Thứ sáu, 3/5/2024
Thứ ba, 1/8/2023, 00:00 (GMT+7)

Những công trình tiêu biểu của Hà Nội sau 15 năm mở rộng

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi với nhiều công trình, tuyến đường kết nối với Hà Tây cũ.

Ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12. Từ đó đến nay, Thủ đô có thêm nhiều công trình mới. Tiêu biểu là tòa nhà Quốc hội nằm trên đường Độc Lập, quận Ba Đình, hoạt động tháng 10/2014 bằng phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa 13.

Sau 10 năm, nhà Quốc hội vẫn là công trình kiến trúc đặc biệt, quy mô, biểu tượng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Công trình cao 39 m với 5 tầng nổi, 3 tầng hầm, diện tích sàn 60.000 m2, thiết kế hình vuông, phòng họp trung tâm hình tròn.

Tháng 11/2021, Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô bắt đầu vận hành thương mại, kết nối trung tâm thành phố với quận Hà Đông (trước đây là TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây).

Sau gần 2 năm hoạt động, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dần trở thành phương tiện công cộng được ưa chuộng với hơn 32.000 lượt khách mỗi ngày. Tính riêng quý I/2023, tuyến này vận chuyển hơn 2,65 triệu lượt khách, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2022.

Được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, đại lộ Thăng Long hiện dài nhất Việt Nam với hơn 29 km, chiều rộng trung bình 140 m, điểm đầu là nút giao Trung Hòa và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc.

Công trình thông xe vào tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kết nối đô thị vệ tinh Hòa Lạc 600.000 dân với trung tâm Hà Nội.

Dải phân cách, đường gom đại lộ Thăng Long có nhiều loại cây như: hồng mai, bạch trinh, lài tây, dâm bụt, chuối hoa, tường vy, muồng hoa vàng, cúc tần rủ Ấn Độ... Việc trồng nhiều tầng cây nhằm chống xói mòn đất, chắn bụi, giảm tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí.

Sau 3 năm xây dựng, ngày 25/12/2014, nhà ga T2 sức chứa 15 triệu lượt khách/năm khánh thành nhằm giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Đường Võ Nguyên Giáp kết nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô dài 12 km, đi qua hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Dự án khánh thành vào đầu năm 2015, tổng mức đầu tư hơn 6.740 tỷ đồng.

Với vận tốc tối đa 90 km/h, 10 làn xe chạy hai chiều, đường Võ Nguyên Giáp đã giúp giảm thời gian từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút.

Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010, dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình do Công ty GMP của Đức thiết kế, lấy ý tưởng từ chùa Một Cột, có dáng dấp như bông hoa sen, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tầng một có cửa mở về 4 hướng có tác dụng đón không khí từ 4 hướng với ý nghĩa 4 phương tụ hội về Thủ đô - vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Năm 2016, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội được tạp chí Business Insider (Mỹ) bình chọn là một trong 36 bảo tàng đẹp nhất thế giới. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật, thuộc nhiều chất liệu.

Sau 15 năm mở rộng, Hà Nội có thêm nhiều khu đô thị, nhiều nhà cao tầng, giúp tăng diện tích nhà ở cho người dân. Từ đường Nguyễn Chí Thanh hướng về phía tây nam Thủ đô, hàng loạt tòa nhà mọc sát nhau.

Nhật Tân hiện là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, được xây dựng năm 2009 với tổng đầu tư hơn 13.620 tỷ đồng. Cầu có 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 5, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Công trình được khánh thành vào tháng 1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài.

Ngọc Thành - Phạm Chiểu - Giang Huy