Bernard Arnault, 70 tuổi, hiện là một trong ba người giàu nhất thế giới có số tài sản trên 100 tỷ USD, cùng với Jeff Bezos và Bill Gates. Trong năm nay, ông đã vượt qua Bill Gates trên bảng xếp hạng tỷ phú và trở thành người giàu thứ hai hành tinh.
Hiện nay, Arnault kiểm soát khoảng một nửa số cổ phần tại Tập đoàn LVMH thông qua công ty gia đình và nắm 97% cổ phần tại Christian Dior. LVMH đứng sau hơn 70 thương hiệu xa xỉ nổi tiếng trong các lĩnh vực thời trang, nước hoa, đồng hồ, rượu... như Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Bulgari, Dom Perignon và Givenchy...
Giá cổ phiếu LVMH tăng gần gấp ba chỉ trong chưa đến 4 năm. Theo đó, khối tài sản của Arnault có giá trị hơn 100 tỷ USD ở hiện tại, cao hơn khoảng 70 tỷ USD so với những gì ông sở hữu năm 2016.
Để trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất hành tinh với khối tài sản trăm tỷ USD ở tuổi 70, cuộc đời của Arnault được ví như những cuộc đi săn. Một nhân viên ngân hàng có liên quan tới thương vụ mua bán của LVMH nói: "Arnault là một kẻ săn mồi, không phải là một người kiến tạo".
"Tình yêu đầu tiên của tôi là âm nhạc chứ không phải là kinh doanh", Bernard Arnault nói về con đường sự nghiệp của mình như thế.
Tuy nhiên, chàng thanh niên Arnault đã không đủ tài năng để thực hiện giấc mơ trở thành nghệ sĩ piano. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp một trường kỹ sư ở Pháp vào năm 1971, Arnault làm việc cho công ty xây dựng của cha, vốn được thành lập từ đời ông nội.
Sau đó, một cuộc nói chuyện với tài xế New York, Mỹ đã gieo hạt mầm Arnault đi theo con đường khác. Arnault hỏi người tài xế có biết tổng thống Pháp Georges Pompidou không và nhận được câu trả lời : "Tôi không biết ông ta. À, nhưng tôi biết Christian Dior".
25 tuổi, Arnault điều hành công ty xây dựng gia đình. Sau khi nhà hoạt động xã hội Francois Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp vào 1981, Arnault chuyển tới Mỹ và cố gắng mở một đơn vị ở đây. Tuy nhiên, tham vọng của anh lớn hơn vậy. Arnault muốn điều hành một doanh nghiệp có thể tăng trưởng quy mô, một doanh nghiệp gốc rễ ở Pháp và hiện diện trên toàn cầu.
Năm 1984, Arnault đã chớp lấy cơ hội ngay khi nghe tin Christian Dior được rao bán. Boussac, công ty mẹ của Dior phá sản và chính phủ Pháp đang tìm kiếm người mua lại công ty. Arnault bỏ ra 15 triệu USD từ nguồn tiền gia đình và công ty tài chính Lazard chi phần còn lại trong khoản đầu tư 80 triệu USD để thực hiện thương vụ. Tại thời điểm đó, theo các báo cáo ghi lại, ông đã cam kết khôi phục hoạt động và đảm bảo việc làm cho nhân viên. Nhưng không, Arnault đã sa thải 9.000 nhân viên và bỏ túi 500 triệu USD, bán lại phần lớn hoạt động kinh doanh. Các nhà phê bình chỉ trích sự trơ trẽn của ông và nói rằng, Arnault giống một tay người Mỹ hơn là người Pháp dịu dàng. Truyền thông sau đó nhắc đến Arnault như một "con sói đội lốt cừu".
Mục tiêu tiếp theo của Arnault là mảng nước hoa Dior, được bán cho Louis Vuitton Moet Hennessy. Cuộc nội chiến giữa các thương hiệu cùng công ty đã mang lại cơ hội cho ông.
Đầu tiên, Arnault kết thân với ông chủ của Vuitton và giúp người này hất cẳng thủ lĩnh của Moet khỏi công ty. Đến năm 1990, một lần nữa được hậu thuẫn của Lazard và dùng số tiền kiếm được từ thương vụ Boussac, Arnault nắm quyền kiểm soát công ty, gồm hãng sản xuất rượu sâm panh nổi tiếng của Pháp là Moet & Chandon và nhà sản xuất rượu cognac Hennessy.
Sau khi chinh phục Louis Vuitton Moet Hennessy, Arnault chi hàng tỷ USD mua lại các công ty hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực thời trang, nước hoa, mỹ phẩm và đồng hồ, rượu vang và rượu mạnh. Kể từ năm 2008, LVMH đã mua 20 công ty, sở hữu tổng cộng 79 thương hiệu. Năm 2011, LVMH chi gần 5 tỷ USD mua phần lớn cổ phần của công ty trang sức Bulgari của Italy. Hai năm sau, tập đoàn này mua lại nhà cung cấp len mịn Loro Piana với giá 2,6 tỷ USD. Tiếp đó vào tháng 4/2019, LVMH chi 3,2 tỷ USD mua lại Tập đoàn khách sạn Belmond có trụ sở tại London, sở hữu các khách sạn Cipriani ở Venice, Italy và ba nhà nghỉ xa xỉ ở Botswana.
Vào cuối tháng 10 năm nay, LVMH muốn chi 14,5 tỷ USD mua lại công ty trang sức Tiffany 182 năm tuổi của Mỹ. Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất của Arnault từ trước đến nay.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Arnault cũng giành phần thắng trong các cuộc chinh phục. Năm 2011, ông đã thua Francois Pinault trong cuộc chiến để nắm quyền kiểm soát hãng Gucci. Trong thập kỷ tiếp theo, LVMH dùng kỹ thuật thường thấy của các quỹ phòng hộ, bí mật nắm 17% cổ phần Hermes, hãng sản xuất khăn lụa 182 năm tuổi. Tuy nhiên, Hermes đã chiến đấu với Arnault trong suốt một thời gian dài và tới năm 2017, LVMH mới chịu từ bỏ việc sở hữu cổ phần của Hermes.
Hiện tại, ở tuổi 70, nhà tài phiệt Arnault sở hữu đế chế kinh doanh với 79 thương hiệu xa xỉ. 4 trong 5 người con của ông cũng đang góp sức cho đế chế gia đình hùng mạnh này.
Ông tin rằng sự liên kết và kiểm soát chặt chẽ của gia đình sẽ đưa LVMH phát triển trong nhiều năm nữa. Ông đề cao sự kiểm soát của gia đình với đế chế kinh doanh. "Tôi không so sánh được với Microsoft. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu... Microsoft là một công ty tuyệt vời, nhưng Bill Gates chỉ nắm ít cổ phần. Về lâu dài, ông ấy sẽ không còn ở đó nữa", ông cho hay.
Thực tế, giá trị thị trường của LVMH cỡ khoảng 214 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với gã khổng lồ Microsoft có giá trị 1.000 tỷ USD.
"Nghe có vẻ tự phụ nhưng tôi nghĩ LVMH là một tượng đài của Pháp. Nó đại diện cho sự hiện diện của nước Pháp khắp mọi nơi trên thế giới. Mọi người biết về cái tên của Louis Vuitton, Christian Dior, Dom Perignon, Cheval Blanc hơn bất cứ thứ gì. Họ biết Napoleon, tướng Gaulee, nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là LVMH sẽ tồn tại lâu dài và được kiểm soát bởi một gia đình người Pháp", Bernard Arnault nói.
Steve Jobs từng nói, 50 năm tới không biết có ai dùng iPhone không, nhưng mọi người sẽ vẫn uống rượu vang Dom Perignon của nhà tài phiệt người Pháp Bernard Arnault.
Quỳnh Trang (Theo Forbes)