Sáng sớm, ông Nguyễn Văn Vàng, 71 tuổi, chạy xe lôi đạp đến cổng Bắc chợ Tân Châu, rồi mở chiếc radio cũ để nghe cải lương. Trích đoạn "Bên cầu dệt lụa" mà ông đang ngâm nga theo, cũng buồn nhưng chính cuộc đời ông.
Những năm chiến tranh loạn lạc, ông Vàng chạy từ miền Đông về An Giang chỉ một thân một mình. Hòa bình lập lại, ông gắn bó với nghề chạy xe đạp lôi. Hơn 40 năm chở khách đi chợ rồi về nhà, bản thân ông chẳng có được mái nhà che thân.
Cảnh nghèo khó nên ông không lấy vợ và chiếc xe lôi đạp cũng chính là giường ngủ, mái hiên chợ cũng là chỗ che nắng che mưa sớm tối. Người chạy xe lôi già đã lãng tai lại hay quên đường, nhưng thương gia cảnh ông nên nhiều hiệu buôn ở chợ Tân Châu hay ưu tiên gọi ông chở hàng.
Chuyến xe đầu tiên trong ngày ông chở hàng, nào xe đạp, ghế bố mang đến xe tải để chở về Sài Gòn. Vừa thấy ông xe lôi già có mái tóc bạc, nước da cháy nắng đen nhẻm đi ngang, quần áo trên người đã rách, một người dân liền lấy cho ông ít bộ đồ cũ. "Ế lắm. Chạy mỗi ngày được vài chục ngàn đồng, có khi không có ngàn nào thì nhờ cô bác ở đây cho bữa cơm qua ngày", ông nói.
Ông Vàng là một trong số hàng chục người chạy xe lôi già còn sót lại ở chợ Tân Châu. Covid-19 hoành hành, đường xá người, chợ vắng khách, họ ngồi bó gối suốt ngày. Gần 10h, ông Nguyễn Văn Sang, 62 tuổi, mới có cuốc xe đầu tiên cũng là mối quen. Hôm nào bà Võ Thị Đẹp đi chợ thì ông dằn túi được 10.000 đồng để dành đong gạo.
"Thấy tội mấy ông già lụm cụm còn chạy xe đạp. Lúc trước còn tàu du lịch ghé, mấy ổng chạy không kịp, giờ thì người chạy xe nhiều hơn khách. Tui đi bộ cũng được nhưng đi xe để ủng hộ mấy người già khó khăn hơn mình", bà Đẹp chia sẻ.
Ông Sang vào nghề từ năm 20 tuổi. Một lần bị tai nạn, đầu gối chân trái bị chấn thương, ông không thể khuân vác nặng. Ông chở khách ngược xuôi, mong nuôi được tấm thân lúc tuổi xế chiều, không muốn con cái nặng lo. "Bữa có ít ăn ít, bữa có nhiều ăn nhiều. Ráng chạy để có gạo đong ăn qua ngày", ông Sang nói.
Ở một ngã tư đường khác, ông Nguyễn Văn Hai, 72 tuổi, là người chạy xe lôi đạp lớn tuổi nhất ở thị xã Tân Châu. Vì ế khách, ông Hai một buổi chạy xe, một buổi bán vé số, để có đồng ra đồng vào. Chiếc xe đạp lôi ông đang chạy đã là chiếc thứ ba trong suốt 30 năm làm nghề ở vùng biên giới giáp Campuchia. "Ngày trước tui chạy xe nuôi vợ nuôi con khỏe re. Giờ bả mất rồi, con cái cũng tư riêng, lo nuôi con của chúng. Thân già có thể tự nuôi thân là quý lắm rồi", ông Hai tâm sự.
Năm rồi, ông Hai và nhiều đồng nghiệp còn trải qua gần nửa tháng trong khu cách ly vì một du khách ngoại quốc mà họ chở mắc Covid-19. Khi ấy, 33 tài xế sáng có cà phê, trưa có người lo cơm, khi hoàn thành cách ly còn được dằn túi một triệu đồng. Và đó cũng là kỷ niệm bất đắc dĩ với nghề mà ông không bao giờ quên.
"Mấy ông xe lôi già tụi tui cũng nhờ bà con tiểu thương ở đây cho cái nọ cái kia, khi thì gạo, khi thì hộp cơm. Một miếng khi đói lúc này là quá quý", ông Hai nói.
Ông Nguyễn Ngọc Vệ, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, cho biết nghề lái xe lôi đạp đã có từ rất lâu ở thị xã và cũng là nét độc đáo thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Ước tính ở thị xã còn khoảng 30 người theo nghề. Hoàn cảnh của họ đa phần khó khăn, nhất là khi các hoạt động du lịch bị đình trệ vì Covid-19.
"Mặt trận tổ quốc cũng thường vận động mạnh thường quân để hỗ trợ thêm cho các chú. Khi 5-10 kg gạo, khi thì một ít tiền, giúp họ duy trì cuộc sống", ông Vệ nói và cho biết, khi du lịch hoạt động trở lại, định hướng UBND thị xã sẽ mở nghiệp đoàn xe lôi để chăm lo đời sống các chú tốt hơn.
Ngọc Tài