* Ngày của cha (Father's Day) có nguồn gốc từ Mỹ khoảng đầu thế kỷ 20, sau đó nét văn hóa này lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6 được chọn làm Ngày của Cha - dịp tôn vinh tình cảm gia đình. Trên kệ sách trong nước có nhiều cuốn sách khắc họa tình cảm của người cha đầy xúc động.
Tình yêu của bố
Với lời thơ dịu dàng, Tình yêu của bố là cuốn nhật bằng tranh ghi lại những khoảnh khắc quý giá về tình cha con trên hành trình chăm sóc đứa con đầu lòng của một ông bố trẻ: "Con yêu quấy khóc suốt đêm/ Ước gì con được an yên giấc nồng/ Giữa bao thao thức ngóng trông/ Vỗ về con ngủ để lòng bớt lo".
Cuốn sách phản ánh cuộc sống của chính tác giả, là một họa sĩ nên thường làm việc ở nhà và kiêm luôn nhiệm vụ chăm con. Dù gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, từ những lần đưa con đi khám, thức đêm chăm con ốm, tập cho con ăn dặm..., nhưng "phần thưởng" dành cho ông bố trẻ vẫn vô cùng xứng đáng: được nhìn thấy con thêm khôn lớn mỗi ngày.
Trái tim người cha
Sau Đánh thức ban mai, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà tiếp tục theo đuổi đề tài trẻ tự kỷ. Nhân vật chính của tác phẩm lần này là một người cha có con gái mắc bệnh. Ngày nhận tin, anh đã choáng váng, bàng hoàng như thể vừa phải nhận một cú nốc ao. Hàng loạt câu hỏi đến với anh: Có một đứa con tự kỷ là như thế nào? Chối bỏ thực tại, đau đớn khôn nguôi để rồi suýt đánh mất gia đình, người cha đã phải tự vật lộn với cảm xúc của bản thân. Trong đêm bỏ nhà ra đi vì cãi nhau với vợ, anh truy vấn bản thân rằng điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc. Thành công và giàu có mà con gái vĩnh viễn sống trong bóng tối và thế giới khép kín của bệnh tự kỷ hay đương đầu để tìm lại "ánh sáng" cho con.
Tự thú của ông bố tuyệt vời nhất thế giới
Cuốn sách được tác giả viết tặng vợ và con gái Jen và Alice Bee. Trong nhiều năm, nhiếp ảnh gia người Washington D.C, Dave Engledow đã liên tục sáng tạo ra những bức ảnh hài hước với tên gọi World’s Best Father. Sách bày tỏ mong muốn ở mỗi người cha đều khao khát được trở thành người cha tốt nhất trong mắt những đứa con của mình. Mỗi ngày trôi qua đều đầy những thử thách, nhưng cũng mang lại những điều mới mẻ và kỳ diệu trên hành trình của họ. Triết lý cơ bản của tác giả là làm sao để đảm bảo rằng: "Cha đang cùng con tận hưởng thời thơ ấu với nhau một cách trọn vẹn, làm sao để dành nhiều thời gian nhất với con, làm sao để cho con thấy, một cách thường xuyên nhất, rằng con đang được yêu thương rất nhiều”.
Cha cõng con
Tập truyện ngắn Cha cõng con được lấy theo tên bộ phim cùng tên của đạo diễn Lương Đình Dũng. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt về phận người bé mọn nhưng lấp lánh tình yêu thương. Tình yêu của mẹ dành cho đứa con lầm lỗi, tình yêu của cha cho đứa con dại khờ, và tình thương giữa người với người. Truyện của Lương Đình Dũng ngắn nhưng cuốn hút độc giả bởi tình tiết bất ngờ, hoặc cái kết gợi mở suy tư.
Trong 15 truyện ngắn, Cha cõng con là câu chuyện để lại dư âm sâu lắng trong lòng độc giả về tình cha con. Cậu con trai bị mắc bệnh máu trắng. Cậu bé ao ước được một lần đi máy bay để có thể được tận mắt nhìn nơi có "tòa nhà cao tầng lung linh ánh sáng mà khi lên đến đỉnh có thể sờ được vào các đám mây" trong những câu chuyện cha kể con nghe. Người cha làm mọi việc, không quản ngày đêm để có tiền mua vé máy bay cho con, nhưng người ta lại không cho trẻ em đi máy bay một mình. Vào giây phút tưởng như tuyệt vọng vì không biết bao giờ anh mới thực hiện được ước nguyện của con thì may mắn có một người cảm động trước hoàn cảnh của hai cha con giúp đỡ. Một câu chuyện lấp lánh cổ tích, thấm đẫm tình cha con.
Bố con cá gai
Hình ảnh người cha trong tác phẩm được ví như loài cá gai, khi nhỏ cá bố thường chăm bẵm cho cá gai con, cho đến khi cá gai con trưởng thành và rời xa cũng là lúc cá gai bố hoàn thành xong sứ mệnh đời mình. Jeong Ho Yeon, nhân vật người bố từng là một nhà thơ trẻ đầy triển vọng, nhưng đã chấp nhận từ bỏ đam mê. Sau khi vợ bỏ đi, anh dành hết thời gian và tâm sức cho cậu con trai nhỏ khi cậu mắc bệnh ung thư máu. Sau rất nhiều nỗ lực, cậu con trai được cứu sống còn người cha oái oăm thay lại mắc bệnh ung thư gan.
Ra đời năm 2000, câu chuyện cảm động về ông bố cá gai và cậu bé con trở thành một trong những tiểu thuyết về tình cha được người Hàn Quốc yêu thích nhất, được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc.
Người cha im lặng
Tác phẩm của Doan Bui là tự truyện phác họa lại hành trình của một gia đình người Việt sinh sống ở Pháp, sau khi người cha mất đi giọng nói vì một cơn tai biến mạch máu não. Chuyến hành trình này không chỉ giúp những người con lần tìm lại quá khứ của người cha, tìm về nguồn cội cũng như khám phá ra những bí mật "động trời" của gia đình, mà còn hòa giải được những xung đột rất đời thường, những bất đồng ngôn ngữ và văn hóa giữa các thế hệ trong cùng một gia đình người Việt xa xứ.
Người cha im lặng được nhà xuất bản L’Iconoclaste (Pháp) phát hành năm 2016 với nguyên tác tiếng Pháp Le silence de mon père. Thời điểm xuất bản, Doan Bui là phóng viên của tuần báo Pháp nổi tiếng l’Obs.
Bàn tay của bố
Sách là những trải nghiệm ngọt ngào, đầy yêu thương của bố và con gái trong cuộc sống hàng ngày. Người cha hiện lên trong lời kể của cô con gái nhỏ trong những khung hình đẹp, giản dị nhất. Nhà báo Hoài Anh, tác giả cuốn sách tâm sự: "Tình phụ tử - một tình yêu đặc biệt và đầy sức mạnh. Tình yêu đó mang đến những điều kỳ diệu tuyệt vời, bắt đầu từ những điều giản dị, vụng về, bỡ ngỡ nhưng tràn đầy cảm hứng và tình yêu thương được trao từ bàn tay của bố".
Sách có phần tranh minh họa của họa sĩ Đốm Đốm giúp bạn đọc hình dung tình cảm của cha dành cho con đều từ hình ảnh đôi bàn tay của bố: Bàn tay bố bế bổng con lên. Bàn tay bố dắt con đi. Bàn tay bố đánh đàn cho con hát…
Sự nghiệp làm cha
Sự nghiệp làm cha của tác giả Thái Tiểu Vãn là một câu chuyện dạy con cảm động. Những triết lý trong cuốn sách không quá cao sâu diệu vợi mà thiết thực. Mỗi câu chuyện đều tràn đầy tình yêu thương ấm áp và sự hy sinh của người cha trước những bước trưởng thành của các con. Sách chỉ ra tuy giáo dục sớm không thay đổi được bản chất của yếu tố di truyền, nhưng nó có tầm ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành và thành tài của trẻ.
An Sơn