Quán cơm thiện nguyện với suất ăn giá 2.000 đồng trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Huế) là một trong những địa chỉ thân quen của những người lao động nghèo. Một nhóm thanh niên ở Huế đã bỏ tiền túi và kêu gọi bạn bè gây dựng quán cơm này.
"Khi còn là sinh viên ở TP HCM, mình từng tham gia làm tình nguyện ở quán cơm 2.000 đồng. Ra trường về Huế lập nghiệp, mình nhìn thấy nhiều người lớn tuổi ngang ông bà, cha mẹ mình phải chắt chiu từng đồng từ những công việc lao động vất vả. Mình mong muốn giúp đỡ họ bằng những suất cơm bình dân nên đã kêu gọi bạn bè cùng lập quán cơm 2.000 đồng ở Huế", anh Nguyễn Đoàn Đức Nhã, trưởng nhóm thiện nguyện, chia sẻ.
Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay quán đã thu hút thêm được gần 20 người tham gia, trong đó có cả sinh viên. Để có được những suất cơm giá rẻ bán cho người nghèo, các thành viên đã tự bỏ tiền, kêu gọi ủng hộ trong nhiều tháng mới duy trì được hoạt động của quán. Hiện nay, quán của anh Nhã và các bạn chỉ bán vào hai ngày cuối tuần. Nhóm vẫn tiếp tục đi quyên góp để có thể tăng số ngày phục vụ và tăng suất cơm.
Ngồi đếm lại tập vé số trên tay, ông Đỗ Lới, 71 tuổi, người đã bán vé số gần 20 năm, tâm sự: "Mỗi ngày, tôi kiếm được dăm ba chục nghìn. Bình thường, tôi ăn cơm mất 10.000-15.000 đồng, giờ có cơm 2.000 đồng, tôi đỡ khó khăn hơn nhiều lắm".
Ở Huế, còn có quán cơm chay Huế Thương trên đường Bà Triệu, dành cho học sinh, sinh viên với mỗi suất giá 5.000 đồng. Trẻ em, người dân lao động có thể tới ăn miễn phí. Quán ra đời vào tháng 7/2013 với mong muốn giúp người nghèo không bị đứt bữa.
Một sư thầy ở chùa Từ Hiếu đã vận động người Huế ở khắp nơi góp tiền, góp sức làm cơm chay phục vụ mọi người. Để có được 300-350 suất cơm giá rẻ mỗi ngày, các tình nguyện viên phải thức dậy sớm đi chợ đầu mối mua thức ăn. Cứ 2-3 tháng, Huế Thương còn trích quỹ để tặng gạo, quần áo cho các hộ khó khăn ở hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.
Các bạn sinh viên nghèo ở Huế còn có thêm địa chỉ nữa là quán cơm Xã Hội giá 5.000 đồng ở Đào Tấn. Quán phục vụ hơn 200 suất cơm vào buổi trưa và tối hàng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. Sinh viên đến quán đưa thẻ sinh viên và 5.000 đồng để mua phiếu ăn, rồi nhận cơm ở bếp gần đó.
Sau khi ăn, các bạn sẽ đem khay đi rửa sạch rồi đặt lên giá gọn gàng. Đây được xem như một hành động nhỏ nhằm tạo nên tính tự giác trong các bạn sinh viên khi đến dùng cơm tại quán.
Chị Lê Thị Ẩn gắn bó với quán Xã Hội từ ngày đầu mới thành lập. "Mỗi ngày, tôi đều cảm thấy vui vì được nấu ăn cùng các bạn sinh viên, thấy đông người đến ăn cơm. Được đóng góp công sức cho quán là niềm hạnh phúc của tôi", chị Ẩn tâm sự.
Bạn Duy Nam, sinh viên ĐH Y Dược Huế, thường xuyên ghé tới quán để ăn cơm. "Mỗi tháng ăn cơm ở đây có thể giúp em tiết kiệm được được gần 500.000 đồng, số tiền không nhỏ giúp em trang trải cho việc học", bạn Duy Nam chia sẻ.
Trong đợt thi đại học, những quán cơm thiện nguyện này còn tăng số lượng suất cơm lên để góp phần giúp thí sinh và người nhà đến Huế dự thi đại học.
Video những quán cơm nhân ái ở Huế:
Phúc Nguyễn - Huỳnh Bông