Các tác phẩm được giới thiệu tại sự kiện kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (1957-2022), chiều 17/6 tại Quang Trung, Hà Nội. Truyện sinh hoạt "Con chim vàng" là một trong tám cuốn đầu tiên của NXB, ra đời chỉ hai tháng sau khi đơn vị này thành lập. Đây là truyện ngắn đầu tiên được in thành sách của nhà văn trẻ Nguyễn Quang Sáng khi đó mới tập kết ra Bắc. Truyện hàm chứa chất "lạ" Nam bộ và chất kịch tính thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Quang Sáng về sau. Câu chuyện Bào trèo cây bắt con chim vàng cho Quyên, con trai nhà chủ nơi Bào đi ở đợ, rồi bị ngã đập mặt vào gốc cây gây ấn tượng trong trí nhớ của nhiều trẻ nhỏ thời bấy giờ. Truyện loài vật "Lớp học của anh Bồ câu trắng" của Thy Thy Tống Ngọc xoay quanh thầy giáo bồ câu và học sinh là những vật nuôi thân thuộc như lợn, gà, trâu, bò... Những bài học "i tờ" vui vẻ gợi lại thuở bình dân học vụ, lưu dấu ấn trong ký ức của nhiều thế hệ măng non. Truyện đã được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành tám tập phim hoạt hình từ năm 2005. Nhà văn Thy Thy Tống Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc) là một trong những thành viên sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng. Sinh thời, ông viết trong một cuốn hồi tưởng: "Nâng cuốn sách hồi năm 1957, giấy có kém, màu có nghèo, mỏng mảnh vài ba chục trang, ta vẫn thấy lòng xao xuyến, xúc động, hình dung và cảm thấy được những vất vả, tất bật, chịu đựng để có được các trang in mong ngóng, đón đợi, thời gian phải đong từng bát gạo, góp từng cọng rau cho mâm cơm của con nhà nghèo". Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn làm bìa, vẽ minh họa cho gần 300 cuốn sách Kim Đồng. "Tính ác" nằm trong loạt truyện sinh hoạt viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, được nhà xuất bản phát hành ngay khi mới thành lập. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Hiệp nhận xét Tô Hoài kể chuyện, lý giải sự vật theo cách nghĩ, tư duy và logic của trẻ nhỏ. Vì vậy, ông xây dựng nên thế giới gần gũi với các em. "Trên tinh cầu khác có sinh vật sống không?" do Phạm Sinh dịch từ tác phẩm Trung Quốc cho thấy, sách viết cho thiếu nhi đã bao hàm cả những đề tài khác ngoài văn học. Các cuốn sách thời kỳ đầu của của Kim Đồng chỉ khoảng 50 trang trở lại, in khổ 13 x19 với bìa minh họa đơn giản nhưng sinh động do các họa sĩ Mai Văn Hiến, Sỹ Ngọc, Tạ Thúc Bình, Việt Hải... thực hiện, sử dụng kỹ thật in ấn khắc gỗ. "Cá giấy biết bơi" - sách thuộc thể loại khoa học dành cho thiếu nhi - do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu biên soạn. Nhạc sĩ là một trong 12 thành viên sáng lập nhà xuất bản. Truyện cổ tích "Ông thần núi" cũng nằm trong nhóm tám cuốn sách đầu tiên của Kim Đồng. Tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét Kim Đồng là nhà xuất bản đặc biệt, chuẩn mực trong mọi khâu phát hành. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu với thơ ca, giúp ông phát triển sự nghiệp. "Tôi ấn tượng với cuốn 'Tấm lòng của chúng em' - tập thơ của các em thiếu nhi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964. Khi đọc xong, tôi nghĩ các bạn làm thơ được thì mình cũng làm được. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu sáng tác. Tôi nghĩ từ các tác phẩm của Kim Đồng, sẽ đánh thức tài năng nhiều em bé khác, có thể tài hơn Trần Đăng Khoa nhiều, mà đang ở một góc rừng, làng quê nào đó", ông nói. "Truyện một cái thuyền đất" của Nguyễn Tuân xoay quanh đời sống, chuyện tình yêu ở làng gốm Bát Tràng. Cô Sao - thợ vẽ hoa trên bát đĩa - phải lòng anh Tạ - người lái thuyền chở đất bán cho dân làng làm nghề. Cụ Một là thợ lành nghề, sống nhân hậu và hay giúp đỡ người khác. Tình yêu lao động, quê hương được tác giả lồng ghép trong từng cái bát, đĩa... Năm 2017, tác phẩm được chọn in lại trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà xuất bản. "Nàng Bạch Tuyết" là một trong số tác phẩm nước ngoài đầu tiên được nhà xuất bản mua bản quyền và phát hành. Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết xinh đẹp và bảy chú lùn cùng âm mưu của mụ phù thủy... được mọi thế hệ thiếu nhi yêu mến. Truyện khoa học "Lai-ka du lịch trên trời xanh" của Phạm Ngọc Toản xoay quanh Laika - con chó đầu tiên bay vào vũ trụ và thiệt mạng. Laika sống lang thang trên đường phố Moskva, sau đó được các nhà khoa học nhận về nuôi. Ngày 3/11/1957, chú chó lên tàu Sputnik 2 bay vào không gian và hy sinh. Nga đã dựng tượng Laika ở thủ đô Moskva, và nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Truyện "Anh chàng hiệp sĩ gỗ" của Kim Lân xoay quanh chú rối với mơ ước trở thành người thật để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Mụ phù thủy hứa giúp anh, với điều kiện phải giết hại người lương thiện song anh từ chối. Hình ảnh bến sông quê, rạp múa rối rong, những tiếng rao... được lồng ghép trong từng câu từ. Sinh thời, nhà văn Kim Lân từng nói đây là truyện ông yêu thích và thấy có ý nghĩa với thiếu nhi nhất trong số các tác phẩm của mình. Năm 2017, dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, nhà xuất bản đã in lại cuốn sách này. "Con mèo lười" là số ít tác phẩm kịch của Tô Hoài. Sinh thời, nhà văn cho biết kịch chịu ảnh hưởng nhiều bởi "Con chim xanh" - tác phẩm của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Bỉ Maurice Maeterlinck. Hiểu NhânLoạt sách cho thiếu nhi dịp hè Những cuốn truyện tranh nổi bật dành cho thiếu nhi