Trong năm 2023, hai cầu thủ từng giành Quả Bóng Vàng - Cristiano Ronaldo và Karim Benzema - đều tới thi đấu tại Arab Saudi với thu nhập kỷ lục 200 triệu USD. Cựu vô địch World Cup và Champions League của Chelsea, N'Golo Kante cũng vừa ra mắt tại Al-Ittihad ngày 21/6, với thua nhập mùa là 100 triệu USD. Nhưng đó chỉ là màn dạo đầu, khi nhiều cầu thủ Chelsea như Edouard Mendy, Kalidou Koulibaly, Hakim Ziyech... cũng chuẩn bị hoàn tất việc tới Saudi Pro League. Những tên tuổi lớn khác như Sergio Ramos, Bernardo Silva và Son Heung-min đang nhận được những đề nghị hậu hĩnh từ quốc gia Arab.
Tại sao bóng đá Arab Saudi lại đột ngột chi số tiền lớn cho các cầu thủ nước ngoài như bây giờ? Theo Sky Sports (Anh), đầu tiên, Arab Saudi đang tìm cách mở rộng nền kinh tế thông qua các ngành công nghiệp khác để giúp đảm bảo tương lai tài chính. Quốc gia này vốn phụ thuộc vào việc bán dầu mỏ - điều sẽ không tồn tại mãi mãi, và họ cần phải đa dạng hóa nền kinh tế. Và Arab Saudi làm điều này thông qua PIF - Quỹ đầu tư công của đất nước.
Thể thao là một lĩnh vực cụ thể mà Arab Saudi đang muốn phát triển trong nước, gồm Saudi Pro League. Quốc gia Trung Đông này muốn xây dựng ngành công nghiệp giải trí của riêng họ, và khai thác lượng lớn sự quan tâm của người dân Arab Saudi, trong đó 70% là dưới 40 tuổi, với bóng đá.
Bóng đá là môn thể thao đại chúng ở Arab Saudi, và họ là đội tuyển được hỗ trợ tốt nhất tại World Cup 2022. Ở giải đấu này, Arab Saudi gây tiếng vang khi đánh bại Argentina - đội sau đó lên ngôi vô địch - ở trận mở màn, và xem đây là cách để tăng lượng khách du lịch.
Các nhà chức trách của Arab Saudi đã nhìn thấy tất cả mối quan tâm này và nghĩ: Thay vì để người khác kiếm tiền từ sở thích thể thao của người dân Arab Saudi, chúng ta hãy tự mình kiếm tiền và giữ tiền trong biên giới đất nước. Họ muốn đưa bóng đá Arab Saudi lên bản đồ thế giới và nâng cao vị thế.
Arab Saudi còn hy vọng đạt được điều gì? Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Arab Saudi "dùng thể thao để khỏa lấp tiếng xấu về nhân quyền cực". Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì cho rằng Arab Saudi chi hàng tỷ USD để tổ chức các sự kiện giải trí, văn hóa và thể thao lớn nhằm làm chệch hướng chú ý khỏi vấn đề nhân quyền tồi tệ của đất nước.
Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kết luận rằng Arab Saudi đã công bố một số cải cách, nhưng sự đàn áp liên tục và sự coi thường các quyền cơ bản vẫn là những rào cản lớn với sự tiến bộ.
Một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 cho biết cái chết của ông "cấu thành một vụ giết người phi pháp mà Arab Saudi phải chịu trách nhiệm".
Ngoài việc được sử dụng để tẩy rửa tiếng xấu nhân quyền, đầu tư vào bóng đá còn có thể mua được ảnh hưởng và uy tín trên toàn thế giới và thể hiện quyền lực mềm. Saudi Arabia được cho là sẽ chạy đua đăng cai World Cup 2030 cùng với Hy Lạp và Ai Cập.
Đây có phải mục tiêu dài hạn của Arab Saudi? Những gì đang diễn ra tại Saudi Pro League gợi lại sự ra đời của Chinese Super League ở Trung Quốc vào năm 2004, khi đột nhiên các ngôi sao như Oscar và Marko Arnautovic chuyển đến châu Á. Đây là mệnh lệnh trực tiếp từ Chủ tịch nước này Tập Cận Bình, khi ông muốn Trung Quốc đăng cai World Cup, có một đội tuyển quốc gia tốt và một giải vô địch quốc gia mạnh.
Nhưng sau đó, Trung Quốc thay đổi, không thích cảnh luồng tiền khổng lồ từ trong nước chảy vào túi các CLB châu Âu. Họ quyết định chấm dứt điều này, và đặt ra vô số quy tắc để kiểm soát số lượng cầu thủ nước ngoài được thi đấu tại Chinese Super League.
Theo Sky Sports, Saudi Arabia cũng đang đặt mục tiêu dài hạn, nhưng quốc gia này có nhiều tiền hơn và tạo cảm giác làm việc nghiêm túc hơn. Đây là sự khởi đầu của một quá trình và không phải là thứ sẽ biến mất nhanh chóng.
Cũng theo hãng tin Anh, trong năm năm tới, Arab Saudi muốn có 100 cầu thủ nước ngoài giỏi nhất thi đấu tại Saudi Pro League. Ronaldo là người đầu tiên, và họ đã đề nghị mức lương mùa kỷ lục 400 triệu USD với Lionel Messi. Nhưng ngôi sao Argentina từ chối để chuyển đến MLS. Điều này không ngăn cản tham vọng của Arab Saudi, khi Ruben Neves sắp gia nhập Al Hilal, và ba cầu thủ Chelsea, gồm Kalidou Koulibaly, Hakim Ziyech và Edouard Mendy, chuẩn bị hoàn tất việc tới Arab Saudi. Trong tương lai, những Harry Kane, hay thậm chí Erling Haaland, Kylian Mbappe cũng có thể vào tầm ngắm trong tham vọng của các nhà làm bóng đá Arab Saudi.
Mohammed Hamdi, một chuyên gia về bóng đá ở Trung Đông và là cựu giám đốc của Al Jazira FC ở Abu Dhabi, nói với Sky Sports News rằng ông tin Arab Saudi sẽ không gặp vấn đề gì trong việc thu hút những tài năng hàng đầu.
"Họ có cơ sở hạ tầng", ông nói. "Họ có đất nước hậu thuẫn, có thể tổ chức một kỳ World Cup. Chúng ta đã thấy World Cup ở Qatar tuyệt vời thế nào. Đây là tầm nhìn dài hạn, nơi bạn có thể thu hút các hợp đồng truyền hình, phương tiện truyền thông, tài trợ và nhiều du khách hơn đến đất nước. Không chỉ các cầu thủ lớn tuổi, bạn có thể sẽ thấy những cầu thủ trẻ sẵn sàng thi đấu tại Saudi Pro League".
Saudi Arabia đã bóp méo thị trường chuyển nhượng? Hè này, gần như thương vụ chuyển nhượng nào cũng có những tin đồn liên quan đến các CLB Arab Saudi, ngay cả những tên tuổi tưởng "bất khả xâm phạm" như Son Heung-min ở Tottenham. Arab Saudi có đủ tiền để ký hợp đồng với bất kỳ cầu thủ nào họ muốn, miễn là anh này muốn rời đi.
Ruben Neves là ví dụ rõ ràng nhất. Tiền vệ Bồ Đào Nha mới 26 tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp, được Liverpool, Barca, Man Utd quan tâm, nhưng quyết định gia nhập Al Hilal với mức lương cao gấp 10 lần so với thu nhập ở Wolves.
"Vì vậy, thị trường chuyển nhượng đã thay đổi đáng kể, khi các CLB có sự cạnh tranh nghiêm trọng từ Arab Saudi - một thị trường rất béo bở đã mở ra", Sky Sports bình luận.
Chelsea có lách luật Công bằng tài chính (FFP) nhờ Arab Saudi? Chelsea đang chịu áp lực phải thu hồi vốn thông qua việc bán cầu thủ vào cuối tháng này sau khi chi 668 triệu USD cho hai kỳ chuyển nhượng mùa 2022-2023, trong năm đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Todd Boehly và Clearlake Capital. Những thương vụ bán của Chelsea được hoàn tất trước ngày 30/6 sẽ được tính vào năm tính thuế đầy đủ đầu tiên, và do đó giúp giảm thiểu tổn thất để hỗ trợ việc tuân thủ FFP.
PIF - đơn vị sở hữu bốn câu CLB Arab Saudi - đang tìm cách mua các cầu thủ Chelsea, đã đầu tư vào Clearlake Capital - quỹ đầu tư tư nhân là cổ đông chính của Chelsea. Ngoài ra, chủ tịch Chelsea Boehly đã được phát hiện gặp gặp chủ tịch Al Hilal Fahd bin Nafel tại Arab Saudi hồi đầu tháng. Tại cuộc họp còn có Hoàng tử tỷ phú Arab Saudi Saudi Al-Waleed bin Talal - một CĐV của Al Hilal, người đã bán cổ phần thiểu số trong công ty đầu tư của ông cho PIF vào năm ngoái.
Nhưng theo Sky Sports, việc các CLB Arab Saudi muốn mua cầu thủ Chelsea không liên quan đến việc CLB này cần thu hồi vốn để "xoa dịu" các yêu cầu của FFP. PIF đầu tư vào rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân trên toàn thế giới, và Clearlake đã đầu tư vào 400 công ty khác nhau. Phía Chelsea cũng khẳng định hoàn toàn không có xung đột lợi ích trong đó.
Hồng Duy (theo Sky Sports)