Thứ bảy, 30/11/2024
Chủ nhật, 22/5/2016, 06:44 (GMT+7)

Những dịch vụ hốt bạc nhờ sự lười biếng

Bạn có thể gọi đồ ăn giao đến tận giường, thuê người thay ảnh đại diện Facebook, làm bài về nhà hay thậm chí mua quần áo hộ.

1. Phòng tập

Phòng tập luôn có cách để dụ bạn mua thẻ thành viên - nhưng một nửa số thành viên chỉ đang phí phạm tiền của mình khi không đăng ký nhưng không thèm tới tập.

2. GrubHub Seamless

GrubHub là trang web đặt đồ ăn trực tuyến cho những người lười nấu, và lười cả đi ăn ngoài. Từng có khách hàng chi 11.000 USD một năm cho dịch vụ giao sushi của GrubHub.

Đây quả là một dịch vụ béo bở, bởi sau khi sáp nhập với ứng dụng giao hàng Seamless, GrubHub Seamless đã mang về 100 triệu USD doanh thu năm ngoái.

3. Keurig

Loại cốc dùng một lần này khiến việc pha cà phê trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết: chỉ cần bỏ một chiếc cốc K-Cup vào máy, nhấn nút và một ly cà phê thơm ngon đã sẵn sàng.

Dù bị chỉ trích vì lượng rác thải ra quá nhiều, Keurig vẫn rất thành công. Năm 2015, doanh thu công ty đạt 4,5 tỷ USD.

4. Uber

Uber là dịch vụ dành cho những lười không muốn đi bộ hay đợi xe, dù phí bạn phải trả là rất cao nếu nhiều người cùng đặt dịch vụ một lúc. Mô hình kinh doanh của công ty dựa trên niềm tin rằng vẫn luôn có người chấp nhận sử dụng dịch vụ vì quá lười. Điều này đã đúng khi doanh thu trung bình mỗi năm của Uber chỉ tính riêng ở San Francisco là 500 triệu USD.

5. Unemployed Professors

Nhiều thế hệ sinh viên Mỹ đã và đang sử dụng dịch vụ làm bài về nhà thuê. Nhưng với những người siêu lười thì đã có Unemployed Professor, nơi bạn có thể thuê các học giả viết luận cho mình với cái giá không hề rẻ - khoảng 130 USD cho một bài luận 5 trang.

6. TaskRabbit

Ứng dụng này giúp bạn thực hiện bất kỳ công việc nào mà bạn cảm thấy không muốn động tay, từ lau nhà tới lắp ráp nội thất. Có người thậm chí còn thuê TaskRabbit chỉ để giúp họ bỏ bớt lượng tài khoản mình theo dõi trên Twitter hay thay ảnh đại diện Facebook vào đúng nửa đêm.

Các nhà đầu tư hoàn toàn tin rằng có thể kiếm lời từ việc phục vụ người lười. Đến tháng 7/2015, ứng dụng này đã huy động được 38 triệu USD.

7. Stitch Fix

Bạn muốn mua quần áo mới nhưng lại ngại đến cửa hàng, ngại luôn cả việc tìm đồ trên mạng? Với mức phí 20 USD, Stitch Fix sẽ mua quần áo theo gu thời trang của bạn và giao chúng về tận nhà. Đương nhiên điều này có nghĩa bạn sẽ không tận dụng được các đợt khuyến mãi hay giảm giá. Nhưng đó là cái giá của sự lười biếng.

Hà Tường (theo BI)