Hơn hai giờ sáng 17/3/2012, anh Lý, bảo vệ một công ty tại Thâm Quyến, Trung Quốc, đang trực bỗng nghe thấy tiếng báo động của xe ôtô. Lý cầm đèn pin ra xem xét, thấy tiếng báo động phát ra từ chiếc Chevrolet đang nháy đèn không ngừng. Lý cẩn thận xem xét xung quanh nhưng không thấy có gì khả nghi nên lại quay về trực. Đến lúc trời sáng, Lý đến chỗ chiếc xe kiểm tra lại một lần nữa, phát hiện trên cửa trước bên trái xe có một lỗ thủng hình ô van giống như vết đạn.
Đây là xe của chủ tịch hội đồng quản trị công ty, họ Trần. Trong khoang lái của chiếc xe, cảnh sát tìm thấy một đầu đạn đã biến dạng sau khi xuyên qua cửa xe, được xác định là đầu đạn súng ngắn K59. Nổ súng tại khu vực đông người là một sự kiện rất nghiêm trọng tại Trung Quốc, ban chuyên án 317 lập tức được thành lập.
Làm việc với cảnh sát, ông Trần cho biết thời gian gần đây thường xuyên nhận được điện thoại và tin nhắn đe dọa tống tiền. Ngày 1/3, ông nhận được tin nhắn từ một người tự xưng là "lão Ưng đông bắc", yêu cầu giao 880.000 nhân dân tệ nếu không sẽ có tai họa xảy ra. Sau đó ông còn nhận được nhiều tin nhắn và cuộc gọi từ một người nói giọng vùng đông bắc với nội dung tương tự nhưng không quan tâm vì cho rằng chỉ là trò lừa đảo.
Theo CCTV, ngay khi ban chuyên án vừa được thành lập, hai giờ chiều cùng ngày ông Trần lại nhận được tin nhắn từ "lão Ưng" với nội dung đêm qua người trong băng đảng của hắn đã nổ súng cảnh cáo, nếu còn không chịu trả tiền thì lần sau sẽ không bắn xe mà bắn người. Đến lúc này ông Trần mới thấy sợ hãi.
Cảnh sát nhận định kẻ tống tiền là người quen vì biết rõ số điện thoại và vị trí để xe của ông Trần. Ông Trần không có mâu thuẫn về kinh tế hay tình cảm với ai, ngoài một người tên là Hùng Giai.
Giai là trưởng phòng cũ của công ty, thời gian trước vừa bị đuổi việc vì vi phạm quy định. Có thể Giai vẫn hận ông Trần nên tống tiền để trả thù. Việc điều tra cho thấy Giai đến Quảng Châu làm việc từ khi bị đuổi việc, nhưng lại xuất hiện tại Thâm Quyến từ ngày 16 đến 17/3. Cảnh sát tưởng như đã có thể xác định được nghi phạm, nhưng kết quả điều tra tiếp theo lại cho thấy Giai đến Thâm Quyến vì công việc của công ty, camera tại khách sạn cũng ghi nhận đêm 16/3 Giai không rời khỏi đây.
Ban chuyên án xác định, các cuộc gọi và tin nhắn tống tiền đến từ bảy số điện thoại di động khác nhau. Theo thông tin từ nhà mạng, toàn bộ bảy số này đều là loại SIM trôi nổi không có thông tin gì, cũng không hề có liên lạc với thuê bao nào khác ngoài số của ông Trần. Theo nguyên tắc, khi thực hiện bất cứ cuộc gọi nào, tổng đài đều ghi lại số IMEI, số gọi, số được gọi và các thông tin khác. Từ số IMEI, cảnh sát phát hiện sáu trong bảy số điện thoại đó được sử dụng bởi cùng một chiếc điện thoại phổ thông hoàn toàn mới. Nhưng số thứ bảy lại được sử dụng trên một chiếc điện thoại đen trắng khác hiệu Nokia. Chiếc điện thoại này lại từng lắp một SIM khác có thông tin chủ thuê bao là Tiết Kim, người ở Thâm Quyến.
Cảnh sát nhanh chóng tìm được Tiết Kim nhưng Kim lại dùng một chiếc điện thoại Samsung. Khi được hỏi Kim mới nhớ ra thời gian trước mình có mang điện thoại đi sửa, trong hai ngày chờ sửa xong, cửa hàng điện thoại đưa cho Kim một chiếc Nokia để dùng tạm. Tìm đến cửa hàng điện thoại này, cảnh sát được biết chiếc Nokia đó đã được bán cho một người nói giọng đông bắc. Từ thời gian của các cuộc gọi, rất có thể người mua điện thoại chính là "lão Ưng".
Gần một tháng trôi qua, việc điều tra không có tiến triển gì mới, kẻ tống tiền vẫn không ngừng đe dọa. Ông Trần cực kì hoảng loạn, lại không dám tắt máy vì có thể sẽ khiến kẻ tống tiền nổi giận. Sau khi sơ tán hết vợ con về quê, ngày 9/4 ông cũng bay về quê ở Hồ Nam để tránh nạn. Máy bay hạ cánh lúc 11h, chỉ đến hơn 13h ông Trần đã nhận được điện thoại của kẻ tống tiền. Kẻ này nói ông sẽ không thể nào chạy thoát khỏi tai mắt của hắn. Để chứng minh điều này, hắn gọi cho ông Trần từ một số điện thoại cố định ở Hồ Nam, như vậy là ông Trần đã bị hắn theo sát như hình với bóng.
Ban chuyên án lập tức cử một tổ công tác đến tỉnh Hồ Nam. Tổ công tác nhanh chóng tìm được chủ của số điện thoại cố định, đó là một cửa hàng tạp hóa có dịch vụ điện thoại. Chủ cửa hàng cho biết khoảng 13h15 hôm đó có một khách hàng nói giọng đông bắc đến gọi hai cuộc điện thoại, cửa hàng lại mới lắp camera nên có cả hình ảnh. Cảnh sát trích xuất camera, thấy người gọi là gã đàn ông tóc húi cua. Thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc gọi trùng với thời gian cuộc gọi ông Trần nhận được. Còn cuộc gọi thứ hai là gọi đến một số điện thoại của một cô gái họ Trương ở Thâm Quyến.
Một tổ công tác khác lập tức đến nhà Trương. Trương cho biết người gọi là bạn trai mình, họ Triệu. Ngày 18/4, Triệu bị bắt. Hắn nói mình vừa mới ra tù gần một năm, được một người quen là Vương Đông Phong thuê đe dọa ông Trần để tống tiền. Khi được biết tin này, ông Trần lập tức khẳng định Phong không thể là kẻ chủ mưu vì đó chính là người thân nhất của mình.
Năm 2005, Phong vào công ty làm lái xe cho ông Trần. Do đồng lương lái xe rất thấp, ông Trần cho Phong vay tiền mở xưởng sản xuất nước tinh khiết, toàn bộ nước uống trong công ty của ông đều nhập từ xưởng của Phong. Năm 2008, ông Trần cho Phong sang làm mảng thị trường, hai năm sau lên chức phó phòng. Chiếc ôtô của ông cũng được thanh lí cho Phong với giá vừa bán vừa cho.
Dù là ông chủ với nhân viên nhưng hai người còn thân thiết hơn cả anh em ruột. Ông ước chừng thu nhập của Phong hàng năm vào khoảng 200.000 nhân dân tệ, không có lý do gì phải tống tiền ông. Tuy nhiên, Phong đã nhanh chóng nhận tội.
Theo lời khai của Phong, vài tháng trước hắn đi đang công tác thì bị hỏng xe. Hắn bỏ tiền túi ra sửa, sau đó về yêu cầu tài vụ thanh toán nhưng tài bị từ chối vì đó là xe riêng của hắn (chính là chiếc xe mua thanh lý). Hắn quay sang hận công ty, thuê người tống tiền ông Trần để trả thù.
Khang Diệp