Thứ tư, 1/3/2023, 20:00 (GMT+7)

Đối mặt với những thách thức trong năm 2023, chính phủ Singapore xác định sản xuất và dịch vụ là hai lĩnh chủ chốt, góp phần củng cố và thúc đẩy kinh tế. Theo kế hoạch Vision 2030 công bố năm 2021, sự tăng trưởng của hai ngành này sẽ là động lực chính giúp đảo quốc giữ vững vị thế quốc tế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các nhà tổ chức sự kiện, lãnh đạo doanh nghiệp tiếp cận với tư tưởng lãnh đạo toàn cầu.

Singapore những năm gần đây vẫn không ngừng nỗ lực trở thành một trong những trung tâm kinh tế sôi động, tăng trưởng đều đặn, liên tục đổi mới giải pháp kinh doanh và áp dụng nhiều phương thức sản xuất tiến bộ. Chính phủ kỳ vọng những chính sách cởi mở và nền tảng sản xuất mới sẽ đưa nước này thành điểm đến thu hút các nhà tổ chức sự kiện và doanh nghiệp nhằm mở rộng mạng lưới quan hệ, trao đổi kiến thức.

Singapore được kỳ vọng là nơi quy tụ các nhà máy hiện đại trong tương lai cùng loạt sáng kiến công nghệ, phục vụ các sự kiện kinh doanh, bao gồm: robot, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, cảm biến thông minh và internet vạn vật (IoT - Internet of things).

Năm 2022, lĩnh vực sản xuất tại Singapore đối mặt với nhiều thách thức khi ghi nhận mức giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng mảng điện tử giữ vai trò chủ chốt, nguồn vốn đầu tư nước ngoài lại ghi nhận khởi sắc. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong năm kinh tế ảm đạm vừa qua.

Singapore có những tiến triển đáng kể trong năm 2022, từng bước chạm tới các mục tiêu đề ra trong bản kế hoạch Singapore Manufacturing 2030, bao gồm cải thiện chỉ số MVA (giá trị sản xuất gia tăng) lên 50% trong vòng 10 năm.

Cụ thể, ở mảng bán dẫn, Singapore thành công thu hút các khoản đầu tư cận biên từ những "ông lớn" ngành bán dẫn như GlobalFoundries và UMC. Mục đích nhằm thiết lập các hoạt động vận hành, từ đó tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động trong nước.

Theo kế hoạch đầu tư đề ra trước đó, GlobalFoundries cho biết có thể giải quyết khoảng 1.000 việc làm cho nhân sự tại Singapore. Nhà máy sản xuất mới có tổng diện tích hơn 23.200 m2, từ tháng 6/2022 đã bắt đầu thi công, bổ sung trang thiết bị.

Trụ sở dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Sau khi hoàn thành, cơ sở mới có khả năng sản xuất 450.000 tấm wafer mỗi năm, nâng tổng công suất các cơ sở của GlobalFoundries tại Singapore lên khoảng 1,5 triệu tấm.

Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) nhận định UMC giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch đưa đảo quốc sư tử thành một trong những quốc gia cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Chính phủ nước này còn mong muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư ngoại tệ, củng cố vai trò Singapore trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Tương tự, trong mảng y sinh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ y tế (MedTech), với năng lực sản xuất ở đẳng cấp thế giới, Singapore đã thu hút các công ty dược phẩm trên thế giới đến mở rộng mạng lưới hoạt động. Động thái này bao gồm việc mở trụ sở cấp khu vực như Olympus’ Evident và các nhà máy sản xuất như ResMed, MSD...

Thêm vào đó, sự hỗ trợ của chính phủ về mặt tài trợ nghiên cứu, phát triển y sinh và các ngành khoa học liên quan cũng đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng của ngành này trong nước và quốc tế.

Cụ thể, A*STAR - Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - đã khởi xướng một liên doanh nhằm nâng cao năng lực sản xuất sinh học của đảo quốc. Đơn vị cũng đặt mục tiêu nâng cao vị thế Singapore trên trường quốc tế song song với quảng bá các sản phẩm, công nghệ sản xuất mới do chính nước này nghiên cứu triển khai.

Dịch vụ hiện là ngành có quy mô chiếm hơn 70% nền kinh tế Singapore, bao gồm các lĩnh vực như tài chính - bảo hiểm, thông tin - truyền thông, dịch vụ chuyên nghiệp, hậu cần... Trong đó, du lịch và lữ hành quốc tế được xem là nguồn động lực chính.

Mức tăng trưởng kinh tế tổng thể năm 2022 chậm hơn so với 2021. Song so với dự báo trước đó từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore là 3,5%, Singapore vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 3,8%. Kết quả này có được nhờ lĩnh vực dịch vụ vẫn diễn ra sôi nổi với chuỗi các sự kiện du lịch, hội nghị, thu hút nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trên thế giới.

Ở mảng kinh doanh bán buôn, bán lẻ, vận tải và kho bãi, Singapore ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tổng cộng 2,3% trong quý IV, chậm hơn mức 5,7% của quý III. Bù lại, mảng dịch vụ lưu trú - ăn uống, bất động sản, dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng đến 8,2%, nối tiếp mức tăng trưởng 9,3% trong quý III.

Năm 2023, các chuyên gia dự đoán sự suy giảm trong hoạt động sản xuất, thương mại toàn khu vực có thể gây áp lực lên nền kinh tế chung của Singapore. Song sự phục hồi của du lịch - lữ hành quốc tế sẽ phần nào giảm tải áp lực này, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ và mở ra nhiều cơ hội cho đảo quốc.

Cụ thể, tổng lượng khách du lịch nhập cảnh Singapore năm 2022 đạt 6,3 triệu. Thời gian lưu trú trung bình trong ba quý cuối 2022 tăng đến 4,81 ngày, cao hơn đáng kể so với mức 3,36 ngày cùng kỳ năm 2019. Riêng trong hai quý III và IV/2022, lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Singapore với mục đích tham dự các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, hòa nhạc, du lịch MICE, du thuyền... cũng tăng mạnh.

Những sự kiện nổi bật, hút nhiều khách quốc tế đến Singpapore trong năm qua bao gồm giải đua xe The Formula 1 Singapore Airlines Singapore Grand Prix 2022; hội chợ Design Fair Asia; hội nghị Global Health Security Conference 2022; hội nghị World Stroke Congress lần thứ 14; giải đua Tour de France Prudential Singapore Criterium...

Các sự kiện này trở lại mạnh mẽ, thu hút nhiều sự chú ý của giới mộ điệu nhờ vào các chính sách cởi mở, chủ động nới lỏng hạn chế phòng dịch Covid-19 trên toàn quốc của Singapore. Ngoài tập trung vào lượng khách nhập cảnh, chính phủ nước này cũng chuyển trọng tâm sang các phương án tập trung thúc đẩy mức chi tiêu trung bình trên mỗi du khách.

Nhóm khách chi tiêu cao thường có yêu cầu khắt khe về chất lượng dịch vụ. Nhu cầu du lịch ưu tiên trải nghiệm đẳng cấp, dịch vụ nghỉ dưỡng xa xỉ cũng tăng mạnh sau đại dịch. Singapore đã kịp thời nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường mới này.

Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Tổng cục Du lịch Singapore (STB), mảng chăm sóc sức khỏe với nhiều lợi thế hứa hẹn sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong chuỗi dịch vụ, trải nghiệm du lịch tại Singapore trong 5-10 năm tới. Chính phủ Singapore cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có trụ sở trên lãnh thổ nắm bắt cơ hội số hóa và phát triển bền vững. Đây là tầm nhìn thuộc bản kế hoạch chung Vision 2030 nhằm thúc đẩy vòng tăng trưởng tiếp theo.

Tháng 3/2022, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong đã công bố kế hoạch Singapore Economy 2030. Một trong những nội dung nổi bật là cam kết đầu tư nguồn lực lớn hỗ trợ quá trình số hóa của các doanh nghiệp tại Singapore, giúp họ tăng cường năng lực, nắm bắt cơ hội mới trong nền kinh tế số.

Cụ thể, Singapore đã đầu tư thêm 200 triệu USD xây dựng các năng lực kỹ thuật số. Trong đó, chương trình Giải pháp Kỹ thuật số Nâng cao (Advanced Digital Solutions) được tập trung mở rộng, bao gồm các giải pháp tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ đám mây (cloud), bắt đầu từ 1/4/2022. Mục đích là giúp các doanh nghiệp cải tiến hiệu quả vận hành và các quyết định kinh doanh.

Singapore chủ động đầu tư vào công nghệ, tạo điều kiện kết nối cho các doanh nghiệptrong nước lẫn

quốc tế cùng nhau số hóa thành công, phát triển bền vững.Ảnh: Smart Cities World

Cùng thời điểm, chương trình Grow Digital cũng được mở rộng, bổ sung thêm các nền tảng kỹ thuật số đã qua phê duyệt. Qua đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xây dựng khả năng tiếp cận thị trường mới hiệu quả.

Ở phương diện phát triển bền vững, Singapore công bố kế hoạch tăng dần mức thuế carbon từ 5 USD/tấn lên 25 USD/tấn vào năm 2024, 45 USD/tấn trước năm 2026, và 50-80 USD/tấn trước năm 2030. Dự án giúp đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các quốc gia ngang hàng với Singapore tại châu Á, cải thiện vị thế của đảo quốc với tư cách là trung tâm đầu tư nổi trội trong khu vực.

Nguồn thuế carbon thu về được chính phủ Singapore dùng giúp đỡ các hộ gia đình, doanh nghiệp chuyển đổi sang một tương lai phát thải carbon ít hơn. Từ tháng 12/2020, đảo quốc đã tung các ưu đãi như phiếu mua hàng điện tử giá trị 25-150 USD trong chương trình Climate Friendly Households, hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp mua thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Nội dung: Thy An - Thiết kế: Duc Tran