Bộ Tài chính mới công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030", được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 89 năm 2019 (Đề án 89).
Theo đó, giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa 25.000 USD học phí mỗi năm, 455 đến 1.300 USD sinh hoạt phí một tháng và một số khoản khác. Như vậy, mức hỗ trợ cao nhất có thể lên tới 40.600 USD một năm. Với thời gian đào tạo dự kiến 4 năm, mức hỗ trợ cho một giảng viên theo học ở nước ngoài tối đa lên tới 162.400 USD, tức hơn 3,6 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án 89 là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên.
Trước Đề án 89, có hai đề án tương tự nhằm đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng không đạt mục tiêu.
Năm 2000, Chính phủ phê duyệt Đề án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", dự định diễn ra trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau 10 năm, hơn 7.100 người tham gia, trong đó có gần 4.600 người đi đào tạo ở nước ngoài (2.300 người học bậc tiến sĩ). Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là hơn 3.000 người (gần 1.100 tiến sĩ). Như vậy, số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc. Nhiều người trong số này không hoàn thành yêu cầu bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước.
Sau khi Đề án 322 kết thúc, tháng 6/2010, Đề án 911 "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020" được phê duyệt với kinh phí 14.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, đến năm 2020 bổ sung được khoảng 23.000 tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Trong số này, khoảng 10.000 được đào tạo ở nước ngoài tại các đại học có uy tín, 3.000 theo hình thức phối hợp, liên kết và 10.000 đào tạo trong nước.
Dù dự kiến 10 năm, chỉ sau 7 năm triển khai, Đề án đã phải dừng lại.
Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012, đến năm 2016, chỉ hơn 2.000 nghiên cứu sinh đăng ký đào tạo trong nước trúng tuyển và nhập học. Trong chỉ tiêu 10.000 người đào tạo ở nước ngoài, đề án chỉ tuyển được hơn 2.900, tức chưa đạt 30%.
Ở hình thức đào tạo phối hợp, Đề án 911 đặt mục tiêu đào tạo 3.000 tiến sĩ nhưng số nghiên cứu sinh trúng tuyển vỏn vẹn 27 người và có tới 23 người bỏ học sau đó. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải dừng tuyển sinh.
Dù không đạt nhiều mục tiêu đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho rằng các đề án này đã đóng góp đáng kể cho mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Hàng nghìn giảng viên có cơ hội học tập và nghiên cứu ở các quốc gia phát triển bằng ngân sách Nhà nước và đang đóng góp tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam.
Đề án 89 là chương trình mới nhất được phê duyệt nhằm đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ cho giai đoạn 2019 - 2030.
Rút kinh nghiệm trước đó, Đề án 89 có nhiều điểm mới, trong đó trao quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm cho các trường. Việc này được Bộ Giáo dục đánh giá sẽ góp phần làm tăng hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước.
Theo đó, các trường được tự chủ trong quy trình tuyển chọn ứng viên thay vì Bộ trực tiếp chọn như các đề án trước. Hàng năm các trường sẽ chủ động lập kế hoạch phát triển đội ngũ, xác định số lượng giảng viên cần đào tạo ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; có kế hoạch bồi dưỡng số giảng viên này đáp ứng những điều kiện của đề án để được tham gia tuyển chọn và nhận kinh phí hỗ trợ.
Các trường cũng có trách nhiệm thu hồi chi phí khi người học vi phạm yêu cầu; hoàn trả chi phí cho nhà nước trong trường hợp không tiếp nhận, bố trí công tác cho người học theo quy định.
Xác định một trong những nguyên nhân khiến Đề án 911 kém thu hút là do mức hỗ trợ thấp, Đề án 89 tăng mức đầu tư, đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín. Như dự thảo của Bộ Tài chính, mức học phí hỗ trợ cho người học tối đa là 25.000 USD và sinh hoạt phí từ 455 đến 1.300 USD tùy quốc gia.
Theo QS, nghiên cứu sinh quốc tế tới học ở Vương quốc Anh, nếu không xin được tài trợ, sẽ phải chi trả mức học phí lên tới 18.000 bảng Anh (23.000 USD) một năm (tính trong ba năm đầu tiên). Học phí ở Mỹ cao hơn, dao động từ 28.000 đến 40.000 USD mỗi năm. Tại Canada, mức học phí cho chương trình tiến sĩ có thể dao động từ 2.500 đến 17.000 CAD (khoảng 2.000-13.400 USD). Còn ở Trung Quốc là 3.100-7.800 USD, Nga là gần 1.300-6.600 USD.
Mức được đưa ra trong dự thảo có thể đáp ứng được học phí của nhiều trường ở nhiều quốc gia. Điều này sẽ giúp ứng viên có đa dạng lựa chọn.
Ngoài ra, cơ chế quản lý và cấp phát học bổng của Đề án 89 cũng có thay đổi so với Đề án 911 khi kinh phí hỗ trợ sẽ được cấp trực tiếp cho người học, ngoại trừ học phí được chuyển thẳng cho cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Đề án 89 cũng có những ràng buộc chi tiết với người tham gia. Giảng viên có trách nhiệm hoàn thành chương trình và được cấp bằng đúng hạn. Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố được kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án trên các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.
Các điều kiện còn lại tương tự như các đề án trước đây: Giảng viên học xong cũng phải trở về cơ sở cử đi học ngay khi tốt nghiệp để làm việc. Trường hợp không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm trên theo quy định sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận được.