Lo xong bữa cơm tối cho gia đình, anh Bùi Quang Trọng (48 tuổi) nhắc hai con lớn học lớp 5 và lớp 2 ngồi vào bàn học. Sau một ngày học online chính khoá, người cha cho các con ôn lại bài cũ khoảng một tiếng trước giờ ngủ.
Hơn ba tháng nay, cha con anh dần quen nhịp sống ở vùng đất mới sau khi chuyển nhà từ TP Thủ Đức, TP HCM về huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.
Quê ở phía Bắc, anh Trọng lập nghiệp, cưới vợ ở Đăk Lăk rồi cùng nhau vào TP HCM kiếm sống gần 20 năm nay. Hai vợ chồng làm đủ nghề, trước khi mở một gian hàng bán rau củ, trái cây. Hai con lớn của anh học Tiểu học An Khánh, TP Thủ Đức, bé út học trường mầm non gần đó.
Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, vợ chồng anh Trọng thất nghiệp nhiều tháng. Số tiền ít ỏi tích cóp bao năm qua phải mang ra trang trải tiền nhà trọ, sinh hoạt. Học phí cho các con, gia đình chưa phải chi trả bởi năm học 2021-2022 bắt đầu bằng hình thức online. Tuy nhiên, thu nhập của hai vợ chồng giảm mạnh sau khi hết giãn cách xã hội. Tiền nhà, tiền điện, tiền ăn đè nặng lên họ từng ngày.
"Thật sự là bí bách quá. Đời sống mình còn chưa đảm bảo được, sau này con cái học lên cao càng tốn kém thì lo làm sao xuể. Ở đâu cũng khó khăn, nhưng ở quê dễ thở hơn ở Sài Gòn, mình có thể xoay xở cho các con học hành đến nơi đến chốn", anh Trọng chia sẻ.
Người cha làm thủ tục chuyển trường cho con lớn hồi cuối tháng 10 năm ngoái, rồi về quê, ở tạm một căn nhà nhỏ bên ngoại. Thời gian đầu, do chưa có việc làm nên anh Trọng nội trợ, lo cho ba con ăn học. Vợ anh tiếp tục buôn bán ở TP HCM, gửi tiền về cho gia đình. Dù khó khăn về vật chất anh Trọng vẫn cảm thấy may mắn bởi "cả nhà vẫn khoẻ mạnh, bình an giữa đại dịch".
Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, ba đứa con của anh Trọng khá bỡ ngỡ với nhịp sống mới ở quê ngoại. Chúng nhớ bạn bè cũ trong khi chưa có cơ hội gặp bạn mới ở quê do trường vẫn chưa mở cửa. Bùi Bảo Ngọc, con gái lớn của anh Trọng, thỉnh thoảng mượn điện thoại của bố, hỏi thăm nhóm bạn cũ qua Zalo. Mỗi ngày, em học online hai tiếng vào buổi chiều và một tiếng vào các tối hai, tư, sáu.
"Em cũng đã quen dần, vì ở thành phố hay ở quê cũng đều học online. Em chỉ mong sớm được đến trường để làm quen với bạn mới, cố gắng học tốt để giữ được danh hiệu học sinh xuất sắc như bốn năm trước", Ngọc nói.
Giống như anh Trọng, chị Trần Thị Bích Phi (29 tuổi, quê huyện Trà Cú, Trà Vinh) cũng rời TP HCM, rút học bạ của hai con lớp 2 và 3 ở Tiểu học Trần Thị Bưởi, TP Thủ Đức từ cuối tháng 10.
Ở thành phố, chị Phi làm công nhân may mặc với mức lương 6 triệu đồng trong khi chồng làm thợ hồ, thu nhập 8-10 triệu. Hai vợ chồng thất nghiệp nhiều tháng khi thành phố giãn cách, sống bằng tiền tiết kiệm và trợ cấp từ chính quyền.
Khi thành phố hết giãn cách, chị Phi liền làm thủ tục chuyển trường cho con. Gia đình bốn người về Trà Vinh, hòa cùng dòng người đổ về miền Tây bằng xe máy. Với vốn nhỏ tích cóp từ nhiều năm, họ vay thêm nhà nước, người thân, xây được một căn nhà nhỏ. Chị Phi chuyển sang làm vườn, chăn nuôi trong khi người chồng tiếp tục làm thợ hồ.
Theo chị Phi, nếu cố gắng hết sức, vợ chồng chị có thể tiếp tục bám trụ TP HCM nhưng phải ở trọ, thu nhập bấp bênh. Khi các con lớn hơn, việc học càng thêm khó bởi nhiều chi phí phát sinh. "Về quê ban đầu cũng khó nhưng đỡ hơn chút đỉnh. Các con còn nhỏ, chuyển trường từ sớm để không bị ảnh hưởng nhiều", chị giải thích cho quyết định đầy khó khăn.
Hai con chị Phi học trường mới gần nhà. Các bé đã quen nhiều bạn mới, thích thú khi khám phá nhiều cảnh vật không có ở thành phố đông đúc. "Mong ước lớn nhất của chúng tôi bây giờ là lo cho tụi nhỏ được học hành đến nơi đến chốn", chị Phi nói.
Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, hơn 7.500 học sinh ở TP HCM, chủ yếu bậc tiểu học đã rút học bạ, chuyển trường về các tỉnh, thành khác. Phần lớn các quyết định chuyển trường là hệ quả của làn sóng hồi hương. Người lao động tự do, công nhân không bám trụ nổi ở thành phố do dịch bệnh đã chuyển về quê, con cái cũng phải chuyển trường.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 15/12/2021, khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài. Trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.
Nhiều người vẫn cố gắng bám trụ ở TP HCM, nhưng phải gửi con nhỏ về quê, nhờ người thân hỗ trợ. Chị Trần Thị Ý (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú) là trường hợp như vậy.
Vợ chồng chị Ý làm công nhân, thất nghiệp bốn tháng trong thời gian giãn cách xã hội. Khi xí nghiệp mở cửa, họ đi làm trở lại, thu nhập dần ổn định. Tuy nhiên, trường mầm non chưa mở, họ xoay xở đủ cách để trông con gái 4 tuổi.
Ban đầu, chị Ý xin nghỉ không lương ở nhà trông bé. Sau một tháng, vợ chồng chị thấy cách này không ổn bởi con không được học, suốt ngày quanh quẩn ở gian nhà trọ. Công việc ở xí nghiệp không cho phép chị nghỉ thêm.
Hai chồng quyết định chuyển con về Đăk Nông, nhờ ông bà ngoại trông nom và xin học một trường gần nhà. "Chúng tôi tính nhờ ông bà trong hai năm để ổn định cuộc sống. Khi nào bé đủ tuổi học lớp 1 thì chuyển cháu vào lại thành phố xin học", chị Ý cho biết.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, ngành giáo dục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, dù họ chọn phương án học ở thành phố hay chuyển trường về quê.
Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho biết, muốn chuyển trường cho con, phụ huynh cần được sự chấp thuận nhập học của trường ở địa phương. Tiếp đó, phụ huynh mang giấy xác nhận này lên trường ở TP HCM làm thủ tục rút học bạ. Nhiều phụ huynh chỉ mất vài ngày hoặc một tuần hoàn thành việc chuyển trường. Các trường ở quê cũng tạo điều kiện tiếp nhận các em theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.