Họ gặp nhau ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, nơi được gọi là "siêu thị của thế giới". Chồng Shi là người Ai Cập, một trong hàng nghìn doanh nhân từ Trung Đông đến thành phố này buôn bán hàng giá rẻ.
Sau lần gặp tình cờ ở nhà hàng nơi Shi làm phục vụ, họ yêu nhau, kết hôn và cùng xây dựng một doanh nghiệp. Tất cả chỉ diễn ra trong vài tháng.
Họ chia vai trò rõ ràng, Shi chịu trách nhiệm tìm nguồn hàng từ các nhà máy Trung Quốc, còn chồng kiếm khách hàng và mở rộng mạng lưới ở nước ngoài.
Mùa đông, khi chồng nói về Ai Cập thăm quê, Shi không nghi ngờ gì. Cô ở lại Nghĩa Ô để quản lý công ty và chăm sóc con trai.
Chỉ sau khi anh đi, Shi mới phát hiện gia đình đang gánh khoản nợ gần một triệu nhân dân tệ. Cô cố liên lạc với chồng nhưng vô ích. Không còn lựa chọn, cô lặng lẽ rời bỏ văn phòng và căn nhà thuê, đưa con trai bốn tuổi về quê ở Giang Tây.
Tuy nhiên, các chủ nợ nhanh chóng tìm ra cô. Một ngày, bốn nhà cung cấp đến tận nhà nhốt Shi bên trong để ép cô trả nợ. Họ chỉ buông tha khi cô dọa tự tử và cuối cùng đồng ý cho cô trả góp dần.
Shi đành gửi con cho ông bà, quay lại Nghĩa Ô một mình để làm việc trả nợ.
Dù không được xếp hạng cao như Bắc Kinh, Thâm Quyến hay Thượng Hải, Nghĩa Ô vẫn đón tiếp gần nửa triệu nhà buôn nước ngoài mỗi năm.
Theo thống kê năm 2024, Nghĩa Ô có khoảng 15.000 người nước ngoài, chủ yếu là đàn ông từ Trung Đông và châu Phi đến định cư, lập công ty, thuê nhân viên và lập gia đình với người bản xứ.
Những cuộc hôn nhân thương mại như Shi ngày càng nhiều. Thuật ngữ này do nhà nhân học James Farrer đề cập trong một nghiên cứu vào năm 2008, dùng để chỉ mối quan hệ kết hợp giữa tình cảm và kinh doanh, nơi vợ và chồng có sự phân chia vai trò rõ ràng.
Một cuộc khảo sát ở Nghĩa Ô với hơn 100 cặp vợ chồng khác quốc tịch cho thấy điểm chung, họ thường bắt đầu từ tình yêu công sở. Các doanh nhân nước ngoài thường khởi nghiệp với văn phòng nhỏ và thuê vài nhân viên, chủ yếu là phụ nữ di cư từ các tỉnh nghèo ở Trung Quốc.
Công việc của họ không chỉ giới hạn trong văn phòng là quản lý sổ sách, họ còn chạy việc vặt, thậm chí đi chợ cho sếp. Ranh giới mờ nhạt này thường dẫn đến những mối quan hệ thân thiết, dần phát triển thành hôn nhân.
Ở địa phương, phụ nữ lấy chồng nước ngoài thường bị xem là đào mỏ. Trước khi kết hôn, họ làm việc trong công ty chồng hoặc ngành dịch vụ.
Nếu không lấy chồng ngoại, họ sẽ kết hôn với lao động cùng quê và tiếp tục làm công nhân. Quyết định cưới chồng ngoại và tham gia kinh doanh khiến họ dễ bị dán nhãn là lợi dụng nhan sắc để làm vợ sếp.
Ở Nghĩa Ô, những người vợ Trung Quốc thường phụ trách chuỗi cung ứng trong nước, còn chồng họ tập trung phát triển thị trường quốc tế. Sự hiện diện của một đối tác kinh doanh là người Trung Quốc, dù là vợ hay không, vẫn là một lợi thế lớn.
Li, vợ của Mohammad, một thương nhân Palestine, đang xử lý tranh chấp với nhà cung cấp về lô hàng hơn 200.000 nhân dân tệ bị giao sai màu. Nhân viên không phát hiện lỗi trước khi gửi sang Saudi Arabia, khiến hai vợ chồng phải xoay xở. Cuối cùng, họ thỏa thuận giảm giá 50% cho người mua còn nhà cung cấp chịu 60% tổn thất.
Những công ty gia đình như của họ rất phổ biến ở Nghĩa Ô.
Để tiết kiệm chi phí, họ tự làm mọi việc từ kế toán, biên dịch đến việc vặt trong khi vẫn chăm lo gia đình. Khi Mohammad mới đến Trung Quốc hơn hai thập kỷ trước, công ty chỉ là một văn phòng nhỏ.
Nhờ nỗ lực chung, họ mở rộng thành công ty tầm trung với hơn 30 nhân viên, phục vụ khách hàng khắp Trung Đông, châu Phi và Nga.
Tuy nhiên, cuộc sống của Li luôn bận rộn như một con quay không ngừng xoay. Cô hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Mỗi sáng, cô lo cho ba đứa con, đưa chúng đến trường rồi lao ngay vào công việc. Cô liên tục xoay vòng với hàng loạt câu hỏi đơn hàng, thanh toán.
Khi người vợ Trung Quốc trở thành người bảo lãnh lý tưởng, họ giúp công việc kinh doanh thuận lợi nhưng cũng gánh áp lực lớn. Nếu doanh nghiệp thất bại hoặc chồng bỏ trốn, vợ là người gánh nợ và nguy cơ mất nhà cửa, gia đình.
Tình trạng này càng tệ hơn khi nhiều phụ nữ Trung Quốc chưa từng về thăm quê chồng hay có quan hệ thân thiết với gia đình chồng. Chiến tranh và sự bất ổn chính trị, kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi khiến họ e ngại.
Một trường hợp điển hình là Hua. Chồng cô, người Iraq, mất tích sau khi về quê dịp Tết Nguyên đán. Ba năm sau, anh đột ngột trở lại, nói rằng mình vừa ra tù vì tội hành hung.
Còn Shi, khi bị chồng bỏ rơi, cô được cộng đồng quyên góp 42.000 USD để trả nợ. Cô vay thêm từ gia đình và bán trang sức ở chợ đêm để kiếm tiền trả nợ.
Một năm sau, chồng cô gọi về từ Ai Cập, nói rằng một khách hàng phá sản nên anh trở về đó để thu hồi nợ và tìm người mua mới. Khi Shi hỏi vì sao không liên lạc với cô và con trai, anh chỉ nói anh sợ phải đối mặt với họ.
Shi trả hết nợ mà không cần sự giúp đỡ của chồng. Sau này, khi nghe tin anh trở lại Nghĩa Ô, cô quyết định không gặp lại, khép lại cuộc hôn nhân đã tan vỡ.
Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone)