Nguy hiểm và nổi tiếng nhất là điểm "đen" trước khu du lịch Suối Tiên nằm sát xa lộ Hà Nội, xe cộ luôn lưu thông ở mật độ lớn. Tiếng còi xe inh ỏi, chen giữa các xe container đang phóng ào ào trên xa lộ là các phương tiện thi nhau quẹo vào khu du lịch, thêm người đi bộ ngang nhiên tràn ra cả lòng đường khiến giao thông cực kỳ hỗn loạn. Hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn tại đây, nhẹ thì va quẹt, nặng đến vong mạng người.
Điển hình, ngày 3/4, ông Trương Quốc Hùng trong lúc lưu thông bằng môtô từ hướng trạm 2 ra ngã ba Đài liệt sĩ, đã va chạm với xe tải ngay trước cổng Suối Tiên và chết tại chỗ.
16h20 ngày 23/4, 6 xe hơi đụng dây chuyền tại khu vực này gây kinh hoàng cho người đi đường. Nguyên nhân tai nạn là do ôtô đi trước phanh gấp tránh người đi bộ băng ngang qua đường, 5 xe theo sau húc vào nhau. Theo cảnh sát giao thông quận 9, những vụ va quẹt tại đây nhiều đến mức khó thống kê chính xác.
Ngã ba trước Đại học Nông Lâm - Thủ Đức cũng là một cung đường "tử thần án ngữ trên tuyến đường xuyến Á, thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn kinh hoàng. Những buổi tan học, hàng trăm xe máy của sinh viên làng đại học băng ngang giữa "rừng" xe tải đang chạy với tốc độ cao.
Nhiều giao cắt tại khu vực chân cầu Ông Lãnh nên xe chạy ngược xuôi, gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Kiên Cường |
Những cây cầu cũng là nơi nguy hiểm luôn rình rập người đi đường.
Nằm giữa hai cầu Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng, nơi có độ dốc khá lớn, là ngã tư đường Hưng Phú, quận 8. Mỗi lần đèn đỏ, các xe từ cầu Chánh Hưng theo hướng về quận 5 nháo nhào thắng gấp, chỉ cần một xe máy cố tình vượt đèn đỏ thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Đèn đỏ ngay tại dốc cao thế này, lỡ xe phanh không ăn thì đụng xe là cái chắc. Mà đường này nhiều xe tải lắm, không hiểu sao lại lập ngã tư ngay đây", anh Hoàng Thanh, người vừa qua khỏi ngã tư này nói.
Theo anh Lê Văn Bạn, cảnh sát giao thông quận 8, kể từ lúc làm cầu, khu vực này hầu như ngày nào cũng xảy ra va quẹt. Trung bình cứ khoảng một tuần có 2 vụ tai nạn giao thông.
Nguy hiểm hơn là cầu vượt Quang Trung, điểm giao của 3 hướng đi Hóc Môn, An Sương và Thủ Đức. Chính vì giao thông khu vực phức tạp nên Sở Giao thông công chính đã quyết định làm giao cắt ngay trên cầu.
Cũng theo Sở giao thông, đây là một trong những điểm giao thông nguy hiểm nhưng không có cách nào xóa được. Nhiều phương tiện hướng lên cầu với tốc độ cao rất khó làm chủ tay lái khi đến điểm giao phức tạp này.
Hiện TP HCM tồn tại 52 điểm đen về giao thông, trong khi đó tai nạn liên tục gia tăng. Cụ thể tháng 3 tăng 21 người chết so với tháng 2, tháng 4 lại vượt thêm 7 người chết. Việc xóa các điểm đen đang bài toán nan giải với TP HCM.
Theo Sở giao thông, biện pháp tốt nhất là xây dựng cầu vượt, hầm chui cho khách bộ hành băng qua đường ở các điểm "đen". Nhưng có một thực tế là rất ít người sử dụng cầu vượt, hầm chui mà vẫn băng ngang đường. Như trước khu vực Suối Tiên, cầu bộ hành đã có từ lâu nhưng mọi người vẫn thích leo dãy phân cách qua xa lộ Hà Nội.
Hay như ở khu công nghiệp Linh Trung - Thủ Đức gần quốc lộ 1. Buổi chiều tan tầm, hàng nghìn công nhân hết đợt này đến đợt khác thay nhau chạy băng băng qua xa lộ dù đã có hầm chui. Khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Bình cũng không quá xa lạ với hình ảnh này.
Trong dự thảo kế hoạch giảm tai nạn giao thông năm 2008, Sở Giao thông công chính cũng đang nghiên cứu xây thêm 15 cầu vượt bộ hành tại nơi có mật độ giao thông cao. Tuy nhiên phương án này đến nay vẫn còn nằm trên giấy.
Kiên Cường