Qua điện thoại, ông giải thích với vợ rằng sau thảm họa kép cách đây tròn 10 năm, ông đã tìm bà suốt nhiều ngày. Ban ngày, Kazuyoshi đến các trung tâm sơ tán, nhà xác. Đến tối, ông quay lại đống đổ nát trước kia từng là mái ấm của họ.
"Mọi thứ xảy ra chỉ trong một khoảnh khắc, tới giờ anh vẫn không thể quên được", người đàn ông 67 tuổi vừa nói vừa khóc. "Anh đã nhắn tin vị trí của mình cho em, nhưng em chẳng bao giờ đọc được".
"Khi trở về nhà và ngước lên, anh thấy bầu trời có hàng nghìn ánh sáng, như thể một hộp trang sức. Anh khóc và khóc, biết rằng rất nhiều người đã chết".
Vợ Kazuyoshi là một trong gần 20.000 người ở Đông Bắc Nhật Bản thiệt mạng trong trận động đất - sóng thần ngày 11/3/2011. Giờ đây, nhiều người sống sót tìm đến bốt điện thoại không kết nối ở thị trấn Otsuchi cách Tokyo 500 km để "liên lạc" với thân nhân đã mất, đồng thời tự an ủi bản thân trong lúc vẫn vật lộn với nỗi đau.
Trước Kazuyoshi, Sachiko Okawa gọi điện cho Toichiro, người đàn ông là chồng bà suốt 44 năm. Sachiko hỏi thăm tình hình của chồng kể từ ngày ông bị sóng thần cuốn đi.
"Em cô đơn lắm", người phụ nữ 76 tuổi bật ra, giọng như thể vỡ vụn. Kết thúc cú điện, Sachiko nhờ Toichiro phù hộ gia đình và hẹn với chồng "sẽ trở lại sớm".
Đôi lúc, Sachiko cảm thấy như mình nghe tiếng Toichiro ở đầu dây bên kia. "Điều đó giúp tôi cảm thấy đỡ hơn một chút", bà trải lòng.
Sachiko biết đến bốt điện thoại thông qua bạn bè. Bà thường dắt cả hai cháu trai đi cùng để chúng trò chuyện với ông.
"Ông ơi, đã gần 10 năm trôi qua rồi và cháu sắp vào cấp hai rồi", Daina, cháu trai 12 tuổi của vợ chồng Sachiko nói qua điện thoại. "Có một loại virus mới xuất hiện, giết rất nhiều người nên chúng cháu phải đeo khẩu trang. Nhưng chúng cháu ổn cả".
Bốt điện thoại gọi tới người đã khuất do Itaru Sasaki, chủ vườn 76 tuổi ở Otsuchi lập nên. Vài tháng trước đại dịch, ông mất một người họ hàng do bệnh ung thư.
"Có quá nhiều người không thể nói lời từ biệt. Nhiều gia đình chỉ ước được nói điều gì đó", Itaru giãi bày.
Bốt điện thoại của Itaru, còn được gọi là "bốt điện thoại của gió", giờ đây thu hút hàng nghìn lượt khách từ khắp Nhật Bản. Nó không chỉ dành cho người sống sót sau thảm họa mà còn được các gia đình mất thân nhân do bệnh tật hoặc tự tử tìm đến. Cách đây vài tháng, một số đơn vị ở Anh và Ba Lan tìm đến Itaru, bày tỏ mong muốn thiết lập những bốt điện thoại tương tự cho người chịu mất mát do đại dịch.
"Như một thảm họa, đại dịch đột ngột ập đến, kéo theo cái chết. Nỗi đau một gia đình phải trải qua cũng lớn hơn rất nhiều", Itaru nhận định.
Giống như hàng nghìn người khác trong thảm họa kép năm 2011, Kazuyoshi Sasaki không chỉ mãi mãi xa vợ mà còn mất nhiều họ hàng, bạn bè.
Với Kazyoshi, Miwako là tình yêu lớn nhất đời. Ông bày tỏ tình cảm với bà từ hồi học cấp ba nhưng bị từ chối. 10 năm sau, họ hẹn hò, sau đó kết hôn và có bốn đứa con.
Kazuyoshi báo với vợ rằng con út đã xây nhà mới để đón ông về. Trước khi cúp máy, Kazuyoshi khoe với vợ đã giảm được vài cân.
"Anh sẽ chăm sóc bản thân", người đàn ông hứa. "Anh rất mừng vì chúng ta đã gặp nhau, cảm ơn em. Nói chuyện sớm nhé".
Thu Nguyệt (Theo Reuters)