Hoạt động này đã được duy trì từ tháng 10/2022 đến nay. Sau lễ chào cờ, công ty chuyên về phần mềm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội của Yến sẽ vinh danh các nhân viên xuất sắc, chia sẻ câu chuyện ý nghĩa, giới thiệu cuốn sách hay trong khoảng một tiếng, trước khi bắt đầu làm việc.
"Các công ty cũ tôi làm không có văn hóa chào cờ đầu tuần nên khi được trải nghiệm thấy rất hào hứng", cô gái 24 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nói.
Nữ nhân viên cũng cho biết văn hóa riêng biệt của công ty khiến cô hiểu hơn về lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, làm việc có trách nhiệm, luôn tận tâm và sống tích cực hơn.
Ông Phạm Ngọc Tuân, lãnh đạo công ty Hải Yến làm việc, giải thích chào cờ mỗi sáng thứ hai là hoạt động bắt buộc của công ty. Các nhân viên từ khi tuyển dụng đã được phổ biến nội quy và đều hưởng ứng tích cực.
"Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, góp phần thực hiện chiến lực và mục tiêu đặt ra", ông Tuân nói.
Ngày 5/6, đoạn video quay lại cảnh nhân viên trong công ty của ông Tuân chào cờ được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích, bình luận.
"Lễ chào cờ sẽ tiếp thêm động lực và niềm tự hào dân tộc, khiến người lao động hăng say làm việc, nâng cao hiệu quả", người dùng tên Xuân Lan viết.
Một số người cũng tiết lộ một số công ty tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phân xưởng sản xuất khác cũng duy trì hoạt động chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần hoặc hàng tháng.
Thanh Loan, 33 tuổi, nhân viên một công ty chuyên lắp ráp ôtô, máy nông nghiệp, cơ khí chế tạo và giao nhận vận chuyển tại Hà Nội, nói đơn vị đã duy trì hoạt động chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần gần 20 năm nay. Đều đặn 7h30 sáng đầu tuần, nhân viên sẽ tập trung tại hội trường lớn, mặc đồng phục, đứng nghiêm trang trước khi thực hiện nghi thức chào cờ và hát quốc ca. Sau bài quốc ca là đến hát bài truyền thống của công ty, ban lãnh đạo cũng có trao đổi nhanh về công việc, trước khi trở lại làm việc vào 8h sáng.
Loan kể thời gian đầu chưa quen văn hóa nên có phần miễn cưỡng, nhưng gần 10 năm gắn bó, được đứng dưới lá cờ Tổ quốc và hát quốc ca mỗi sáng thứ 2 khiến có cảm thấy tự hào, tạo thêm động lực, niềm phấn khởi trước khi bắt đầu tuần làm việc mới.
"Giờ mà không được chào cờ vào sáng thứ hai tôi lại thấy thiếu", chị Loan nói.
Đầu năm nay, một công ty thuộc cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng nhận được sự quan tâm khi chia sẻ một video quay cảnh hàng nghìn công nhân trong nhà máy mặc áo đỏ sao vàng, giơ tay chào cờ và hát quốc ca khiến người xem cảm động.
Ông Nguyễn Xuân Hào, chủ tịch Công đoàn công ty cho biết lễ chào cờ được 1.600 cán bộ, công nhân viên công ty duy trì gần 6 năm nay. Đây là quy định của giám đốc người Hàn Quốc từ khi thành lập công ty.
"Mong muốn lớn nhất của công ty là tăng cường tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tạo gắn bó giữa các công nhân, từ đó phấn đấu thi đua, hăng say lao động sản xuất và nâng cao văn hóa doanh nghiệp", ông Hào nói.
PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho biết pháp luật không có quy định bắt buộc doanh nghiệp tư nhân phải chào cờ hàng tuần, hàng tháng. Hiện chỉ có quy định về việc sử dụng quốc ca trong lễ chào cờ tại công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, lễ hội quốc gia, sự kiện thể thao cấp Nhà nước và quốc tế.
"Do vậy, việc các doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức chào cờ hàng tuần, hàng tháng đều dựa trên tinh thần tự nguyện, nhằm tạo không khí thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc", ông Cương nói.
Ông cũng cho rằng hoạt động chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần tại công ty, doanh nghiệp tư nhân dần trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. "Đây là hoạt động rất tích cực, cần được lan rộng. Đặc biệt, khâu tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém chi phí, thời gian mà lời bài hát lại thân thuộc, gần gũi, ai cũng thuộc", ông Cương nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết trong văn hóa doanh nghiệp điều quan trọng là tạo được thói quen, sức mạnh tiềm thức và nội sinh trong mỗi cá nhân, giống như việc đồng lòng, chung sức cùng hát quốc ca mỗi sáng đầu tuần. Tuy nhiên các cấp quản lý cần tìm mọi cách để duy trì hoạt động trong thời gian dài, thay vì chỉ như phong trào nhất thời.
Quỳnh Nguyễn