15h, khoảng sân sau tòa nhà thư viện ĐH Bách Khoa Hà Nội rộn rã tiếng nói cười của các bạn trẻ nhào lộn, leo trèo, chạy nhảy qua chướng ngại vật là bức tường, mảng bê tông, lan can tòa nhà cao tầng.
“Chưa được, nhảy lại đi! Động tác chậm quá, cần phải nhanh lên!". Sau câu lệnh của trưởng nhóm, hơn chục chàng trai cô gái trang phục quần ngố, áo phông thi nhau bổ nhào đến tảng bê tông cao 2 mét, rộng 4 mét trước mặt, đập mạnh hai lòng bàn tay xuống nhảy chồm 2 bước đáp xuống mặt đất điệu nghệ.
Trong tích tắc, một thành viên trong nhóm bật nhảy và “dính” chặt trên tường cao khoảng 3 mét, tiếp tục leo tường phẳng. Tại một gốc cây gần đó, hai thành viên khác đang tập động tác chạy bộ lên thân cây. Đạp mạnh chân xuống đất, một thành viên đã chạy được nửa thân cây cao 5 mét rồi lại tiếp đất, nhẹ nhàng.
Leo trèo những ngôi nhà cao tầng không phải là chuyện khó đối với các thành viên trong nhóm PFG. Ảnh: H.A |
Đó là buổi luyện tập thường ngày của các bạn trẻ thuộc nhóm PFG (Parkour Forget Gravity) Bách Khoa Hà Nội. Sau màn "độc diễn" quay tròn quanh lan can cho các thành viên trong nhóm thưởng thức, Nguyễn Bá Dũng, trưởng nhóm PFG cho biết, cậu đến với môn thể thao mạo hiểm này hoàn toàn tình cờ. Một vài người bạn du học ở Pháp, Mỹ gửi video clip về tặng. Thấy hay, cậu lên mạng tìm kiếm thêm và tự học theo những hình ảnh đó.
Đang là học sinh lớp 12, THPT Hồ Xuân Hương, nhà ở đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân), nhưng do "say" những động tác mạnh của Parkour, chiều nào Dũng cũng đạp xe đến Bách Khoa để tập luyện. Ban đầu nhóm chỉ có vài thành viên, nhưng nay số thành viên xin gia nhập nhóm càng đông.
"Thành lập được 5 tháng nhưng chúng em đã có hơn 30 thành viên từ các trường THPT. Vui nhất là nhiều anh sinh viên thấy bọn em tập cũng ra góp vui", Dũng thủ thỉ.
Parkour có khoảng 15 động tác chính như Landing (tiếp đất), Monkey (vượt chướng ngại vật cần tốc độ), Wall Spins (xoay tròn cơ thể quanh chướng ngại vật), Pop Vault hay Wall hop (vượt tường), Kong (bật nhẩy như King Kong) và một số động tác nâng cao. Mới chơi môn thể thao này được khoảng 7 tháng, nhưng Dũng đã tập thành thạo 15 động tác cơ bản.
Một thành viên nam trong nhóm biểu diễn trò Wall Spins. Ảnh: H.A |
Sau cú lao mình nhanh như chú sóc qua hai song sắt lan can cửa thư viện, Sơn, một thành viên trong nhóm kể, để tập được một động tác Parkour “nuột” không đơn giản. Song hành cùng các pha vượt tường, trèo lan can, bật nhẩy santo thậm chí leo nóc nhà là những chấn thương trẹo chân, bong gân, rạn xương... "Tuy hay gặp phải chấn thương, nhưng mỗi lần tập được một động tác em cảm thấy rất khoái, có cảm giác đã vượt qua chính mình", Sơn nói.
Nếu các bạn nam chơi Parkour để thể hiện sự dũng cảm thì nhiều bạn nữ lại tìm đến như một trò tiêu khiển sau những giờ học vất vả. Xoay một vòng quanh lan can, Minh Chi, một trong 6 thành viên nữ của nhóm PFG cười nói: "Cứ gọi em là Kun".
Mê hiphop nên khi biết tại Bách Khoa các bạn đang tập môn thể thao mới, Kun háo hức tham gia. Tuy mới chuyển sang tập ParKour được 2 tuần nhưng Kun đã tập thành thạo 3 động tác cơ bản: Monkey, Lazy và 108. "Em khoái nhất là động tác bò trên tường nhà phẳng mà không dùng dụng cụ hỗ trợ. Trông các bạn ấy tập em cứ tưởng tượng như những chú khỉ đang trèo tường vậy", Kun nói.
Nhà ở Đội Cấn, cách điểm tập gần 30 phút đạp xe, nhưng chiều nào Kun cũng đến địa điểm để tập luyện. "Tất nhiên con gái không thể tập được những động tác mạnh mẽ, nhưng cũng có những động tác nữ giới biểu diễn sẽ sành điệu hơn", Kun nói, rồi đứng phắt dậy lao mình qua hành lang một cách điệu nghệ khiến các chàng trai vỗ tay reo hò.
Xuân Tùng - Hà Anh