Anh Cường nhớ đó là xẩm tối cuối tháng 5/2022, tin báo từ quần chúng cơ sở rạng sáng sẽ có nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đoạn mốc giới mà đơn vị quản lý. Kế hoạch triệt phá lập tức được lãnh đạo đồn đưa ra. Tổ của đại úy Cường trực tiếp vây bắt, các nhóm khác yểm trợ dọc đường liên xã ra đến thị trấn Trùng Khánh.
Ngày thường, đó là lúc anh em quây quần quanh mâm cơm bên chốt kiểm soát đầu nguồn sông Quây Sơn. Nhưng bữa cơm hôm đó dọn ra giữa buổi chiều cho kịp giờ làm nhiệm vụ. Bước sang năm thứ tư lập chốt bám biên, những cuộc vây bắt tội phạm lúc nửa đêm, nhiệm vụ bất chợt ngày càng tăng tần suất trên đoạn biên giới 24,325 km với 32 mốc giới do Đồn biên phòng Ngọc Côn quản lý.
Bên kia biên giới là huyện Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nơi có đường giao thông kết nối sâu vào nội địa Trung Quốc. Bên này là đồi núi hiểm trở, nhiều vách đá dựng đứng. Song nếu vượt qua đường biên, chỉ mất hai tiếng di chuyển cho quãng đường 70 km về TP Cao Bằng, giao thông dễ đi lại so với các khu vực khác. Những đường dây tội phạm thường chọn đoạn biên giới này đưa người Trung Quốc sang Việt Nam.
Từ nơi mật phục, tổ công tác thay nhau quan sát camera ảnh nhiệt để nắm di biến động trong đêm. Đầu óc căng như dây đàn khiến cơn buồn ngủ bay biến. Anh Cường phân tích các cuộc vượt biên hầu như diễn ra ban đêm để tránh sự truy quét từ lực lượng chức năng hai nước và đó cũng là lúc con người mệt mỏi nhất, ít đề phòng nhất. Những cuộc phục kích vì thế thường kéo dài từ cuối giờ chiều đến tận sáng hôm sau.
3h sáng, nhóm người xuất hiện, nhìn trước ngó sau cảnh giới rồi vượt qua đường biên. Họ băng rừng tìm xuống đường lớn, nơi bốn chiếc xe của người đưa đường chờ sẵn. Tổng cộng 5 người Trung Quốc và 4 người Việt Nam dẫn đường. Khi những chiếc xe tắt đèn, nổ máy cũng là lúc tín hiệu truy bắt của lực lượng biên phòng phát đi. Các tổ phục kích giăng dọc đường từ Ngọc Côn về thị trấn Trùng Khánh sẵn sàng chờ lệnh.
Cuộc rượt đuổi kéo dài từ khu vực biên giới xóm Đông Xi, xã Ngọc Côn cho tới tận Ngọc Khê vòng vèo hơn 5 km. Năm chiếc xe của tổ công tác bám sát. Phát hiện có "đuôi", nhóm vượt biên rồ ga bỏ chạy rồi tông thẳng vào chốt tuần tra lập giữa đường khi có hiệu lệnh dừng xe. Những tài xế lớn lên từ núi rừng, thạo địa hình sau đó vứt xe máy tìm đường thoát lên rừng. Cuộc vây bắt kết thúc lúc 5h khi bảy đối tượng sa lưới, trong đó có ba người Trung Quốc.
Trời vừa sáng, tổ công tác mời Đinh Văn Bàn, trú xóm Đông Xi lên làm việc. Bàn là một trong bốn người dẫn đường và họ đều là người thân. Đại úy Cường nhớ Bàn khá khôn ngoan khi nhận chiếc xe vứt lại bên đường là của mình nhưng đã bị mất trộm từ lâu. Hắn gan lỳ, giả vờ không hiểu, nhưng nửa ngày sau đã khai nhận vừa dẫn đường, vừa cảnh giới từ xa, quan sát hoạt động của lực lượng biên phòng để thông báo cho đồng bọn. Bảy người sau đó được bàn giao cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Cao Bằng.
Trung tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng biên phòng Ngọc Côn, cho biết vụ trên chỉ là một trong 8 vụ Đồn biên phòng Ngọc Côn triệt phá năm 2022, 18 đối tượng bị khởi tố về hành vi Tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và bàn giao Công an tỉnh Cao Bằng điều tra mở rộng. Trấn thủ tuyến biên giới dài nhất phía Bắc với 333,125 km, Bộ đội biên phòng Cao Bằng đã bắt giữ 53 vụ với 183 người. 13 vụ với 29 đối tượng phạm tội bị khởi tố, điều tra.
Qua các vụ bắt giữ, trung tá Bình đánh giá hoạt động đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không phải tự phát mà tổ chức thành đường dây khép kín với nhiều mắt xích. Người bản địa như Đinh Văn Bàn thạo địa hình, biết mặt cán bộ, dễ xiêu lòng bởi tiền công vài triệu đồng cho vai trò dẫn đường. Việc đưa đón người Trung Quốc từ biên giới vào sâu nội địa bằng ôtô để đi các nước thứ ba như Campuchia, Thái Lan do người tỉnh ngoài đảm nhận.
Các đối tượng liên lạc chủ yếu qua Wechat, kẻ cầm đầu thường không lộ diện. Khi bị phát hiện, mắt xích bị "chặt đứt" khiến đường dây mất dấu vết. Tiền công cho các nhóm tiếp tay thực tế cao hơn, song chúng thường khai 5-7 triệu mỗi vụ. Chi phí cho toàn bộ quá trình từ điểm đầu tới cuối phụ thuộc vào đường đi, thường lên tới vài trăm triệu đồng.
Theo trung tá Bình, dịp Tết luôn là cao điểm hoạt động của tội phạm, ngày nghỉ, đêm về sáng là lúc trọng điểm trong tuần tra, kiểm soát. Hiện Đồn Ngọc Côn duy trì sáu chốt bán kiên cố và ba chốt bạt dã chiến, tuần tra, giám sát toàn thời gian.
Lúc cao điểm, Trung Quốc duy trì 232 chốt với hơn 1.000 người. Hai bên tuần tra liên tục nên tội phạm phần nào được ngăn chặn. Song khi cửa khẩu, lối mở khai thông từ ngày 8/1 sau ba năm, phía Trung Quốc sẽ rút dần lực lượng chốt chặn trên biên giới. Cùng với lưu lượng người lẫn hàng hóa thông quan đều tăng dịp Tết, tội phạm gia tăng theo cả hai chiều, đại tá Phạm Vũ Dương, Phó chỉ huy trưởng Nghiệp vụ, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, cho biết.
Ông phân tích tội phạm sẽ lôi kéo người dân tiếp tay hoặc theo dõi lực lượng chức năng để tổ chức xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng hóa kèm theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chúng lợi dụng rừng núi, đêm tối để hoạt động nhằm tránh sự truy bắt. Ngoài nhập cảnh trái phép, biên phòng còn phát hiện tội phạm mua bán người với vỏ bọc môi giới hôn nhân, lao động để mua bán phụ nữ; môi giới cho nhận con nuôi, mang thai hộ để lừa gạt, mua bán trẻ em.
Năm 2023, hoạt động của tội phạm biên giới tiềm ẩn nhiều phức tạp, trọng trách của bộ đội biên phòng vì thế sẽ nặng nề hơn. Ngoài duy trì chốt chặn, tăng tuần tra kiểm soát, còn tuyên truyền cho người dân cùng chung vai phòng chống vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng biên phòng.
Với người lính như đại úy Cường, anh lo ngại các đường dây này sẽ lợi dụng visa du lịch, lao động để đi đường chính ngạch và dễ dàng vào sâu trong nội địa Việt Nam. Hơn nghìn ngày cắm chốt chống dịch, những đêm trắng canh đường biên dài nhất phía Bắc ngoài phục kích truy bắt tội phạm, còn là chống buôn lậu, tuần tra kiểm soát, tiếp nhận công dân Việt Nam trở về không phép.
"Người lính dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn ưu tiên cho nhiệm vụ", anh nói. Năm nay, đại úy Cường nằm trong số quân nhân của Đồn biên phòng Ngọc Côn được về quê ăn Tết. Trước Tết nửa tháng, anh gửi gạo nếp đặc sản Ngọc Côn về cho vợ gói bánh chưng kèm lời nhắn "Gạo về trước, người sẽ về sau, nhưng nếu có gì đột xuất người không về được thì đã có gạo".
Hoàng Phương