Nhiều người muốn giữ lại thiết bị càng lâu càng tốt vì nhiều lý do, như giá trị tình cảm, thiếu chi phí thay mới, ngại chuyển đổi dữ liệu. Nhưng nếu tiếp tục, họ có thể gặp phiền phức, thậm chí đối mặt với nguy cơ bảo mật do phần mềm không được cập nhật.
Hiệu suất chậm
Từng là cỗ máy mạnh mẽ lúc mới mua, theo thời gian, smartphone sẽ trở thành "con ốc sên chậm chạp". Chúng mất nhiều phút để tải và cài ứng dụng, không thể vận hành trơn tru một game đơn giản, thậm chí những tác vụ cơ bản như lướt mạng xã hội cũng trở thành gánh nặng.
Theo các chuyên gia, sự chậm chạp này thường là triệu chứng của một bộ xử lý cũ kỹ phải "gánh" phần mềm ngày càng nhiều tính năng. Ngoài ra, dung lượng RAM thấp cũng khiến thiết bị chạy đa nhiệm yếu, gây giật lag.
Pin gặp vấn đề
Pin sụt nhanh gây bất tiện và phiền phức, thường xảy ra với smartphone dùng trên ba năm. Lúc này, người dùng có thể phải mang theo sạc dự phòng hoặc phải cắm sạc thường xuyên gây bất tiện.
Bên cạnh đó, điện thoại mới thường đi kèm pin lớn và hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, trong khi thiết bị đời cũ có dung lượng pin thấp, phần mềm không được tối ưu, khiến máy sụt pin nhanh.
Dung lượng hạn chế
Thông báo bộ nhớ đầy là điều nhiều người dùng smartphone cũ gặp phải. So với mức thông dụng từ 128 GB trở lên của smartphone hiện tại, các mẫu cũ thường khoảng 16-64 GB. Xóa ảnh, video và ứng dụng trở thành thói quen, nhưng chỉ tạo sự nhẹ nhõm tạm thời.
Tự thoát ứng dụng
Việc ứng dụng tự thông báo ngừng hoạt động đột ngột trên smartphone đời cũ xảy ra thường xuyên do cấu hình phần cứng lỗi thời hoặc phần mềm được nâng cấp và không tương thích phần cứng cũ. Nhưng dù đó là ứng dụng lỗi hay vấn đề phần cứng, những gián đoạn này có thể tạo sự phiền phức, gây ức chế cho người dùng nếu thao tác họ đang làm là quan trọng.
Hết hỗ trợ cập nhật
Đối với smartphone, việc không nhận được bản cập nhật thường xuyên từ nhà sản xuất cũng giống như một chiếc xe không được bảo dưỡng định kỳ. Lúc này, người dùng sẽ bỏ lỡ tính năng mới, bản vá bảo mật và cải tiến hiệu suất. Do đó, người dùng nên cân nhắc mua cho mình thiết bị mới.
Chất lượng camera giảm sút
Smartphone mới luôn được nâng cấp về camera, khiến máy cũ có thể bị bỏ xa về khả năng chụp ảnh. Nếu người dùng cảm thấy không hài lòng với hình ảnh hoặc video bị mờ, độ nét thấp, chụp thiếu sáng kém, họ nên thay điện thoại.
Hao mòn vật lý
Màn hình nứt, khung bị cong hoặc hư hỏng về ngoại hình có thể ảnh hưởng đáng kể đến chức năng và thẩm mỹ của smartphone. Dù có thể sửa chữa, người dùng vẫn đối mặt với chi phí cao do thiếu linh kiện và không thể khôi phục hoàn toàn thiết bị về tình trạng ban đầu.
Lo ngại về bảo mật
Trong thời đại kỹ thuật số, bảo mật đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nhưng với smartphone cũ, do không còn các bản vá, chúng dễ dàng bị tấn công hơn. Nếu quan tâm đến vấn đề bảo mật, chẳng hạn thường xuyên giao dịch tài chính, việc mua mới smartphone là điều cần làm.
Bảo Lâm (theo Android Authority, Gizchina)
- 8 cách tận dụng smartphone cũ
- Chật vật thay pin điện thoại Android đời cũ
- Mối nguy từ việc vứt smartphone hỏng vào sọt rác