Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ tư, 14/3/2018, 21:00 (GMT+7)

Những dấu mốc trong cuộc đời ông hoàng vật lý Stephen Hawking

Cuộc đời của nhà vật lý học thiên tài Stephen Hawking được đánh dấu bằng nhiều sự kiện đáng nhớ.

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh, theo BBC. Năm 17 tuổi, giáo sư Hawking được nhận vào học chuyên ngành vật lý ở Đại học Oxford và học lên cao học chuyên ngành vũ trụ học ở Đại học Cambridge năm 1963. Trong ảnh là giáo sư Hawking khi còn nhỏ (trái) cùng em gái Mary. Ảnh: MMP Cambridge.

Ở tuổi 22, giáo sư Hawking bị chẩn đoán mắc một dạng bệnh về tế bào thần kinh vận động hiếm gặp mang tên xơ cứng teo cơ một bên hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig. Khi ông chuẩn bị cưới người vợ đầu tiên Jane Wilde, các bác sĩ cho rằng Hawking không thể sống quá hai năm.

Tuy nhiên, họ vẫn quyết định đi đến hôn nhân và có ba người con. Jane chính là người phản đối đề nghị của các bác sĩ rút ống thở của Hawking khi ông bị nhiễm trùng nghiêm trọng năm 1985. Cuộc phẫu thuật sau đó cứu mạng Hawking, nhưng khiến ông mất đi giọng nói. Ảnh: AFP.

Căn bệnh hiểm nghèo khiến giáo sư Hawking phải di chuyển bằng xe lăn và gần như không thể nói chuyện. Ông giao tiếp với mọi người qua một máy phát giọng nói nhân tạo.

Tuy vậy, giáo sư Hawking vẫn miệt mài nghiên cứu và thu được những thành quả đầu tiên. Ông trở nên nổi tiếng khi cuốn sách Lược sử thời gian được xuất bản năm 1988 với hơn 10 triệu bản bán ra trên khắp thế giới. Ảnh: Pinterest. 

Giáo sư Hawking và Jane chính thức ly dị vào mùa xuân năm 1995, sau đó tới tháng 9 cùng năm, Hawking tái hôn với một trong các y tá của ông là Elaine Mason. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài 11 năm trước khi chấm dứt vào năm 2006. Ảnh: Reuters.

Năm 2007, giáo sư Hawking trở thành người bị liệt cả tay và chân đầu tiên trải nghiệm môi trường không trọng lực trên một chiếc máy bay được thiết kế đặc biệt để mô phỏng môi trường vũ trụ. "Tôi nghĩ nhân loại sẽ không có tương lai nếu không bay vào vũ trụ", giáo sư Hawking chia sẻ sau đó. Ảnh: AFP.

Giáo sư Hawking diện kiến Giáo hoàng Benedict XVI trong cuộc gặp gỡ các học giả tại Tòa thánh Vatican ngày 31/10/2008. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Hawking được trao nhiều giải thưởng trong các lĩnh vực toán học, vật lý và vũ trụ học. Ngày 12/8/2009, ông vinh dự được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho nhân loại. Ảnh: Pinterest.

Cuộc đời của ông trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn James Marsh dựng thành bộ phim Thuyết Vạn vật (The Theory of Everything) với sự tham gia của diễn viên Eddie Redmayne trong vai giáo sư Hawking. Redmayne chụp ảnh cùng giáo sư Hawking trong buổi ra mắt phim tại Anh năm 2014. Ảnh: L’Express.

Giáo sư Hawking diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth trong buổi gây quỹ từ thiện cho người khuyết tật Leonard Cheshire tại cung điện Thánh James vào ngày 29/3/2014. Ảnh: Reuters.

Ông hoàng vật lý trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14/3, hưởng thọ 76 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm thương tiếc rất lớn trong cộng đồng nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới, những người từng được ông nhắn nhủ cần tiếp tục công cuộc khám phá vũ trụ vì tương lai nhân loại. Ảnh: Flickr.