Thông tin được nêu tại tọa đàm "Bệnh rối loạn nhịp tim: Hiểu đúng - phòng ngừa & điều trị hiệu quả", phát sóng trực tiếp trên Fanpage báo VnExpress tối 6/12, do báo VnExpress phối hợp công ty TNHH Medtronic Việt Nam thực hiện. Tham gia tọa đàm có TS.BS. Phạm Trần Linh - Phó chủ tịch Phân hội Nhịp tim Việt Nam và BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng - Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, hai chuyên gia ngành tim mạch đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về bệnh rối loạn nhịp tim, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp phòng ngừa, điều trị.
Bức tranh chung về bệnh rối loạn nhịp tim
Mở đầu tọa đàm, TS.BS. Phạm Trần Linh cho biết, bệnh tim mạch đang ngày càng gia tăng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Có nhiều bệnh lý liên quan đến tim mạch, trong đó rối loạn nhịp tim là một trong những bệnh lý tiêu biểu và nguy hiểm nhất. TS.BS. Phạm Trần Linh lý giải, những rối loạn nhịp tim có thể dẫn trực tiếp đến việc tim ngừng đập đột ngột đe dọa tính mạng của người bệnh.
Theo BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng, rối loạn nhịp tim hiểu một cách đơn giản là tim đập không theo một thứ tự nào và trái tim không thể hoạt động một cách đều đặn như bình thường. Rối loạn nhịp tim được chia thành hai loại: rối loạn nhịp tim nhanh và rối loạn nhịp tim chậm.
Rối loạn nhịp tim có thể gây ra các biến chứng như suy tim, ngừng tim, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, đột quỵ và nguy hiểm nhất là đột tử. BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng nhấn mạnh, một bệnh nhân nếu bị ngừng tim đột ngột, chỉ có 3 phút để cấp cứu và có thể phục hồi sự sống.
Nguyên nhân chính đến dẫn đến rối loạn nhịp tim
Theo BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng, bệnh lý rối loạn nhịp tim là hậu quả của tổng hợp rất nhiều yếu tố, từ môi trường sống, lối sống đến những bệnh lý thường gặp hoặc những yếu tố di truyền.
Đầu tiên là những yếu tố tác động từ bên ngoài, như lối sống - chế độ ăn, chế độ sinh hoạt. Ít vận động, ăn nhiều dầu mỡ, nhất là dầu mỡ chiên xào, ăn mặn, hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia... về lâu dài đều dẫn đến loạn nhịp tim.
Thứ hai là các tác nhân tấn công trực tiếp vào tim, ví dụ tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm siêu vi.
Thứ ba các bệnh lý liên quan như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, mạch máu bị tắc nghẽn, xơ vữa làm cho tế bào tim không được cấp máu một cách đầy đủ.
Ngoài ra, bệnh lý tim mạch nói chung và rối loạn tim còn có nguyên nhân di truyền. Tuổi cao cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch nói chung và rối loạn nhịp tim nói riêng.
Những triệu chứng của rối loạn nhịp tim
TS.BS. Phạm Trần Linh cho biết, với những người bình thường, nhịp tim đập lúc nghỉ ngơi dao động từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Khi con số vượt ra ngoài khung 60-100 nhịp đó, "có thể chúng ta mắc những bệnh liên quan đến rối loạn nhịp tim", bác sĩ nói.
Theo ông, 'hồi hộp, đánh trống ngực' là một trong những triệu chứng hay gặp nhất ở rối loạn nhịp tim nhanh. Một số triệu chứng như khó thở, đau ngực, nuốt nghẹn thường gặp ở rối loạn nhịp tim chậm. Nhiều trường hợp triệu chứng là những cơn choáng khi đứng lên ngồi xuống. Một số trường hợp nặng hơn, sẽ có biểu hiện ngất, sau vài phút bệnh nhân tự tỉnh lại.
Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn nhịp tim mà không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân hoàn toàn không biết là mình mắc bệnh cho đến khi đi khám sức khỏe và phát hiện ra bệnh thông qua việc đo điện tâm đồ.
Điều may mắn là ngày nay, rất nhiều thiết bị có thể hỗ trợ phát hiện sớm bệnh, như máy đo huyết áp điện tử, đồng hồ điện tử tích hợp các phần mềm theo dõi nhịp tim, máy đo điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ 24 giờ...
Điều trị bằng thiết bị cấy ghép dưới da
Theo BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng, khoảng 20 năm trước đây, rối loạn nhịp tim gần như không được quan tâm tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay khi các bệnh lý tim mạch gia tăng thì giới chuyên gia cũng như người dân chú ý nhiều hơn tới bệnh này. Ông cho biết, như nhiều bệnh lý khác, rối loạn nhịp tim cũng có hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và can thiệp.
Khi dùng các loại thuốc để điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp tim, bệnh nhân thường phải dùng cả các loại thuốc nhằm hạn chế các biến chứng của rối loạn nhịp.
Với phương pháp can thiệp, tùy thuộc vào dạng rối loạn nhịp tim mà bệnh nhân có thể được chỉ định dùng các thiết bị phù hợp nhằm khôi phục chức năng tim. Trong trường hợp bệnh nhân rối loạn nhịp nhanh (rung nhĩ), các bác sĩ có thể dùng kỹ thuật triệt đốt điện sinh lý bằng năng lượng sóng radio, bằng bóng lạnh hoặc bằng từ xung.
Kỹ thuật mới nhất trong điều trị rối loạn nhịp tim là cấy thiết bị hỗ trợ tim dưới da. Trong đó, có máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim. Máy tạo nhịp tim (Pacemaker) được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim chậm. Máy khử rung tim (ICD) sử dụng để điều trị các bệnh nhân từng bị ngừng tim đột ngột hoặc có nguy cơ cao sẽ bị đột tử tim. Ngoài ra, đối với bệnh nhân rối loạn nhịp kèm suy tim, có thể cấy ghép máy tái đồng bộ tim (CRT).
TS.BS. Phạm Trần Linh cho biết, ca cấy ghép máy hỗ trợ tim đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện vào năm 1972 với sự phối hợp của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức. Cùng với sự phát triển của ngành y, hiện nay cả nước có hơn 100 cơ sở, cả công lập và tư thục, ở cả nông thôn và thành phố có thể thực hiện kỹ thuật cấy ghép máy dưới da này. Các thế hệ máy tạo nhịp tim, khử rung ngày nay cũng được cải tiến hiện đại và hiệu quả hơn.
Đơn cử như máy tạo nhịp tim không dây mới xuất hiện gần đây, chỉ to bằng đốt ngón tay út với đầy đủ chức năng, dễ lắp đặt và máy có thể nằm hoàn toàn trong lòng trái tim để giúp chữa những dạng rối loạn nhịp tim chậm.
Tại Việt Nam, bảo hiểm y tế đã chi trả cho các thiết bị tạo nhịp này. Bác sĩ cho biết, năm 2023, nước ta có gần 5.000 bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp và trên 95% các trường hợp đó được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo TS.BS. Phạm Trần Linh, bệnh nhân nhịp tim quá chậm bắt buộc phải đặt máy tạo nhịp tim để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa ngất có thể dẫn đến tử vong. Sau khi cấy máy, nhịp tim của bệnh nhân có thể đập về mức gần như bình thường, hoạt động bền bỉ và bệnh nhân không còn mệt mỏi.
Trong khi đó, máy khử rung tim thế hệ mới cũng có kích thước nhỏ gọn, có thể đặt ở dưới da, thường dưới xương đòn bên trái bệnh nhân.
BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng nhận xét "máy khử rung thông minh hơn chúng ta biết" vì có nhiều chức năng, từ cắt cơn loạn nhịp tim đến khử rung tim. Máy cho phép lưu trữ các thông tin giúp bác sĩ có thể kiểm tra cơn loạn nhịp đó thuộc loại gì, hoạt động như thế nào, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số loại máy khử rung còn tích hợp các chức năng chống ngất, theo dõi tình trạng suy tim... Máy khử rung tim cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân dễ tiếp cận.
Kỹ thuật cấy ghép dưới da, ít xâm lấn với các máy tạo nhịp tim, khử rung... có thể giúp bệnh nhân rối loạn nhịp tim trở lại cuộc sống bình thường, kéo dài tuổi thọ. "Công nghệ mới giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường một cách tốt đẹp", TS.BS. Phạm Trần Linh nhận xét về các thiết bị.
Trong tọa đàm, TS.BS. Phạm Trần Linh cũng chia sẻ một số ca bệnh đã được điều trị thành công với thiết bị cấy dưới da. Trước khi kết thúc tọa đàm, hai bác sĩ cùng trả lời thắc mắc của độc giả với một số trường hợp bệnh cụ thể.
Xem chi tiết tọa đàm tại đây
Kim Anh