Yan Ge ở Trùng Khánh sẽ về quê làm đám cưới vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thay vì tổ chức tại khách sạn tốn kém, nam họa sĩ 28 tuổi trang trí không gian cưới bằng những bức tranh sơn dầu tự vẽ.
Bà của Yan Ge sẽ chủ trì buổi lễ. Gia đình không nhận tiền mừng để giảm áp lực cho khách mời.
"Điều này đúng ý tưởng về đám cưới của vợ chồng tôi", Yan Ge nói.
Những đám cưới tiết kiệm ngày càng được nhiều người trẻ hưởng ứng. Khảo sát của Trung tâm Khảo sát Xã hội Trung Quốc cho thấy hơn 78% ủng hộ việc làm hôn lễ theo phong cách tối giản.
Trên mạng xã hội, chủ đề "giới trẻ Trung Quốc cách mạng hóa đám cưới" được nhiều người quan tâm. Thay vì làm trong các khách sạn hạng sang, giới trẻ lựa chọn tổ chức ở cửa hàng ăn nhanh như McDonald’s hay quán lẩu Haidilao.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được nhiều vợ chồng trẻ sử dụng để lên kế hoạch cho ngày trọng đại nhằm tiết kiệm chi phí.
Đám cưới ở Trung Quốc là một sự kiện lớn, những mâm tiệc cầu kỳ, hoành tráng, tiền thách cưới lớn hay trang phục đắt tiền cho cô dâu, chú rể được xã hội coi là cần thiết.
Nhà tổ chức tiệc cưới Chen Mengting cho biết chi phí một đám cưới cao cấp ở Trung Quốc dao động 100.000 -300.000 tệ (350 triệu đồng đến một tỷ đồng). Mức này có thể cao hơn tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh.
Nhưng đám cưới xa hoa dần trở nên lỗi thời. Người trẻ dần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thể hiện qua việc hưởng ứng các chiến dịch "sống xanh" và "sử dụng tài nguyên tiết kiệm".
Lối sống xanh đang tác động đến các vợ chồng trẻ. Như việc lựa chọn hoa cưới và các vật dụng trang trí làm từ vật liệu dễ phân hủy và có thể tái chế.
Do đó những đám cưới giản dị, gần gũi thiên nhiên như vợ chồng Yan Ge được đánh giá hợp thời, thể hiện tư duy bắt nhịp xu hướng xã hội mới.
Ngoài bảo vệ môi trường, tư tưởng "thách cưới 0 đồng" được nhiều người lựa chọn. Theo khảo sát được công bố bởi dịch vụ mai mối trực tuyến zhenai.com, hơn 65% người tham gia ủng hộ quan điểm này.
Người trẻ ngày nay không chỉ loại bỏ các thủ tục cưới xin truyền thống mà còn hy vọng "tiền thách cưới" trở về đúng nghĩa ban đầu là "một món quà thể hiện thiện chí với vợ chồng mới". Những yêu cầu như nhà trai phải có xe, nhà cửa dần thay đổi nhằm góp phần giảm áp lực phô trương vật chất, thúc đẩy sự bình đẳng trong hôn nhân.
Xu hướng này được củng cố bởi những nỗ lực của chính phủ trong việc định hướng văn hóa hôn nhân. Tháng 2 năm nay, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến giá thách cưới. Quy định này bao gồm việc thay đổi quan trọng như nghiêm cấm việc lợi dụng hôn nhân để chiếm đoạt tài sản, làm rõ ranh giới giữa quà tặng đính hôn và tặng thông thường.
Minh Phương (Theo Global Times)