hay camera 48 "chấm". Sang 2023, smartphone được kỳ vọng có nhiều đột phá hơn để thị trường trở nên bớt nhàm chán.
Màn hình gập
Trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm, màn hình gập là phân khúc hiếm hoi có sự tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của Counterpoint trong quý III/2022, doanh số điện thoại gập tăng 60% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện Samsung vẫn là hãng dẫn đầu, nhưng tình hình có thể thay đổi trong năm nay khi ngày càng nhiều hãng tham gia vào cuộc đua.
Theo một số nguồn tin, Google sẽ tung ra Pixel Fold thời gian tới và được cho là có thiết kế tương tự dòng Z Fold của Samsung. Ngoài ra, hàng loạt hãng khác như Microsoft, Motorola. Huawei, Oppo... cũng sẽ bán ra thị trường quốc tế các mẫu máy với màn hình gập.
Màn hình gập hiện còn một số nhược điểm như nếp gấp trên màn, độ bền kém, giá cao, tương thích phần mềm hạn chế. Những vấn đề này có thể trở thành yếu tố giúp các hãng cạnh tranh với nhau, từ đó khắc phục nhược điểm và giúp đưa smartphone màn hình gập được phổ cập.
Camera với độ phân giải 200 megapixel
Sau khi camera iPhone ổn định ở độ phân giải 12 megapixel, còn một số máy Android có camera 108 megapixel, thị trường smartphone nhiều năm không có sự đua tranh về số "chấm". Tuy nhiên, cuộc đua này có dấu hiệu quay trở lại, khi Apple nâng độ phân giải lên 48 megapixel trên bộ đôi iPhone 14 Pro.
Năm ngoái, Motorola X30 Pro là smartphone đầu tiên được trang bị camera 200 megapixel, nhưng sử dụng cảm biến Isocell HP1 thế hệ cũ của Samsung. Tuần qua, hãng Hàn Quốc tiếp tục công bố thông số của Isocell HP2 và khẳng định cảm biến mới đã được sản xuất hàng loạt. Một số nguồn tin khẳng định Galaxy S23 Ultra, ra mắt đầu tháng 2, sẽ là smartphone cao cấp đầu tiên sử dụng cảm biến 200 megapixel mới này.
Sạc nhanh 240 W
Do công nghệ pin không có nhiều cải tiến, sạc nhanh đã trở thành yếu tố được nhiều nhà sản xuất coi là lợi thế cạnh tranh, nhất là các hãng Android từ Trung Quốc.
Năm ngoái, công nghệ sạc nhanh được đẩy lên mốc hơn 200 W ở một số thiết bị như Vivo iQOO 10 Pro, Xiaomi Redmi Note 12 Explorer. Đầu năm nay, Realme tiếp tục hé lộ về khả năng sạc với công suất kỷ lục 240 W, dự kiến có trên mẫu GT Neo 5, giúp sạc đầy điện thoại trong vòng bảy phút.
240 W được xem là công suất sạc đạt đỉnh trên cổng USB C dành cho thiết bị di động. Nếu nhà sản xuất muốn vượt thông số này, họ buộc phải phát triển chuẩn sạc mới. Tuy nhiên, USB C đang là tiêu chuẩn cho các thiết bị di động ở châu Âu và nhiều nơi khác, nên việc phát triển công nghệ mới có thể không tối ưu về lợi nhuận.
Apple cũng liên tục cải tiến công nghệ sạc, nhưng hiện tại mức sạc cao nhất cho iPhone là 30 W.
USB C trên iPhone
Trong khi hầu hết hãng Android đã sử dụng cổng kết nối USB C, iPhone là dòng sản phẩm hiếm hoi trên thị trường chưa đi theo xu thế này. Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi khi Apple buộc phải tuân thủ quy định mới của Liên minh châu Âu, trong đó yêu cầu toàn bộ thiết bị di động cần sử dụng cổng USB-C.
Hạn cuối cho Apple chuyển đổi là vào năm 2024. Tuy nhiên, theo các nguồn tin rò rỉ thời gian qua, hãng có thể đưa cổng này lên iPhone ngay năm nay trên iPhone 15.
Lưu Quý