Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 25/8/2021, 16:43 (GMT+7)

Những cửa hàng giãn cách không người bán

Tại TP HCM, Hà Nội xuất hiện những cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu nhưng không nhân viên, người mua chọn đồ và tự trả tiền, tránh tiếp xúc.

Tại TP HCM, từ ngày 24/8, Sở Công Thương và một doanh nghiệp đã triển khai mô hình “Cửa hàng tự động - thanh toán không tiếp xúc”. Hai cửa hàng đầu tiên được đặt tại địa chỉ 169, Cô Bắc (quận 1) và 79 Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh. Tại cửa hàng trên đường Phạm Viết Chánh, mô hình này được đặt ở sảnh chung cư và dựng bằng lều bạt dã chiến, hoàn thành trong một ngày.

Từ 8h, xe chở hàng hoá tới, nhân viên cửa hàng bắt đầu xếp vào bên trong lều bạt. Lều có diện tích khoảng 30 m2, hàng hoá đặt theo kệ tạo thành hai lối đi để người mua di chuyển theo một chiều.

Các mặt hàng bên trong khá phong phú từ rau củ, trái cây đến thịt, trứng, hải sản, gia vị... theo dạng combo.

"Hiện cửa hàng có 7 combo với 60 mặt hàng có giá dao động từ 120 đến 360.000 đồng. Tất cả đều bán với giá bình ổn thị trường và tạm thời chỉ phục vụ cho bà con trong địa bàn cũng như đoàn thể, tổ chức đi chợ giúp dân", ông Nguyễn Hoàng Nhã (quản lý cửa hàng) cho biết.

Một combo trái cây có giá khoảng 120.000 đồng, ngoài ra còn có những gói hàng về rau, thịt, hải sản, đồ khô... Mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 400 combo cho bà con trong địa bàn phường.

Do cửa hàng hoạt động theo mô hình không tiếp xúc, người mua hàng thanh toán với nhân viên thu ngân qua màn hình được kết nối trực tuyến. Việc thu ngân được kiểm soát hoàn toàn bằng camera, khách được khuyến khích mang đúng số tiền theo combo.

"Tôi thấy bán hàng bằng combo này rất nhanh chóng, mình mua một lần để ăn trong cả tuần luôn cũng tiện", chị Linh (chung cư Phạm Viết Chánh) vừa nói vừa tự bỏ 290.000 đồng vào thùng.

Theo quản lý cửa hàng, qua hai ngày thực hiện, việc trả tiền thừa vẫn còn chút rắc rối. Đơn vị sẽ phổ biến rộng hơn bảng giá combo để khách mang đúng số tiền. Cửa hàng mở bán từ 8h tới 17h hàng ngày cho đến hết thời gian giãn cách.

Dự kiến trong thời gian triển khai, mô hình “Cửa hàng tự động - thanh toán không tiếp xúc” sẽ cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn lương thực thực phẩm đến người dân.

Tại Hà Nội, Okono cũng triển khai các gian hàng giãn cách không người bán chỉ khoảng 10m2 ngay phía trước các cửa hàng tiện lợi của mình. Hiện tại, đơn vị này đã mở được 6 cửa hàng giãn cách và dự kiến mở rộng lên tới 10 cơ sở ở những địa điểm đông dân cư, xa chợ.

Diện tích nhỏ, nên các cửa hàng này bày bán chủ yếu là rau, củ, quả đồng giá 10.000 đồng. Theo nhân viên cửa hàng tại 18 Đại Linh, sau một tuần triển khai, cửa hàng thu hút khá đông khách. Mỗi ngày, nhân viên sẽ bổ sung hàng hoá 2 lần vào buổi sáng và chiều.

Sau khi lựa chọn sản phẩm, khách hàng sẽ tự bỏ tiền vào trong chiếc hộp sắt đặt trước gian hàng. Đơn vị này cũng tạo điều kiện cho những người khó khăn có thể cứ lấy rau, củ, quả về dùng, hết dịch đi làm quay trở lại trả tiền sau.

Quỳnh Trần - Anh Tú