Tỉnh An Giang đã có trên 20 cơ sở thu mua và sơ chế cua đồng, tập trung ở các huyện Châu Thành, Tân Châu, An Phú và nhiều nhất tại thị xã Châu Đốc. Các địa điểm này chỉ mới nhộn nhịp độ 2 tuần nay, khi cua theo nước lên chen nhau trên các bờ ruộng. Chị Võ Thị Hói, ngụ tại xã Vĩnh Thanh, huyện Châu Thành, cho biết: "Bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua trên 20 tấn cua đồng. Nghề của tôi chỉ sống được nhờ vào các tháng lũ". Giá cua hiện nay là 300 đồng/kg; sau khi sơ chế, sấy khô (4 kg cua tươi được 1 kg cua khô), các cơ sở bán lại cho những nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại TP HCM. Trên những bờ bao, những con đường xuyên qua vùng rốn lũ, có nhiều gia đình dùng cá linh làm nước mắm. Vì theo ông Nguyễn Văn Lý, ngụ ở xã Hòa Bình, Châu Thành, mùa lũ cá linh từ thượng nguồn về trắng sông,
Ốc bươu vàng bây giờ lại là nguồn sống cho dân vùng lũ. Tại chợ Châu Đốc, chị Hòa Hồng Thi, một chủ vựa chuyên thu mua ốc cho biết: "Mỗi ngày tôi mua 6-9 tấn ốc các loại, ốc bươu thì chở lên TP HCM bán cho các quán nhậu, ốc bươu vàng thì bán cho các cơ sở nuôi cá bè". Hiện nay, giá mua tại đây là 1.500 đồng/kg ốc bươu, 700 đồng/kg ốc bươu vàng. Anh Tám Đang, chủ một trang trại nuôi cá sấu lớn nhất miền Tây với trên 10 nghìn con, thì cho rằng trại cá này tồn tại cũng nhờ vào nguồn thức ăn rẻ và dồi dào, nhất là nguồn cá linh, ốc bươu trong mùa lũ. Mỗi ngày, cơ sở cần không dưới 3 tấn cá linh, mua quen thì chỉ 1.000 đồng/kg.
Mùa lũ cũng là mùa kiếm sống của những người chuyên nghề cắt lục bình ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, An Giang có trên 10 gia đình chuyên sống bằng nghề này. Một năm, họ chỉ chờ nước lũ về, mang theo nhiều dề lục bình lớn để thu hoạch, đem phơi khô, cung ứng cho các cơ sở đan lát ở Vĩnh Long, Đồng Tháp. Mỗi ngày, một hộ kiếm khoảng 10.000 đồng.
Trong khi đó, tại xóm lưới Thơm Rơm tại huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, hơn 1 tháng nay, trên 20 hộ chuyên nghề đan lưới: cá linh, cá rô, cá mè vinh đã thu hút trên 1.000 lao động có việc làm ổn định. Có khi, họ phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng. Mỗi thợ thu được khoảng 70.000-80.000 đồng/ngày. Tại xã Mỹ Hòa, Long Xuyên, hàng chục gia đình lại trông chờ vào việc đúc lưỡi câu. Anh Nguyễn Tấn Phước, chủ một cơ sở sản xuất lớn, vui vẻ: "Gần 1 tháng nay, cơ sở phải thuê thêm công nhân để làm lưỡi câu đồng. 30 nhân công làm cả ngày, mỗi người cũng được 25-30 nghìn đồng". Nhiều cơ sở chuyên sản xuất xuồng câu ở ĐBSCL cũng đang vào vụ. Bình quân mỗi điểm lớn tiêu thụ từ 500 đến 1.000 xuồng/mùa.
(Theo Tuổi Trẻ)