Thứ sáu, 10/1/2025
Chủ nhật, 16/7/2017, 06:29 (GMT+7)

Những công viên, khu dân cư từng là nghĩa trang ở TP HCM

Không chỉ Bình Hưng Hòa, trước đây nhiều nghĩa trang lớn ở TP HCM đã được giải tỏa để làm công viên, khu dân cư.

Công viên Lê Văn Tám (quận 1) trước năm 1975 là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nơi này nguyên là nghĩa trang chôn các sĩ quan và binh lính người Pháp trong cuộc chiếm đóng Sài Gòn. Người dân thời đó cũng gọi là Đất thánh Tây.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, các chính trị gia, tướng tá đương thời cũng được chôn tại đây. Nổi tiếng nhất là Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai - cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Hai người đã bị quân đảo chính ám sát vào ngày 2/11/1963 và được an táng tại đây.

Năm 1983, chính quyền TP HCM di dời hàng nghìn ngôi mộ ở đây về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Dương) và dự kiến xây nơi này thành thành Cung văn hóa thiếu nhi thành phố. Tuy nhiên, về sau nơi đây được quy hoạch thành công viên Lê Văn Tám.

Hiện, công viên là nơi dạo chơi, tập thể dục của người dân thành phố. Hai năm một lần, ở đây diễn ra hội sách cùng nhiều hoạt động giải trí khác. Đây cũng là nơi có dự án bãi đậu xe ngầm 100 triệu USD với quy mô chứa 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm dành cho thương mại. Tuy nhiên, sau ngày động thổ vào tháng 8/2010, đến nay dự án đang "án binh bất động", chưa biết bao giờ mới thi công.
 

Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) trước năm 1975 là nghĩa trang Đô Thành. Nơi đây chôn cất người mất thuộc tầng lớp bình dân và những lính chết trận vô danh. Trong kế hoạch chỉnh trang thành phố, nghĩa trang được giải tỏa vào năm 1983.

Năm 1999 chính quyền đã tìm thấy phần mộ của Tổng bí thư Trần Phú tại công viên này sau 68 năm ngày ông qua đời. Hiện, công viên Lê Thị Riêng có 80% mảng xanh trên diện tích 8 ha với nhiều đồi, cây cỏ, bồn hoa đan xen lối đi.

Trước năm 1975, khu vực gần ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) nơi chôn cất lính Pháp tử trận trong cuộc chiến ở Đông Dương. Thời ấy, nghĩa trang có quy mô khá lớn với hàng nghìn nấm mộ, được chia thành các ô dành riêng cho người theo đạo Công giáo và Hồi giáo.

Sau năm 1975, nghĩa trang quân đội Pháp tồn tại thêm một thời gian thì các hài cốt lính Pháp được hồi hương. Khu này được cải tạo, xây dựng Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình như ngày nay.

Ngoài trung tâm Triển Lãm và hội chợ Tân Bình, một phần đất nghĩa trang được xây dựng thành nhà văn hóa quận, bãi giữ xe, khu thể thao. Xung quanh khu đất vốn là nghĩa trang, nhà dân mọc san sát. Còn khu ngã tư Bảy Hiền giờ là điểm nóng giao thông, xe cộ luôn đông đúc, ùn tắc vào giờ cao điểm.

Cư xá Bình Thới và khu dân cư lân cận hiện nay được xây dựng sau khi giải tỏa khu nghĩa địa Nhị Tỳ Quảng Đông (quận 11). Đây là khu nghĩa địa lớn của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn trước năm 1975.

Đầu những năm 1980, lãnh đạo TP HCM vận động giải tỏa khu nghĩa địa, lập những khu dân cư mới để sạch hóa địa bàn.

Năm 1983, quận 11 bắt đầu thông báo ngưng chôn cất, ra thông báo cho thân nhân đến di dời các phần mộ. Đến năm 1988, khu vực nghĩa trang đã cơ bản được san lấp.

Giải tỏa xong mặt bằng, chính quyền cho xây dựng cư xá Bình Thới. Nhà cửa ở khu lân cận mọc lên, hơn 15.000 dân trở về hoặc chuyển từ nơi khác tới, sinh sống trên mảnh đất nghĩa trang ngày nào.

Hiện, khu đất nghĩa trang ngày xưa giờ là khu dân cư đông đúc cùng hạ tầng khác như nhà thi đấu Lãnh Bình Thăng, Bệnh viện quận 11, các trường học, tòa nhà văn phòng...

Trước năm 1975, gần sân bay Tân Sơn Nhất có nghĩa trang Bắc Việt. Ngày nay, vị trí nghĩa trang ở quanh khu vực chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), giới hạn bởi đường Phổ Quang, Huỳnh Lan Khanh và bên hông Quân khu 7.

Nghĩa địa này cũng được giải tỏa vào cuối những năm 1980 đến năm 1995 thì cơ bản hoàn thành. Khu đất từng "dành cho người chết" nay xây dựng thành khu dân cư, khu biệt thự, bãi xe buýt, cao ốc, nhà hàng...

Theo những cao niên sống ở đây, đường Phổ Quang ngày xưa vốn là đường đất, là lối chính dẫn vào nghĩa trang Bắc Việt. Hiện, con đường được chỉnh trang, trải nhựa; hàng chục dự án cao ốc văn phòng, căn hộ... được xây dựng.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất TP HCM. Do lo ngại ô nhiễm môi trường nên năm 2008, UBND TP HCM ra quyết định giải tỏa. Tuy nhiên, từ thời điểm ra quyết định đến nay vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ chưa có thân nhân đến nhận.

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có kinh phí đầu tư lớn, lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Theo quy hoạch, trong tổng số 44 ha đất giải tỏa, có 24 ha được làm công viên cây xanh, 12 ha dùng làm trung tâm thương mại, 8 ha còn lại làm khu phức hợp từ sau năm 2020.

Quỳnh Trần