Giới phân tích đánh giá 2024 là năm nhiều thiệt hại với các công ty tên tuổi. Khi lạm phát vẫn ở mức cao, người tiêu dùng tiếp tục giảm chi, đẩy nhiều công ty đến cảnh phá sản. Số khác thì trở thành nạn nhân khi xu hướng tiêu dùng thay đổi.
Theo hãng dịch vụ hỗ trợ tìm việc Challenger, Gray & Christmas, ít nhất 19 công ty đã cắt giảm tổng cộng 14.000 việc làm năm nay, do phá sản. Các hãng bán lẻ chịu ảnh hưởng lớn nhất, khi làn sóng mua sắm trong năm 2021 và 2022 chấm dứt. Hãng nghiên cứu CoreSight cho biết hơn 7.100 cửa hàng đã đóng cửa tính đến cuối tháng 11. Số liệu này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nộp đơn xin bảo hộ phá sản không đồng nghĩa công ty dừng hoạt động. Doanh nghiệp thường tận dụng cơ hội này để giảm quy mô kinh doanh, giải quyết khối nợ lớn và tiết kiệm chi phí bằng cách đóng bớt cơ sở.
Dưới đây là những vụ phá sản nổi bật nhất năm 2024 tại Mỹ:
Bowflex
Chuỗi bán lẻ thiết bị tập gym tại nhà Bowflex hưởng lợi trong mùa dịch, khi người dân đổ xô mua đồ tập. Tuy nhiên, khi đại dịch chấm dứt, hãng này gặp khó vì nhu cầu yếu, cạnh tranh cao và lãi suất tăng.
Họ nộp đơn xin phá sản hồi tháng 3. Dù vậy vài tháng sau, Bowflex thoát tình trạng phá sản, khi ký thỏa thuận với một công ty Đài Loan để "bán gần như toàn bộ tài sản" với giá 37,5 triệu USD tiền mặt.
Red Lobster
Hôm 19/5, chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới Red Lobster (Mỹ) nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Họ cho biết phải gánh khoản nợ hơn 1 tỷ USD, nhưng tiền mặt còn chưa đến 30 triệu USD.
Nhiều năm giảm đầu tư vào marketing, chất lượng đồ ăn và dịch vụ đã khiến họ khó cạnh tranh với các đối thủ. Sau khi đóng hơn 100 cửa hàng, Red Lobster thoát phá sản hồi tháng 9, khi được bán cho công ty khác.
Tupperware
Hồi tháng 9, Tupperware nộp đơn xin phá sản sau nhiều năm gặp rắc rối tài chính và dần ít được ưa chuộng. Việc kinh doanh của hãng từng khởi sắc trong đại dịch, khi nhu cầu hộp đựng thức ăn tăng mạnh vì người dân nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên, sau đại dịch, họ chật vật khi chi phí vật liệu, lao động và vận chuyển tăng. Lạm phát tại Mỹ tăng tốc càng khiến nhu cầu của người dùng giảm sút.
Đến cuối tháng 11, thương hiệu và các bằng sáng chế của Tupperware được một công ty đầu tư mua lại. Công ty này cam kết duy trì hoạt động cho hãng.
TGI Fridays
Tháng trước, TGI Fridays - chuỗi nhà hàng bình dân gần 60 năm tuổi tại Mỹ - nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhiều năm qua, số khách hàng của TGI giảm sút. Họ cho biết đại dịch là "nguyên nhân chủ yếu gây ra các thách thức tài chính".
TGI sẽ "tìm kiếm các lựa chọn chiến lược khác nhằm đảm bảo khả năng hoạt động trong dài hạn của thương hiệu". Theo hồ sơ, tài sản và nợ của hãng đều nằm trong khoảng 100-500 triệu USD.
Big Lots
Big Lots là một trong những hãng bán lẻ đồ dùng gia đình giá rẻ lớn nhất Mỹ với hơn 1.400 cửa hàng. Tuy nhiên, hồi tháng 9, hãng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu là lạm phát và lãi suất cao khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng. Big Lots đã đồng ý bán mảng kinh doanh công ty đầu tư cổ phần tư nhân Nexus Capital Management với giá 760 triệu USD.
Spirit Airlines
Spirit Airlines - hãng bay tiên phong trong hàng không giá rẻ Mỹ - nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 18/11. Nguyên nhân là khoản lỗ ngày càng tăng, nợ khó trả, cạnh tranh tăng cao và không thể sáp nhập với các hãng bay khác. Hãng vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cấu trúc nợ.
Spirit chưa đạt lợi nhuận năm kể từ 2019. Nửa đầu năm nay, họ lỗ 360 triệu USD, dù nhu cầu bay tại Mỹ vẫn mạnh. Cạnh tranh gay gắt khiến giá vé trung bình của hãng nửa đầu năm nay giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ hiện có 1,1 tỷ USD nợ phải trả từ nay đến năm sau.
Party City
Ngày 21/12, hãng bán lẻ đồ tổ chức tiệc lớn nhất Mỹ Party City (Mỹ) nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần thứ 2 trong chưa đầy hai năm. Từ đầu năm sau, họ sẽ đóng cửa gần 700 cửa hàng. Chuỗi này vài năm qua đối mặt với giá sản phẩm tăng, khiến người tiêu dùng giảm chi. Bên cạnh đó, họ đang gánh khoản nợ 800 triệu USD.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)