Thứ bảy, 21/12/2024
Thứ năm, 2/7/2020, 10:56 (GMT+7)

Những công trình triều Nguyễn lộ diện trên Thượng Thành

Thừa Thiên - HuếNhiều công trình phòng thủ trên di tích Thượng Thành dần xuất hiện sau nhiều năm che lấp bởi nhà dân, cây cối.

Khu di tích Thượng Thành, kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Theo sách Đại nam Nhất thống chí, triều Nguyễn xây dựng bốn phía trên Thượng Thành của Kinh thành Huế 24 pháo đài, mỗi pháo đài đều có dược khố xây bằng gạch vồ để chứa diêm tiêu, đạn dược. Mỗi pháo đài có nhiều pháo nhãn là nơi đặt súng đại bác để phòng thủ.

Sau chiến tranh, nhiều hộ dân làm nhà sinh sống trên di tích khiến nhiều công trình triều Nguyễn nơi đây bị che lấp. Những năm gần đây, chính quyền Thừa Thiên Huế thực hiện chính sách di dân khỏi khu di tích Thượng Thành để tiến hành tu bổ, hướng đến phát triển du lịch.

Sau khi một hộ dân ở phường Thuận Lộc tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho chính quyền, một cổng thành vòm cao 108 cm, rộng 85 cm phát lộ ở Đông thành Thủy Quan.

Một cánh cổng có kiến trúc tương tự nằm ở bên trái Đông thành Thủy Quan đang bị che lấp bởi tấm lợp xi măng do người dân xây.

Nhà văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hai cổng thành là lối đi vệ binh của triều Nguyễn để kiểm soát tàu thuyền ra vào Đông thành Thủy Quan. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhận định hai cổng thành này là nơi đặt đại bác phòng vệ Đông thành Thủy Quan.

Một dược khố ở pháo đài Đông Vĩnh dần lộ diện sau khi nhà dân ở khu vực này được đập bỏ trả mặt bằng cho chính quyền. Dược khố xây bằng gạch vồ, dày gần 80 cm - xưa kia là nơi triều Nguyễn để đạn dược, diêm tiêu cung cấp cho hệ thống súng thần công phòng thủ, còn hiện nay người dân để tạm đồ đạc.

Sau khi 532 hộ dân phường Thuận Lộc, Tây Lộc sống trên mặt đông Thượng Thành tháo dỡ nhà cửa, nhiều pháo nhãn bắt đầu lộ diện. Các pháo nhãn là nơi xưa kia triều đình nhà Nguyễn bố trí súng thần công để phòng thủ kinh thành Huế.

Pháo đài Tây Thành thuộc Kinh thành Huế trở nên thông thoáng và dần lộ diện như kiến trúc xưa kia sau khi nhiều hộ dân dời đi. Xưa kia, pháo đài Tây Thành là nơi được bố phòng nghiêm ngặt với nhiều pháo nhãn.

Hiện khu vực pháo đài Tây Thành được người dân tạm sử dụng thâm canh rau sạch.

Tấm bia đá bằng chữ Hán khắc "Tây Thành đài". Tấm bia đá này được tìm thấy sau khi dân di dời, cây cối xung quanh bị chặt bỏ.

Dược khố ở pháo đài Tây Thành vẫn còn nguyên kiến trúc xưa với lớp gạch vồ dày gần 80 cm, 2 cửa ra vào, rộng 60 cm, cao gần 1 m. Công trình lộ thiên sau khi nhiều nhà dân nơi đây được tháo dỡ, phát quang cây cối.

Dược khố Tây Thành đài bị bỏ hoang sau khi các hộ dân dời đi. Hiện công trình này xuống cấp khi có nhiều cây dại bám.

Quan Tượng đài, nơi đặt trạm đo thiên văn của triều Nguyễn xưa kia.

Trước đây, xung quanh di tích này có hàng chục hộ dân sinh sống, lấn chiếm che lấp. Sau khi các hộ dân được di dời, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tiến hành tu bổ Quan Tượng đài và dược khố tại đây.

Dược khố ở pháo đài Nam Xương đã được trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tu bổ.

Pháo đài Nam Thắng trở lại diện mạo như dưới triều Nguyễn sau khi được tu bổ. Nhiều năm trước, hàng chục hộ dân đã sinh sống trên di tích khiến nơi này nhếch nhác, dược khố cũng bị che lấp.

Nhà văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, sau khi giải tỏa hết dân sinh sống trên Thượng Thành, kiến trúc Kinh thành Huế xưa kia sẽ dần hé lộ với những dược khố, pháo nhãn. Tương lai, Thượng Thành cũng sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn nếu chính quyền sở tại biết cách khai thác.

Võ Thạnh