Dưới đây là 6 cột mốc mà bất cứ du khách ưa mạo hiểm nào cũng muốn đặt chân tới một lần.
1. Cột mốc số 0 A Pa Chải
A Pa Chải là điểm cực Tây của Việt Nam, thuộc xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây là ngã ba biên giới đặc biệt của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc và được hoàn thành việc cắm cột mốc vào 27/6/2005.
Cột mốc được xây trên độ cao 1.400 mét so với mặt nước biển. Toàn bộ cột mốc được xây dựng bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng, mỗi mặt đều khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia.
Con đường lên cột mốc phải vượt rừng khiến nhiều người thích thú, đặc biệt là những người muốn chinh phục từng miền đất của tổ quốc. Nếu thời tiết thuận lợi, việc leo tới cột mốc A Pa Chải chỉ mất chừng 4 tiếng đi, 3 tiếng leo về.
2. Cột mốc 3143 Fansipan
Nằm tại dãy núi Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, đỉnh Fansipan còn được biết đến với cái tên nóc nhà Đông Dương. Nơi đây thường hàng năm đón hàng trăm lượt khách du lịch bụi, những người đam mê chinh phục và khám phá.
Đỉnh Fansipan được đặt mốc được làm dạng hình chóp với 3 mặt bằng inox. Trên cả ba mặt của cột mốc này đều được khắc chìm biểu tượng quốc kỳ Việt Nam và đặc biệt là dòng chữ Fansipang 3.143 mét.
Quãng đường chinh phục Fansipan thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày tùy thuộc vào thời tiết và địa hình nên thường đòi hỏi người tham gia có tính kiên nhẫn cao. Toàn chặng đường cũng có những điểm nghỉ tiếp sức khá an toàn. Nếu muốn ngắm nhìn một khung cảnh hùng vĩ của mây trời thì cột mốc 3143 tại Fansipan chắc chắn là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thử sức.
3. Cột cờ Lũng Cú
Một địa danh khá nổi tiếng tại Hà Giang mà bất cứ du khách nào tới đây cũng muốn ghé qua đó chính là cột cờ Lũng Cú. Với độ cao khoảng 1.700 mét so với mực nước biển, trên đỉnh núi Rồng của xã Lũng Cú, cột cờ Lũng Cú nổi bật từ xa nhờ lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
Có hai cách để đặt chân tới cột cờ Lũng Cú nhưng nhiều người thường chọn cách đi tiết kiệm thời gian hơn là đi từ thị trấn Đồng Văn. Theo lối chính, đường lên cột cờ Lũng Cú bao gồm 389 bậc đá theo vòng xoáy trôn ốc và 140 bậc trong lòng cột cờ.
Từ đỉnh cột cờ Lũng Cú, du khách có thể ngắm trọn khung cảnh thiên nhiên tựa như bức tranh sơn thủy hữu tình bên dưới và hơn thế đó chính là cảm giác thiêng liêng khi chạm tay tới nơi địa đầu tổ quốc.
4. Cột mốc 428 Hà Giang
Nằm cách cột cờ Lũng Cũ chừng 4 - 5 km về phía Bắc, cột mốc 428 chính là điểm đánh dấu phần lãnh thổ Việt Nam với nước bạn Trung Quốc. Đây chính là nơi con sông Nho Quế bắt đầu dòng chảy vào đất Việt thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lủng Cũ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đường lên cột mốc 428 dài chỉ 2 km nhưng lại mất gần 3 tiếng đồng đi bộ vì địa hình đồi núi ngoằn nghèo, với những đoạn dốc thẳng đứng. Chính vì nằm tại vị trí khá hiểm trở với phía dưới là sông, trên là vách núi như vậy mà phải mất tới hai năm, cột mốc này mới được hoàn thành. Từ cột mốc 428, du khách dễ dàng nhìn thấy đường con sông Nho Quế nằm cách đó 2km và cột mốc 427 nằm khuất phía bên kia sườn dốc. Nhiều người sau khi kết thúc hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú thường lựa chọn nơi này như điểm nghỉ chân ngắm nhìn một phần đất nước.
5. Mũi Đôi, cực Đông Tổ quốc
Là điểm đón mặt trời đầu tiên trên dải đất hình chữ S, mũi Đôi chính là điểm cực đông của Việt Nam. Nằm tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mũi Đôi được rất nhiều người lựa chọn cho chuyến chinh phục của mình.
Nhiều người khi nhắc đến mũi Đôi thường lầm tưởng vị trí này này là Mũi Điện hay còn có tên Mũi Đại Lãnh vì nơi này còn được đặt một tấm bia cực đông của Tổ quốc. Để đến được Mũi Đôi, du khách có thể đi tàu ven biển hoặc đi bộ qua những cồn cát lớn. Cách đi bộ sẽ vất vả hơn nhưng lại được nhiều người lựa chọn, phần vì tàu tới Mũi Đôi có giá thành khá đắt và cũng phần vì đi bộ sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị hơn như được ngắm những trảng cỏ lớn, ốc đảo xanh hay thậm chí cả những cành mai rừng.
6. Mũi đất Cà Mau, cực Nam tổ quốc
Trong bốn cực có lẽ cực Nam là nơi dễ di chuyển nhất và cũng là nơi cột mốc được xây dựng bề thế nhất với hình chiếc tàu. Cột mốc đánh dấu cực Nam này được xây dựng tại xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Từ TP HCM, du khách có thể đi ôtô để về đến đất mũi. Sau khi tham quan nơi đặt chiếc tàu nhỏ, biểu trưng của cực nam đất nước, du khách có thể tiếp tục tới những khu du lịch khác cũng hấp dẫn không kém tại đây như vườn quốc gia đất mũi, đảo Hòn Khoai.
Đỗ Huyền