Buổi sáng của các nông trại tại Việt Nam mà Cô Gái Hà Lan thu mua sữa bắt đầu rất sớm. 4h, đèn của các khu đã bật sáng. Từng xô sữa loảng xoảng va vào nhau, dần được lấp đầy bởi dòng sữa tinh khiết. Xe bồn đến thu mua, dòng sữa tươi trải qua hàng loạt quá trình kiểm định, chế biến trở thành nguồn dinh dưỡng đến tay người dùng.
Đều đặn như vậy, mỗi ngày, Cô Gái Hà Lan thu 170 tấn sữa từ hơn 300.000 con bò chăn nuôi tại 4.000 hộ nông dân trên cả nước. Đại diện đơn vị cho biết con số này chiếm khoảng 23-25% sản lượng sữa tươi tại Việt Nam. Để đến được tay người dùng, nguồn sữa xuất phát từ nông trại cần đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn, thể hiện trên các yếu tố: nguồn sữa, quá trình sản xuất, dinh dưỡng cân bằng.
Kiểm soát chất lượng nguồn sữa đầu vào
Một trong những nỗ lực mà Cô Gái Hà Lan thực hiện mỗi ngày là kiểm soát chất lượng nguồn sữa tươi của từng hộ chăn nuôi, đảm bảo giữ các chất dinh dưỡng vốn có trong sữa. Để làm được điều này, đơn vị tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi: nguồn sữa từ đàn bò và quy trình thu mua sữa nghiêm ngặt.
Yếu tố đầu tiên, để có thể kiểm soát tường tận nguồn sữa thì việc chăm sóc sức khỏe đàn bò luôn là mối quan tâm hàng đầu. Những cơ quan độc lập (hoạt động dưới sự bảo trợ của chính phủ) thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng bò và quy trình chăm sóc ở các khía cạnh: chuồng trại, thức ăn, nước uống và điều kiện vệ sinh... Ngoài ra, người nông dân còn được các chuyên gia được đào tạo tại Hà Lan hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc móng bò, chữa bệnh viêm vú bò... để bảo vệ sức khỏe đàn bò, năng suất và chất lượng sữa. Để hỗ trợ chuyên môn, đơn vị còn cung cấp phần mềm quản lý đàn bò trên điện thoại My dairy farm giúp chủ trang trại lưu giữ thông tin, dễ dàng kiểm tra tình trạng sức khỏe vật nuôi, thông số liên quan chuồng trại.
Yếu tố thứ hai, quy trình thu mua sữa luôn được Cô Gái Hà Lan kiểm soát nghiêm ngặt. Với đặc thù dễ bị nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, sữa tươi phải đảm bảo được đưa đến các điểm thu mua và làm lạnh trong thời gian ngắn nhất (từ 45 phút đến dưới 1 tiếng). Tại trung tâm làm lạnh, từng bồn sữa phải trải qua hàng loạt bài kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo sữa tươi trước khi về nhà máy không tồn tại bất cứ dư lượng kháng sinh hoặc chất phụ gia độc hại nào. Nếu không đạt chuẩn, sữa sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Nguồn sữa tươi đầu vào được lấy mẫu phân tích và phân loại chất lượng dựa trên những tiêu chí: số lượng tế bào vi khuẩn trong mỗi ml sữa, số lượng tế bào bạch cầu để nhận biết sức khỏe bầu vú của bò, sữa có tạp chất hay không...
Sữa được làm lạnh sớm, tỷ lệ tạp trùng trong sữa càng thấp, quy trình xử lý nhiệt rút ngắn thời gian, thành phẩm sẽ giữ trọn được sự tươi ngon tự nhiên vốn có và hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Đây chính là bước thành công đầu tiên của Cô Gái Hà Lan.
Sau khi thực hiện "Chương trình phát triển ngành sữa" (DDP), chất lượng vệ sinh và độ an toàn của nguồn sữa tươi trong chuỗi cung ứng của đơn vị hiện đã vươn lên hàng đầu khu vực Đông Nam Á với chỉ số tạp trùng trong sữa ở ngưỡng 300.000 cfu/ml - thấp hơn 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép tại Việt Nam.
Quản lý chất lượng đồng bộ và nghiêm ngặt
Dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn ISO, Codex, HACCP đã được công nhận trên toàn thế giới, Cô Gái Hà Lan xây dựng cho mình hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm được áp dụng trong toàn tập đoàn mang tên FoQus.
Hệ thống này bao gồm những quy trình kiểm soát chất lượng sữa chặt chẽ ngay từ khâu nuôi bò, vắt sữa, làm lạnh, sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm sữa. Nhằm mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất các mong đợi của người dùng.
Tại các nhà máy trên toàn thế giới, FoQus cũng đưa ra những chính sách, tiêu chuẩn và hướng dẫn rõ ràng phù hợp với đất nước sở tại. Ví dụ tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất và phân phối đều có những tiêu chuẩn riêng, đồng thời thực hiện quy định nghiêm ngặt của thế giới, pháp luật Việt Nam. Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá trên, các nhà máy sẽ được phân loại theo các cấp độ từ D (thấp nhất), C, B cho đến A (cấp độ cao nhất). Hiện nhà máy Hà Nam của Cô Gái Hà Lan được đánh giá cấp độ A - cấp cao nhất của Foqus về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để tối ưu hóa lượng thức ăn cho bò cũng như chất lượng sữa và lợi nhuận, người nông dân có thể bổ sung các loại thức ăn đậm đặc vào chế độ ăn của bò. Nguồn thức ăn bổ sung phải được mua từ các nhà sản xuất trong danh sách được phê duyệt. Nhà cung cấp thức ăn phải chứng minh được họ làm việc theo tiêu chuẩn HACCP và hệ thống chất lượng GMP+.
Dinh dưỡng cân bằng
Dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ nhỏ và chiếm đến 32% trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao. Vì vậy, trẻ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết.
Thực tế, dù thêm hay bớt một chút hàm lượng dinh dưỡng cũng tác động đến sức khỏe của trẻ. Ví dụ dư thừa các chất ngọt, béo, sodium sẽ gây nên nguy cơ béo phì, tim mạch, huyết áp; thiếu canxi, vitamin ảnh hưởng đến hệ xương, cơ quan vận động...
Vì vậy, dinh dưỡng cân bằng đối với nền tảng thể chất của trẻ em toàn cầu chính là mục tiêu cao nhất mà của sữa tươi Cô Gái Hà Lan hướng đến. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày trẻ từ 4-6 tuổi cần bổ sung khoảng 600mg canxi.
Với tình trạng các chất dinh dưỡng dễ bị hao hụt trong quá trình chế biến, việc bổ sung bằng cách uống sữa tươi cũng là một giải pháp cho trẻ để đảm bảo dinh dưỡng hằng ngày.
Hoài Nhơn