Thứ bảy, 30/11/2024
Thứ tư, 9/7/2014, 16:01 (GMT+7)

Những cuộc 'thảm sát' ở World Cup

Trước khi Đức đè bẹp Brazil với tỷ số 7-1 ở bán kết hôm qua 8/7, World Cup từng nhiều lần chứng kiến những trận đấu có cách biệt lớn đến khó tin.

Thụy Điển 8-0 Cuba (1938)

Thụy Điển lẽ ra phải khởi đầu World Cup 1938 bằng trận đấu với Áo, nhưng Áo khi đó bị tước quyền tham dự giải vì Hitler. Thụy Điển nhờ đó giành vé vào thẳng vòng tứ kết gặp Cuba. Tore Keller và Gustav Wetterström cùng ghi được ba bàn trong chiến thắng áp đảo này. Kể từ đó Cuba chưa khi nào giành được quyền trở lại sân chơi World Cup.

Uruguay 8-0 Bolivia (1950)

Bolivia tới World Cup 1950 với hy vọng cải thiện được thành tích tồi tệ trong lần đầu tham dự giải vô địch thế giới năm 1930 - khi họ thua cả hai trận với tỷ số 0-4. Nhưng lần này họ thậm chí còn phải chịu thất bại thảm hại hơn nhiều. Trận thua trắng tám bàn hồi đó của Bolivia trước Uruguay không phải là một bất ngờ lớn, bởi chỉ một năm trước đó họ cũng đã thua 1-10 trước chủ nhà Brazil.

Hungary 9-0 Hàn Quốc (1954)

World Cup 1954 ở Thụy Sĩ chứng kiến sự bùng nổ bàn thắng. Lưới các đội đã rung lên tới 140 lần chỉ trong có 26 trận, trung bình khoảng 5.4 bàn mỗi trận. Đây mới là kỳ World Cup đầu tiên Hàn Quốc giành quyền tham gia. Và họ đã thua tan tác khi đụng phải ứng cử viên sáng giá hồi đó là Hungary của huyền thoại Ferenc Puskás. Các cầu thủ Hungary đã thi đấu nhanh như điện, áp đảo đối phương bằng thắng lợi 9-0 - cách biệt tới giờ vẫn là kỷ lục của World Cup. Giải năm đó Hungary là á quân, còn Tây Đức vô địch.

Thổ Nhĩ Kỳ 7-0 Hàn Quốc (1954)

Sau trận thua tơi bời trước ứng viên vô địch Hungary, Hàn Quốc bước vào trận thứ hai với hy vọng vớt vát chút danh dự. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiễn Hàn Quốc về nước cùng thành tích tệ hại: đấu hai trận, thua cả hai, hiệu số bàn thắng thua là 0-16.

Uruguay 7-0 Scotland (1954)

World Cup 1954 chào đón tân binh Scotland. Nhưng để tiết kiệm chi phí, Liên đoàn bóng đá nước này chỉ cử đội tuyển gồm 13 cầu thủ tới dự giải đấu ở Thụy Sĩ. Và không có gì bất ngờ khi đương kim vô địch Uruguay khiến Scotland phải hứng chịu trận thua đáng quên ngay lần đầu góp mặt tại World Cup bằng tỷ số 7-0.

Nam Tư 9-0 Zaire (1974)

Zaire trở thành đội bóng da màu đầu tiên của châu Phi góp mặt tại World Cup. Họ khởi đầu giải không tệ, khi chỉ thua Scotland 0-2. Nhưng sau đó Zaire đã phải đón nhận thảm bại 0-9 trước Nam Tư.

Ba Lan 7-0 Haiti (1974)

Haiti đã gây bất ngờ cho làng bóng đá thế giới ngay trong trận đầu dự World Cup, khi Emmanuel Sanon ghi bàn vào lưới Italy và khép lại kỷ lục giữ sạch lưới của huyền thoại Dino Zoff trong màu áo tuyển quốc gia ở mức thời gian 1.142 phút. Sau trận thua chấp nhận được với tỷ số 1-3 trước Italy, Haiti đối mặt với thách thức có vẻ dễ chịu hơn. Nhưng Ba Lan đã nhanh chóng ghi tới 5 bàn thắng chỉ trong vòng 17 phút của hiệp một, trước khi ấn định kết quả 7-0 trước Haiti.

Hungary 10-1 El Salvador (1982)

El Salvador trước đó từng dự World Cup 1970 nhưng không ghi được bàn nào. Họ quyết tâm cải thiện khâu ghi bàn ở kỳ World Cup 1982, và họ đã làm được ngay ở trận mở màn gặp Hungary. Nhưng rồi họ vẫn không thể tránh được thất bại kỷ lục ở World Cup. Tới giờ Luis Ramírez Zapata, người ghi bàn trận đó, vẫn là cầu thủ El Salvador duy nhất ghi được bàn thắng tại đấu trường World Cup.

Đức 8-0 Ảrập Xêut (2002)

Tuyển Đức đã giành được chiến thắng đậm nhất tại một kỳ World Cup, trong đó có cú hat-trick của Miroslav Klose - tiền đạo nay đã trở thành người ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử World Cup, với 16 lần lập công. Tiền vệ Michael Ballack (ảnh) ghi bàn thắng thứ ba cho Đức trong hiệp một sau pha độc diễn mà không có cầu thủ Saudi nào kịp đưa chân cản phá.

Bồ Đào Nha 7-0 Bắc Triều Tiên (2010)

Cố lãnh đạo Kim Jong-il hồi đó chỉ cho phép người dân Bắc Triều Tiên được xem lại các trận đấu của đội tuyển quốc gia tại World Cup nếu các cầu thủ chơi tốt. Vì thế người hâm mộ nước này có lẽ đã không được biết rõ các bàn thua của đội tuyển trước đội bóng châu Âu diễn ra như thế nào. Hiệp một trận đó Bắc Triều Tiên đã phòng ngự tốt, và chỉ có Raul Meireles ghi được một bàn. Nhưng diễn biến hiệp hai thay đổi hoàn toàn, khi Bồ Đào Nha trút cơn mưa bàn thắng. Ngay cả Cristiano Ronaldo hồi đó cũng lập công để chấm dứt hai năm không có bàn thắng nào trong sắc áo tuyển quốc gia.

Nguyễn Phát