Ngay khi con trai đỗ vào lớp 10 một trường công ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chị Hồng đi tìm thuê nhà trong phố cổ để tiện học hành cho các con.
Gia đình chị ký hợp đồng thuê một căn hơn 50 m2, giá 9 triệu đồng mỗi tháng ở phố Hàng Hành. Từ đây, con trai có thể đạp xe đến trường, vợ chồng chị có thể chạy bộ quanh hồ Gươm, ăn bún chả Hàng Mành, kem Thủy Tạ bất cứ lúc nào muốn.
Người phụ nữ 43 tuổi nhiều đời sống ở phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) rất gần trường học các con và bệnh viện. Nhưng từ năm con trai học lớp 4, chị Hồng bắt đầu không thích nơi đây vì "môi trường không phù hợp cho trẻ em". "Ở đây ngõ rất to nhưng từ 3h sáng đến khuya là cảnh chen chúc hàng quán. Tôi ước mơ về một nơi gần công viên, nếp sống hiện đại", chị chia sẻ.
Một lần xuống bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chị Hồng mê "thời gian như ngừng lại" nơi đây nên bỏ tiền mua căn hộ hơn 70 m2. "Về đây hai con nhìn thấy xe đủ chủng loại từ thấp đến cao. Bạn bè đều có quê nên 'bệnh ngôi sao' của con tự hết, tình yêu bọ xít cũng tự tan", người mẹ nói.
Thời Covid-19, vùng bán đảo "vắng như chùa bà Đanh", gia đình thường phải lên phố "giải ngố". Cũng trong một chuyến đi chơi như thế, gia đình mê mẩn nhịp sống hiện đại, cùng các tiện ích đại siêu thị, khu vui chơi, giải trí ở trong một khu đô thị phức hợp. Lần này vợ chồng chị xuống tiền mua căn hộ còn nhanh hơn trước.
Theo chị Hồng, ở đây người nườm nượp, mà lại như không có người, tính riêng tư rất cao. "Tôi làm nghề tâm lý, khách đến không có chuyện bị hàng xóm dòm ngó, tọc mạch", chị chia sẻ.
Vẫn chưa có điểm nào để chê chỗ này, song đôi chân xê dịch đã cuồng. Tính cả lần chuyển lên phố cổ sắp tới, chị đã thay đổi chỗ ở 6 lần trong 5 năm qua.
Dù chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về vấn đề này, phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội cho biết hiện tượng di cư trong thành thị đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
"Giới trẻ ngày nay không nặng về chỗ ở và sở hữu nhà. Có điều kiện thì đổi nhà, không có thì đi thuê. Thực trạng dịch chuyển chỗ ở ngày càng thể hiện rõ ở các đô thị lớn", nhà xã hội học nói.
Kết quả Điều tra biến động dân số 2021 cũng cho thấy luồng di cư thành thị - thành thị (khác thành phố hoặc trong cùng thành phố) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 34%.
Lý giải nguyên nhân, ông Lộc cho rằng con người luôn có xu hướng tìm nơi ở gần nơi làm. Trong xã hội nông nghiệp trước đây, nơi ở tương đối ổn định. Xã hội hiện đại, việc một người đổi nơi làm việc, theo đó đổi chỗ ở khiến thói quen gắn bó với một nơi ở duy nhất, ổn định đang dần thay đổi.
Hơn nữa, có những khu vực tập trung nhiều công sở, trường học, các khu dân cư mới tiện ích hấp dẫn người dân chuyển đến để được hưởng các dịch vụ. Hiện tại các trường công và ngay cả một số trường tư vẫn đang áp dụng chính sách học theo tuyến, dẫn đến ở những khu vực có trường tốt thường có xu hướng gia tăng dân số cục bộ và giá nhà thuê đắt hơn các khu vực khác.
"Thời gian qua có một số khu đô thị áp dụng chính sách chỉ cư dân ở đó mới được hưởng các tiện ích như học hành, vui chơi. Điều này cũng thúc đẩy di cư trong nội đô", phó giáo sư Lộc nói.
Giáo sư Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam lý giải thêm, đặc trưng của xã hội hiện đại hóa là nhịp sống rất nhanh. Kẹt xe, ô nhiễm, hạn chế thời gian nên theo lý thuyết "lựa chọn hợp lý", cư dân đô thị có xu hướng cố gắng cải thiện điều kiện sống, nhà ở hợp với túi tiền, nhằm tối đa hóa lợi ích cá nhân.
Hơn nữa với người dân đô thị thời gian rảnh rỗi rất quan trọng. Hầu hết đi làm từ sáng tới chiều, nhà xa chỗ làm, chỗ học, mất nhiều thời gian đi lại, cùng mối nguy hiểm trên đường. "Càng những nơi có lối sống đô thị đặc sắc, nhịp sống nhanh, cấu trúc dân cư đa dạng thì tính cơ động xã hội này càng cao", ông Luân nói.
Nhóm di cư nội đô nhiều nhất thuộc về các gia đình trẻ. Họ đang ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp và con cái đang còn phải học hành. "Tôi đánh giá cao xu hướng này. Động lực mạnh nhất của sự dịch chuyển nơi ở là các bậc cha mẹ muốn tạo những điều kiện tốt nhất cho con cái", giáo sư Luân nói.
7 năm trước, cuộc đời ba mẹ con chị Trần Thu Hà có bước ngoặt lớn là chuyển nhà để con được học ở trường song ngữ ở quận Bình Chánh (TP HCM). Sau cả tháng trằn trọc tính toán, người mẹ quyết định cho thuê căn hộ mới mua 6 tháng, thuê ngôi nhà khác gần trường học của con, mẹ chấp nhận đi làm xa 18 km.
"Lần đầu tiên tới ngôi trường này, hai con được bơi ba lần mỗi tuần, đen nhẻm nhưng hạnh phúc. Lần đầu tiên các con được học âm nhạc với dàn nhạc giao hưởng trong hội trường cách âm, khác hẳn những tiết học chay trên giấy lâu nay. Tôi thấy hoàn toàn xứng đáng", chị Hà chia sẻ về lần chuyển nhà thứ tư từ khi vào Sài Gòn lập nghiệp tới nay.
Tất cả các lần mua bán hay thuê nhà của chị đều tuân theo tiêu chí cách trường học của con 1-2 km, để hai con tự đạp xe hoặc đi bộ, giúp người mẹ giải bài toán thời gian và yên tâm với công việc.
Giáo sư Luân cho biết, hiện tượng di cư nội đô là một đặc điểm của dịch chuyển xã hội (social mobility) về nơi ở. Nghiên cứu "Dịch chuyển xã hội và bình đẳng cơ hội tại Việt Nam" năm 2018 của Tổ chức Oxfam cho thấy, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng đối với dịch chuyển xã hội. Đặc biệt các gia đình khá giả, thuộc tầng lớp trên thường quan tâm nhiều hơn, có khả năng đầu tư lớn hơn cho học hành của con cái.
Và theo các chuyên gia, hiện tượng di cư thành thị cũng phản ánh chênh lệch thiết kế hạ tầng. "Nếu các khu vực được đầu tư như nhau, sẽ giảm được mật độ dân số gia tăng cục bộ", phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc nói.
Với gia đình chị Hương, mỗi lần chuyển nhà là một lần được trải nghiệm cuộc sống trong lòng thành phố, khác xa việc đi du lịch. "Mặc dù chỗ ở thường xuyên thay đổi, tôi không thay đổi trường cho con nếu không có vấn đề gì, bởi quan niệm bạn bè là một phần quan trọng đối với sự phát triển của mỗi đứa trẻ", chị nói.
Còn nhà chị Hà, mỗi lần chuyển nhà bố chị đều nói "ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà" để nhắc nhở con ổn định. Bản thân chị vất vả hơn người khác vì đơn thân nuôi con, nên dù thuê hay mua nhà, đều chi ít hơn khả năng để chừa lối thoát cho mình.
Và có lẽ sắp tới chị sẽ có sự thay đổi chỗ ở lần nữa. Năm học này hai con gái chị nhận được học bổng du học trung học phổ thông ở Phần Lan. "Chuyển nhà lựa chọn, không phải sở thích của tôi", chị nói.
Phan Dương