TAND TP HCM phải mất 2 ngày mới công bố xong bản án đối với Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cùng 22 đồng phạm. Đây là phiên toà phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay với hồ sơ cả triệu bút lục, phải đựng trong 140 rương; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó hơn 4.500 bị hại đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Đánh giá hồ sơ vụ án có đầy đủ bằng chứng, căn cứ kết tội các bị cáo sau hơn 3 năm điều tra nhưng HĐXX cho rằng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ để xử lý, giải quyết triệt để vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai tại các địa phương
Theo HĐXX, toàn bộ 58 "dự án" Luyện và đồng phạm lập ra tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... đều chưa được cấp phép, vẽ trên diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn bao gồm cả đất lúa, đất rừng sản xuất... sau đó tự phân lô, tách thửa để bán cho khách hàng. Trong đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu có những dự án "ma" đã được Luyện tách ra hàng nghìn nền đất.
Tòa kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh này cần làm rõ quy trình và vai trò của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương trong việc chấp nhận cho hợp, tách hàng loạt thửa đất ở các dự án trên. Nếu có sai phạm, toà đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chuyển nhượng trái pháp luật đất lúa với diện tích đặc biệt lớn
Tòa xác định, pháp luật về đất đai hiện hành quy định đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một xã. Nhưng trong vụ án này Trịnh Minh Pháp (Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển 108), Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) dù không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai nhưng đã đứng ra mua một diện tích lớn đất lúa.
Trịnh Minh Pháp có địa chỉ thường trú tại phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và tạm trú tại số 41 Hùng Vương, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2017 đến trước khi bị bắt (năm 2019), Pháp làm nhân viên kinh doanh bất động sản của Công ty Alibaba có trụ sở tại đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM.
Ngày 25/12/2018, ông Đỗ Tấn Chiến (Phó chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và ngày 18/1/2019 ông Dương Thanh Hùng (Phó chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại xác nhận Pháp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Từ các văn bản này, Trịnh Minh Pháp đã đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lập khống nhiều dự án đất ở bán cho người dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Tương tự, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực cũng có hành vi nhận chuyển nhượng diện tích lớn đất trồng lúa.
Tổng cộng, Nguyễn Thái Lĩnh, Trịnh Minh Pháp và Nguyễn Thái Lực đã nhận chuyển nhượng hơn 89.000 m2 đất trồng lúa tại tỉnh Đồng Nai; 6.317 m2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. "Việc này vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 179 và khoản 3 Điều 191 Luật đất đai năm 2013", toà nhận định, kiến nghị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý.
Truy thu 9 tỷ đồng đã bị 'rửa'
Theo HĐXX, sau khi vụ án được khởi tố, Võ Thị Thanh Mai và Huỳnh Kim Thắng (nhân viên kế toán) biết cơ quan điều tra thu giữ toàn bộ tài sản của Công ty Alibaba - tức biết rõ 13 tỷ đồng Thắng đứng tên trên sổ tiết kiệm có nguồn gốc là tiền phạm tội. Tuy nhiên, Thắng đã chuyển số tiền này vào tài khoản của Nguyễn Thái Lực, sau đó Lực rút ra đưa cho Mai sử dụng vào mục đích cá nhân. Mai cương quyết không khai đã chuyển tiền này cho các cá nhân nào khiến không thể thu hồi.
Khi ra toà, Mai cho biết đã trả nợ cho ngân hàng 2 tỷ, chuyển cho người bạn 1,5 tỷ còn 9 tỷ chuyển cho "người đã góp vốn vào công ty trong thời gian đầu" nhưng "xin phép không nói tên vì có lý do riêng". Sau nhiều chất vấn của HĐXX và VKS, Mai vẫn giữ nguyên quan điểm, thêm rằng: "Bị cáo bị đe doạ, không thể khai ra vì sự an toàn của các con và gia đình".
Xác định toàn bộ số tiền này có nguồn gốc từ việc phạm tội mà có, hành vi của Mai là phạm tội Rửa tiền, HĐXX tiếp tục kiến nghị Công an TP HCM làm rõ "tiền đang ở đâu" để thu hồi khắc phục hậu quả vụ án, nếu có căn cứ xác định tội phạm mới đề nghị xử lý theo pháp luật.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2016, Luyện (cử nhân luật) thành lập Công ty địa ốc Alibaba với vốn điều lệ một tỷ đồng. Hai năm sau, công ty thay đổi vốn lên mức 1.600 tỷ đồng, song con số này chỉ tăng trên giấy tờ. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản "ma".
Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hơn 4.500 khách hàng, chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.
Đánh giá hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thanh Mai nhận 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn). Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực bị phạt 17 và 27 năm tù; các bị cáo khác nhận từ 3 năm tù treo đến 19 năm tù.
HĐXX buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 2.400 tỷ đồng cho bị hại.
Hải Duyên