Chủ nhật, 3/11/2024
Thứ tư, 22/5/2024, 04:00 (GMT+7)

Những cung đường hứng 4 triệu tấn bom trên dãy Trường Sơn

Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, Mỹ đã ném xuống dải Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom, 80 triệu lít hóa chất.

Triển lãm Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại sân nhà và nhà D67 thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) nhân kỷ niệm 65 năm ngày mở đường, cũng là ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (1959-2024) diễn ra đến hết tháng 5.

Đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) ra đời trong bối cảnh đất nước bị chia cắt hai miền sau hiệp định Geneva năm 1954. Liên lạc giữa cách mạng hai miền qua tuyến Tây Quảng Trị chưa đáp ứng được yêu cầu chi viện binh vật lực cho chiến trường miền Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 tháng 1/1959 nêu nhiệm vụ mở đường chi viện cho miền Nam có ý nghĩa chiến lược, trực tiếp tới sự nghiệp thống nhất đất nước.

"Đoàn công tác quân sự đặc biệt" phiên hiệu Đoàn 559 thành lập tháng 5/1959 đặt dấu mốc cho sự ra đời của tuyến chi viện Trường Sơn. Thượng tá Võ Bẩm, Cục phó Nông trường Quân đội, nhận nhiệm vụ mở đường, cùng đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu khảo sát mở tuyến tại Voi Mẹp (Quảng Trị). Những lối mòn được mở thành tuyến chi viện theo phương châm "xuyên sơn mà đi, đỉnh núi mà soi, không được trùng với lối mòn cũ".

Khe Hó - nơi nằm giữa thung lũng phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được chọn là Km0 xuất phát để tiến vào Nam. Ba tháng sau, những chuyến hàng đầu tiên vượt sông sâu, suối dữ, hệ thống đồn bốt dày đặc vào đến miền Nam.

Sau một năm, hoạt động vận tải tạm gián đoạn khi Mỹ phát hiện và càn quét. Bộ đội Trường Sơn lật cánh sang sườn Tây, mở lối đi nhờ đất bạn Lào để tránh địch nhòm ngó. Năm 1961, tuyến chi viện được khai thông dài gần 100 km từ Đường 9 (Quảng Trị) đến Mường Phalan, nối Trung Lào với Hạ Lào, dùng được ngựa, voi, xe thồ và một số xe cơ giới.

Mạng lưới vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn tới cuối năm 1964 gồm ba hệ thống song song gồm đường giao liên, đường vận tải gùi thồ cùng đường vận tải cơ giới. Trong ảnh lần lượt bộ đội vượt Trường Sơn cheo leo trên vách núi cuối năm 1966; giao liên vượt đỉnh núi cao 1.500 m tại La Hạp và công binh Binh trạm 14 phá núi hạ độ cao trên đường 20 Quyết Thắng.

Bản đồ mạng lưới đường Trường Sơn lần lượt qua bốn giai đoạn 1959-1963, 1964-1968, 1969-1973 và 1973-1975. Từ những lối mòn men theo dãy Trường Sơn, huyết mạch chi viện dần phủ kín đại ngàn với tổng chiều dài toàn tuyến gần 20.000 km, gồm 21 trục ngang, 5 trục dọc, xuyên ba nước Đông Dương, được ví như "bát quái trận xuyên rừng".

Con đường gắn với tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải), Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thời kỳ 1967-1975. Ông để lại dấu ấn đậm nét khi tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, thần tốc đưa bộ đội chủ lực từ Bắc vào Nam.

Khi đảm nhận trọng trách đầu năm 1967, tướng Nguyên chỉ có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành bốn binh trạm. Tám năm sau, ông tự tin nói với Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là "cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ". Ông đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào năm 1974, khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở hàng loạt chiến dịch lớn, rải bom mìn, chất độc hóa học dọc Trường Sơn nhằm cắt đứt đường chi viện. Gần 4 triệu tấn bom mìn - gấp đôi tổng lượng bom trong chiến tranh Thế giới thứ hai, đã ném xuống Trường Sơn để hủy diệt cầu đường, xe vận tải, đến mức "rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn". Từ năm 1968 đến 1972, mỗi ngày có 22-30 vụ B-52 oanh tạc trên dãy Trường Sơn. Trong ảnh là mặt đất chi chít hố bom sau đợt rải thảm của không quân Mỹ.

Trong 10 năm (1961-1971), khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất độc da cam chứa 366 kg dioxin đã rải xuống Việt Nam. Phía Mỹ thậm chí dựng hàng rào điện tử McNamara giữa Bắc và Nam năm 1967, gồm hệ thống phương tiện phát hiện sự xâm nhập của quân giải phóng trên đường Trường Sơn. Từ 1968 đến 1973, mỗi năm Mỹ chi khoảng một tỷ USD cho hàng rào điện tử dọc vĩ tuyến 17 và đường Trường Sơn.

Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tiến đánh Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, tháng 2/1971. 40.000 binh lính Việt Nam Cộng hòa, 6.000 lính Mỹ, gần 2.000 xe tăng, bọc thép, pháo hạng nặng, máy bay vẫn không thể cắt đứt huyết mạch tiếp vận từ Bắc vào Nam.

"Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ USD để bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nó vẫn luôn tồn tại. Nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại…", học giả người Mỹ Jack Roma nhận định cuối năm 1971. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara từng nói "một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không làm thế nào ngăn chặn được".

Pháo đội phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Quân đội nhân dân Lào sẵn sàng phản kích cuộc hành quân xâm nhập Hạ Lào của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa năm 1971.

Bộ đội Trường Sơn gánh trọng trách hậu cần, vừa tổ chức biên chế trở thành binh chủng hợp thành quy mô lớn với tổng quân số hơn 100.000 cuối năm 1974. Từ tuyến tiếp vận, đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường đánh Mỹ đúng nghĩa, vừa là nơi trú chân cho các lực lượng trong hàng loạt chiến dịch lớn.

Dưới tán rừng trơ trụi, những đoàn xe vận tải vẫn vượt "tọa độ lửa" trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình). Con đường bắt đầu từ phà Xuân Sơn dẫn sang đất Lào chịu mật độ bom đạn thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Thống kê 15 ngày đêm cuối tháng 11/1969, Mỹ ném xuống khu vực này hơn 17.400 tấn bom, mỗi mét đường chịu 2,2 tấn.

Trong ảnh là đoạn cua chữ A thuộc trọng điểm ATP - tên gọi tắt của đoạn cua này, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích. Trọng điểm từng hứng chịu gần 50.000 quả bom trong một tuần.

Chiến sĩ vận tải lái xe không kính vì bom giật bom rung kính vỡ rồi. Sự khốc liệt của chiến tranh đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật. Bình quân 1.000 tấn hàng đưa qua được đường Trường Sơn thì 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 ôtô và 143 tấn hàng bị phá hủy.

Khi máy bay ném bom rời đi, công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lại lao vào san gạt hố bom cho xe thông đường. Bộ đội Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 20.000 quả bom nổ chậm và bom từ trường; hơn 85.000 mìn các loại, đào đắp hơn 29 triệu m3 đất đá.

Hơn 22.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công binh đã ngã xuống dọc dải Trường Sơn. Hàng chục nghìn thanh niên tuổi đôi mươi đi dưới những tán rừng năm ấy trở về đời thường mà không biết đã nhiễm chất độc da cam. 4,8 triệu người phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân của dioxin. Nhiều người thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư của nạn nhân da cam nhưng chưa được thừa nhận.

Những nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn. Thái Bình gửi nhiều thanh niên xung phong ra mặt trận nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người sau này chọn ở lại Trường Sơn xây dựng gia đình, một phần trở về tìm đến chùa nương nhờ cửa Phật khi đã lỡ duyên, còn sót mảnh bom trên người hay mang trong mình chất độc hóa học. Dọc tuyến lửa năm xưa giờ còn hàng loạt di tích như hang Tám Cô, hang Y Tá...

Đường hở bị hủy diệt, công binh chuyển sang mở hàng nghìn km "đường K" - đường kín cho xe vận tải chạy ban ngày, đẩy tốc độ vận chuyển nhân lực, vật lực vào chiến trường. Trong 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn đã đưa hơn 2 triệu bộ đội vào Nam ra Bắc, hơn một triệu tấn vật chất, vũ khí vào chiến trường.

Sau ngày thống nhất, con đường trở thành động lực phát triển kinh tế, phòng thủ biên giới quốc gia. Năm 1997, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai sau quốc lộ 1 ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi "Xa lộ Bắc Nam". Một năm sau, Bộ Chính trị đổi tên là đường Hồ Chí Minh, tổng chiều dài hơn 3.000 km đi qua 30 tỉnh thành từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Hoàng Phương
Ảnh tư liệu