Sau khoảng một tiếng, bà chủ quán cà phê hơn 20 năm trên con phố ven Hồ Tây, lại xếp bàn ghế ra vỉa hè, tiếp tục bán hàng như bình thường.
Chị Hân Lê, 45 tuổi, nói đã quá quen với các chiến dịch dẹp vỉa hè như thế này. "Năm nào chẳng có một, hai đợt cao điểm. Ngắn thì vài tuần, dài vài tháng nhưng đâu lại vào đấy", chị kể.
Nhưng chị không dám coi thường các đợt lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè bởi đã nhiều lần bị phạt, tịch thu bàn ghế, biển hiệu. Để đối phó, các cửa hàng cử người cảnh giới ở đầu phố, thấy xe tuần tra là báo động để người bán "chạy đồ".
Chục năm trở lại đây, nhiều cửa hàng rỉ tai nhau cách đóng phí ngầm thuê vỉa hè để buôn bán thuận lợi hơn. Tùy quy mô, số lượng khách, hàng tháng mỗi quán sẽ nộp từ 300.000 đồng cho đến vài triệu đồng. Khi có đoàn kiểm tra, họ được nhắc trước để dọn dẹp, tránh bị thu giữ.
So với các đợt dẹp vỉa hè trước, chị nói lần này có phần quyết liệt hơn. Thay vì đi giám sát ngày một lần, nay tăng lên ba lần, vào các khung giờ đông khách nhất. Hàng quán chỉ dám bày bán trên vỉa hè lúc không có đoàn kiểm tra. Riêng nhóm bán hàng rong phải tạm nghỉ hoặc di tản sang địa bàn khác.
Nhiều năm bán trà đá trên phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm, bà Thanh An, hơn 70 tuổi, tự hào mình "nhanh như du kích". Mỗi lần thấy đội trật tự đi dẹp vỉa hè, bà vội xếp gọn cốc chén, ghế nhựa và chạy vào nhà dân để trốn.
Theo bà, ngồi trà đá vỉa hè, mua hàng rong là thói quen gắn liền với đời sống của người dân thủ đô, rất khó bỏ. "Tôi không bán sẽ có người khác bán. Thay vì đuổi bắt sao cơ quan chức năng không tìm cách để chúng tôi vẫn được kinh doanh mà không vi phạm", bà An nói.
Các đợt giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội không còn xa lạ với người dân. Ví dụ, năm 2014 - 2015 được Hà Nội lựa chọn là "Năm trật tự văn minh đô thị" trong đó đảm bảo đường thông, hè thoáng là một nhiệm vụ trọng tâm.
Giai đoạn năm 2016 - 2017, thủ đô quyết liệt áp dụng nhiều giải pháp mạnh để lập lại trật tự vỉa hè như đưa máy xúc đập bậc tam cấp ở những nhà mặt đường vi phạm; cưỡng chế dọn dẹp, tịch thu, xử phạt những biển quảng cáo, hàng quán chiếm vỉa hè. Thậm chí, một số phường lập chốt canh để chống tái lấn chiếm.
Nhưng tất cả các đợt này chỉ có kết quả vài tháng. Khi những đoàn kiểm tra rút quân, vỉa hè lại trở về tình trạng bị lấn chiếm như cũ.
Lý giải về thực tế nhiều chiến dịch dẹp loạn vỉa hè sớm về con số 0, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cho rằng các đô thị nhanh thất bại bởi nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè lớn, tiền chảy vào túi các tổ chức, cá nhân riêng lẻ. Đặc biệt, các đợt kiểm tra, giám sát chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". "Đuổi chỗ này thì họ sang chỗ khác bán. Không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm bán hàng, người đi bộ, mà còn khiến cơ quan chức năng tốn nhiều công sức", ông Thủy nhận định.
Một lãnh đạo phường (đề nghị không nêu tên) ở Hà Nội thừa nhận việc bố trí các xe tuần tra dẹp vỉa hè như "ném đá ao bèo". Các đội kiểm tra, giám sát không thể túc trực 24/24 do nhân lực mỏng, địa bàn rộng, tình trạng người dân lén buôn bán vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, mua bán hàng hóa ngoài đường, chợ cóc đã trở thành nét văn hóa của người dân, khi còn người mua hàng ắt có người bán. Không ít lần cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ bị người dân chống đối, tỏ thái độ vì "không hiểu lòng dân".
"Ra sức đi đuổi, xử phạt cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thay vì dẹp bỏ, tôi cho rằng cần có các phương án giải quyết như lập chợ, cho thuê mặt bằng hoặc tìm ra phương án hỗ trợ nhóm người đang sống dựa vào vỉa hè", lãnh đạo phường nói.
Do quán cà phê là nguồn sống duy nhất cho 4 nhân khẩu trong gia đình, chị Hân nói sẵn sàng trả phí để sử dụng vỉa hè đàng hoàng thay vì kinh doanh "chui". Còn như hiện tại, người phụ nữ 45 tuổi vẫn nộp tiền hàng tháng, nhưng mỗi đợt kiểm tra lại phải ngưng hoạt động. Như riêng tháng 2 năm nay, doanh thu từ cửa hàng chị giảm 1/3. "Đằng nào cũng mất tiền thuê, tôi muốn sử dụng đàng hoàng thay vì sống trong thấp thỏm", chị nói.
Không kinh doanh trên vỉa hè, nhưng anh Quốc Tuấn, 40 tuổi, chủ cửa hàng bán điện thoại trên quận Hoàn Kiếm, mong được sử dụng khu vực trước cửa làm chỗ đỗ xe. "Cửa hàng tôi đông khách, giờ cấm đỗ xe trên vỉa hè nhưng lại không thiết lập các điểm trông giữ gần khiến nhiều người mua thấy phiền mà bỏ đi, gây thiệt hại kinh doanh", anh Tuấn bày tỏ.
Mong muốn của những người kinh doanh như chị Hân, anh Tuấn đã được cơ quan quản lý nhìn ra. Dự thảo đề án mà Sở GTVT trình UBND TP HCM đề xuất thu phí vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo hồi tháng 2/2023.
Nhưng chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy khẳng định vỉa hè theo Luật đường bộ Việt Nam là dành cho giao thông, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ ai, do vậy "vỉa hè phải dành cho người đi bộ, chứ không phải là nơi kinh doanh, buôn bán hay để phương tiện". Gần 3.000 độc giả (chiếm 55%) trả lời khảo sát "Bạn có đồng tình thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường?" của VnExpress hôm 7/2, có ý kiến giống ông Thủy.
Trước tranh cãi trả vỉa hè cho người đi bộ hay cho thu phí, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng - Trường Đại học Việt Nhật, cho rằng giải quyết vấn nạn xâm lấn vỉa hè cần dựa vào tình hình thực tế, thay vì áp dụng các biện pháp cứng nhắc, cực đoan.
"Hàng chục năm nay chúng ta không làm chặt tay, kiên quyết xử lý vấn nạn xâm lấn, giờ đột ngột đòi dẹp bỏ là không khả thi, lại khiến các hộ sống bám vào vỉa hè gặp khó", ông Bình nói.
Theo chuyên gia, với từng trường hợp cụ thể nên có các cách ứng xử khác nhau. Phố có vỉa hè rộng 6-8 m, dòng người đi bộ chỉ chiếm 1-2 m thì không nhất thiết phải lấy hết cho người đi bộ, mà nên cân bằng giữa kinh doanh và không gian chung. Ví dụ, một số bệnh viện thiếu chỗ để xe, trong khi vỉa hè xung quanh rất rộng có thể tính toán dành một phần không gian cho việc trông giữ; hay các khu vực tập trung nhiều khách du lịch buổi tối có thể tính phương án cho bán hàng rong.
Với các hộ kinh doanh quy mô nhỏ như quán trà đá, bơm xe, ông Bình cho rằng nên phân vạch kẻ trên vỉa hè, quy định rõ khu vực được phép bán và không gian cho người đi bộ. Nếu được thông qua, những hộ này cần ký cam kết không vi phạm, phải chịu trách nhiệm với khu vực đang kinh doanh như không cho để xe dưới lòng đường, nhắc nhở các trường hợp có ý định xâm lấn vỉa hè.
Theo thời gian khi ý thức dành lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè được nâng cao, chúng ta sẽ tính đến phương án tăng dần diện tích trên vỉa hè và trả lại chúng cho người đi bộ. "Còn nếu kiên quyết thực hiện các chiến dịch kéo dài 1-2 tháng, sau bỏ ngỏ thì đâu lại vào đó", ông Bình nói.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng muốn dẹp được nạn xâm lấn vỉa hè phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, thực hiện kiên trì, liên tục chứ không phải ra quân vài đợt rồi bỏ. Cơ quan chức năng cũng cần tính toán các phương án dựng chợ, lập các địa điểm buôn bán, trông giữ xe phù hợp thay vì "chỉ biết đuổi".
Đến bây giờ, bà chủ quán cà phê Hân Lê vẫn nghĩ chiến dịch lần này của Hà Nội sẽ chung số phận với các đợt trước.
"Ai dẹp cứ dẹp, ai chiếm cứ chiếm bởi đây là cuộc chiến không hồi kết nếu chưa thể tìm ra hướng đi hài hòa cho cả đôi bên", chị nói.
Mỹ Tâm - Quỳnh Nguyễn