Bảo trợ hay đầu tư vào nghệ thuật là cách làm không mới của nhiều doanh nghiệp nhưng việc đưa ý tưởng ra thực tế rất khác nhau. Trường hợp của VPBank với ý tưởng mời các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng quốc tế về Việt Nam là một điển hình.
Năm 2014, ngân hàng này chào sân với đêm diễn của nghệ sĩ dương cầm Richard Clayderman. Tuy nhiên, cách làm còn thiếu kinh nghiệm đã khiến họ phải nhận những bài học thấm thía.Năm nay, ngân hàng này tiếp tục mời Kenny G về Việt Nam biểu diễn.
Nằm trong tour lưu diễn châu Á quảng bá cho album mới nhất - Brazilian Nights, điểm dừng chân Hà Nội có lẽ là một sự khác biệt nếu so với Seoul (Hàn Quốc), Singapore hay Kuala Lumpur (Malaysia). Tại đây, nhiều dấu ấn của “ngày xưa” đã hiện về khá trọn vẹn trong bữa tiệc âm nhạc kéo dài tròn trịa hai tiếng đồng hồ, để lại nhiều dư vị ngọt ngào cho những người từng yêu, từng say mê tiếng kèn của Kenny G trong hơn 20 năm qua.
Khác với năm ngoái khi Richard Clayderman chỉ sang một mình và biểu diễn trên nền nhạc bật sẵn cùng sự hỗ trợ của nhóm dàn dây nhạc viện Hà Nội, Kenny G lưu diễn cùng ban nhạc đã theo ông ấy 30 năm trên khắp thế giới. Điều này đem lại sự thưởng thức tốt nhất cho khán giả. Những yêu cầu kỹ thuật của các nghệ sĩ rất chặt chẽ và chuyên nghiệp, thậm chí có những đòi hỏi tới mức đánh đố với những đơn vị tổ chức sự kiện ở Việt Nam.
Tới đêm diễn tối 13/10, âm nhạc được vang lên với sự truyền tải hoàn hảo nhất tới người nghe và đạt yêu cầu của một đêm diễn đẳng cấp quốc tế. Kenny G và ban nhạc của ông đã có một đêm diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả thủ đô. Không chỉ thỏa mãn mong muốn được nghe trực tiếp người nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn những ca khúc quen thuộc nhưForever in Love, Songbird hay Going Home, khán giả Việt Nam còn được cảm nhận sự tổng hòa của trình diễn âm nhạc chuyên nghiệp, kỹ năng làm chủ sân khấu và đặc biệt là khả năng kết nối của nghệ sĩ với khán giả. Kenny G xuất hiện từ dưới hàng ghế và chơi hai bản nhạc giữa xung quanh là khán giả. Ông còn sử dụng tiếng Việt để trò chuyện với người hâm mộ, với những câu nói rất dài và rõ ràng chứ không chỉ là những từ xã giao đơn giản như “Xin chào” hay “Cảm ơn”.
Sự cộng hưởng giữa nhà tổ chức và nghệ sĩ đã tạo nên thành công cho đêm nhạc. Nếu không có một nền tảng kỹ thuật được chuẩn bị tốt, nghệ sĩ khó có thể thăng hoa hoàn toàn với âm nhạc. Khi người nghệ sĩ thăng hoa, chinh phục khán giả, nhà tổ chức tạo được những dấu ấn thực sự với một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Lựa chọn một con đường “cửa hẹp” khi đầu tư vào âm nhạc nhưng là nhóm nghệ sĩ có tên tuổi và uy tín của quốc tế, nhà tổ chức đang nỗ lực để chuyên nghiệp hóa từ nền tảng kỹ thuật tới tiếp cận truyền thông, chăm sóc hậu cần… Tuy nhiên, để đảm bảo được một tiêu chuẩn chất lượng chung cho toàn bộ công tác tổ chức của chuỗi sự kiện này, các tiểu tiết cần rất được quan tâm.
Điểm trừ trong sự kiện Kenny G sang Việt Nam này lại rơi vào một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ: khâu phiên dịch. Từ buổi họp báo chính thức một ngày trước đêm diễn, công tác dịch thuật đã khiến cây cầu nối giữa báo giới và nghệ sĩ ít nhiều bị lung lay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý phóng viên cũng như nghệ sĩ trong buổi họp báo.Trong đêm diễn, do xúc động nên người hỗ trợ ngôn ngữ cũng chuyển tải chưa hoàn toàn đúng ý của nghệ sĩ. Có thể trên một phương diện nào đó, câu chuyện phiên dịch chỉ là tiểu tiết. Nhưng ở mức độ nào đó, tiểu tiết nàylại thể hiện sự chưa chăm chút của nhà tổ chức với sự kiện.
Đi sâu vào nhữngcâu chuyện tưởng chừng tiểu tiết nhưng để nói lên rằng sau hai lần tổ chức, VPBank vẫn còn nhiều việc còn phải làm nếu tiếp tục theo đuổi ý tưởng đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam.Tuy nhiên, thành công của đêm diễn Kenny G cũng tạo đà cho các chương trình lớn vào những lần tới, khi nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác chọn Việt Nam làm điểm dừng chân và cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn mang đẳng cấp quốc tế.
Thu Ngân