Thứ sáu, 20/9/2024
Thứ hai, 28/8/2023, 13:32 (GMT+7)

Những dấu ấn trên hành trình CAHN vô địch V-League 2023

Trước khi vô địch ngay mùa đầu ở V-League, Công an Hà Nội đã chiêu mộ hàng loạt tuyển thủ, hai lần thay HLV, thua đối thủ trực tiếp nhưng có chiến thắng tranh cãi ở giai đoạn quyết định.

Trước khi V-League 2023 khởi tranh, tân binh Công an Hà Nội (khi ở hạng Nhất mang tên là Công an Nhân dân) liên tục nổ “bom tấm” trên thị trường chuyển nhượng, với những khoản lót tay và lương cao bậc nhất bóng đá Việt.

Trong số này có những cầu thủ được coi là biểu tượng tại đội bóng chủ quản lúc đó, như Đoàn Văn Hậu (Hà Nội FC), Phan Văn Đức (SLNA), Hồ Tấn Tài (Bình Định), Vũ Văn Thanh (HAGL), bên cạnh những bản hợp đồng chất lượng khác như Bùi Tiến Dụng (Hải Phòng), Huỳnh Tấn Sinh (Quảng Nam), Nguyễn Xuân Nam (Bình Định). Các ngoại binh như Jhon Cley hay Gustavo Henrique cũng được đánh giá thuộc nhóm chất lượng cao. Ảnh: VPF

CAHN khởi đầu V-League 2023 bằng chiến thắng tưng bừng 5-0 trước Bình Định – đội đứng thứ ba mùa trước. Trong ảnh, tiền đạo Juvhel Tsoumou ăn mừng khi lập hat-trick trong trận đấu trên sân Hàng Đẫy.

Nhưng, mọi thứ về sau không mấy suôn sẻ.

Ở bốn vòng kế tiếp, CAHN lần lượt thua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hà Nội FC (áo xanh), Viettel rồi hoà HAGL và Hải Phòng, tụt xuống thứ chín V-League.

Những thiếu sót ở tuyến giữa hay thiếu sự gắn kết trong lối chơi dần bộc lộ rõ nét. Chuỗi trận không tốt chỉ dừng lại ở vòng 6 với chiến thắng 2-1 trước Bình Dương, nhưng vẫn buộc CAHN thay đổi.

Sau chiến thắng Nam Định 4-0, HLV Paulo Foiani bất ngờ "biến mất". Đến cuối tháng 4, CLB mới thông báo đưa trợ lý Flavio Cruz lên làm HLV trưởng, trùng quãng nghỉ của các CLB nhường chỗ cho SEA Games 32.

Khi trở lại với HLV mới, CAHN thi đấu thăng hoa để giành bốn chiến thắng trước TP HCM, SLNA, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cùng trận hoà Khánh Hoà, vươn lên dẫn đầu bảng. Đây vốn là nhóm đối thủ ít có cơ hội đua tranh - nếu xét về khát vọng cũng như thực lực.

Thị trường chuyển nhượng giữa mùa mở cửa cũng là lúc CAHN tiếp tục cho thấy sức mạnh tài chính, với thương vụ đình đám mua Nguyễn Quang Hải từ Pau FC và Filip Nguyễn từ Slovacko. Trong đó, Quang Hải bỏ túi khoản lót tay hơn 10 tỷ đồng, được nhận toàn bộ tiền kiếm được từ khai thác hình ảnh cá nhân và mức lương hơn 100 triệu đồng mỗi tháng - cao nhất giới cầu thủ nội.

Tuy nhiên, "số 19" thi đấu không như kỳ vọng. Cùng Filip Nguyễn, anh ra mắt CLB bằng trận thua 0-1 Đà Nẵng – đội đang vật lộn trong cuộc đua trụ hạng - ở vòng 13 giai đoạn I. Sau đó, họ bị loại ở vòng 1/8 Cup Quốc gia trước Nam Định.

Ở giai đoạn II đua vô địch, CAHN có lợi thế gặp những đối thủ yếu trước do xếp thứ nhất ở giai đoạn I. Tuy nhiên, họ chỉ thắng được Bình Định, còn lại hoà Hà Tĩnh và thua Hải Phòng trong ba vòng đầu, tụt xuống thứ ba sau Hà Nội FC và Thanh Hoá.

Ở bốn vòng cuối, CAHN gặp bốn đối thủ đều còn khả năng đua tranh là Nam Định, Hà Nội FC, Viettel và Thanh Hoá. Đây cũng chính là bước ngoặt quyết định của mùa giải.

Trên sân Thiên Trường của Nam Định, HLV Flavio Cruz không chỉ đạo mà ngồi trên khán đài, nhường quyền chỉ đạo cho nhóm trợ lý và Giám đốc Kỹ thuật Trần Tiến Đại. Ở dưới sân, CAHN ngược dòng thắng 2-1 trong trận cầu tai tiếng. Điển hình là tình huống hậu vệ Ngô Đức Huy (ảnh) để tay chạm bóng trong cấm địa Nam Định ở phút bù giờ, giúp đội khách hưởng phạt đền và ghi bàn quyết định chiến thắng.

Đội bóng thành Nam lập tức bị chỉ trích vì thái độ thi đấu thiếu tích cực. Ban tổ chức V-League sau đó gửi công văn nhắc nhở, còn người hâm mộ thành Nam bất mãn đến mức giải thể Hội CĐV.

Đến vòng kế tiếp, CAHN tiếp tục đánh bại Hà Nội FC với tỷ số 2-1. Nhưng kết cục có thể đã khác nếu đội vô địch mùa trước được hưởng ít nhất một quả phạt đền trong ba tình huống va chạm nhạy cảm. Trong ảnh, Caion ngã khi bị kẹp giữa Hồ Tấn Tài và Bùi Tiến Dụng ở cấm địa của CAHN.

Với ba điểm, CAHN lấy lại đầu bảng từ chính đối thủ. Còn HLV Bozidar Bandovic của Hà Nội đặt dấu hỏi về việc cách cầm còi của trọng tài người Thái Lan Songkran Bunmeekiart.

Những tranh cãi về trọng tài khiến Ban tổ chức V-League xin phép FIFA áp dụng sớm VAR cho trận đua vô địch giữa CAHN và Viettel ở vòng 6 giai đoạn II. Tuy nhiên, VAR không có nhiều việc phải làm trận này.

Những sai lầm ở hàng thủ Viettel giúp CAHN ghi ba bàn. Trận đấu cũng coi như an bài khi Đức Chiến bỏ lỡ cơ hội rút ngắn tỷ số cho Viettel khi đá hỏng 11m cuối hiệp một. CAHN duy trì đầu bảng với hai điểm nhiều hơn Hà Nội FC, và nắm quyền tự quyết cho ngôi vương.

CAHN thắng ba trận quan trọng nhưng dấu ấn của HLV Cruz rất mờ nhạt trên sân, cũng không còn dự họp báo sau trận. Ngay trước vòng hạ màn, CAHN tuyên bố đưa Giám đốc Kỹ thuật Trần Tiến Đại (áo cam) lên thay ông Cruz.

Ở vòng cuối hôm qua, Hà Nội thắng Viettel 3-2 nhưng không thể lật ngược tình thế, do CAHN hoà Thanh Hoá 1-1 trong trận cùng giờ ở Hàng Đẫy. Hai đội có cùng 38 điểm nhưng CAHN sở hữu hiệu số bàn thắng bại tốt hơn (+18 so với +13).

Kịch bản này tái hiện năm 2016 khi Hà Nội FC vô địch dù có cùng 50 điểm như Hải Phòng, và năm 2017 khi Quảng Nam lên ngôi dù có 48 điểm như Thanh Hoá.

CAHN mất gần 40 năm để vô địch quốc gia, kể từ năm 1984 với giải A1 toàn quốc. Ở kỷ nguyên V-League từ năm 2000, họ trở thành CLB thứ 10 đăng quang, với một lần như Viettel, Quảng Nam, Cảng Sài Gòn (nay là TP HCM). Hiện, Hà Nội FC vẫn dẫn đầu với sáu lần VĐQG, xếp sau là Bình Dương (4), SLNA, Long An, HAGL, Đà Nẵng (2).

CAHN cũng mới là đội thứ hai vô địch ngay mùa đầu thi đấu ở V-League, sau HAGL năm 2003.

Nhìn lại mùa vừa qua, thực tế CAHN không quá vượt trội mà chính các đối thủ tự suy yếu. Bình Định, Hải Phòng không còn giữ được động lực và phong độ cao như mùa trước - nơi họ đều đứng trong top 3. Cựu vô địch Viettel cũng khởi đầu chậm, thậm chí hoà năm, thua một sau bảy vòng. Trong khi đó, nhà vô địch mùa trước Hà Nội FC chỉ kiếm được trung bình 1,9 điểm mỗi trận, thấp nhất so với bốn mùa giải trước đó. Năm 2020, khi V-League cũng chia hai giai đoạn, Hà Nội FC về nhì với 39 điểm – nhiều hơn một điểm so với những gì CAHN giành được để vô địch với thể thức tương tự mùa này.

Hiếu Lương